Không phải chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đây mới là yếu tố quyết định chiến thắng của Việt Nam trong công cuộc chinh phục trái tim nhà đầu tư FDI

12/09/2019 07:06 AM | Kinh doanh

Thông qua các cuộc khảo sát của nhiều tổ chức khác nhau, cùng những động thái của các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới, có thể khẳng định thị trường Việt Nam đang trong thời điểm vàng để đầu tư sản xuất, cả tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu.

Trong khoảng 3 năm gần đây, từ khi người Mỹ và Trung ‘chiến’ nhau dữ dội trên mặt trận kinh tế, đột nhiên Việt Nam nổi lên như một điểm đến lý tưởng cho nhiều doanh nghiệp FDI khi họ muốn dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc hoặc thực hiện chính sách "Trung Quốc + 1".

Nhiều người cho rằng, Việt Nam được hưởng lợi nhiều như thế, tất cả là nhờ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung; tuy nhiên qua những cuộc khảo sát của các tổ chức khác nhau và các động thái của nhiều nhà sản xuất – bán lẻ nổi tiếng thế giới, chứng minh sự thật không phải thế.

Có thể nói, kể cả khi không có chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc qua nước lân cận, ví dụ như Việt Nam cũng sẽ xảy ra. Chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung bùng nổ, chỉ khiến tiến trình dịch chuyển diễn ra nhanh hơn và mạnh hơn.

Đầu tiên, sau vài thập kỷ đóng vai trò là ‘công xưởng của thế giới’, mặt tích cực là nó là đã giúp Trung Quốc vươn lên vị trí là đất nước có nền kinh tế mạnh thứ hai thế giới và sản xuất nhiều doanh nghiệp hùng mạnh nhất nhì thế giới; nhưng mặt tiêu cực cũng không ít, như môi trường nhiều khu vực ô nhiễm nặng, chênh lệch giàu nghèo ngày càng khủng khiếp…

Trung Quốc có lẽ cảm thấy mình đã có nền khoa học công nghệ kỹ thuật cao, đủ sức trở thành một nước có nền kinh tế kiểu như Mỹ, Pháp hay Đức; nên họ không duy trì những chính sách hấp dẫn như trước đây để thu hút bằng được các doanh nghiệp sản xuất hàng đầu thế giới. Họ muốn là một nước chuyên sản xuất những sản phẩm kỹ thuật cao, có giá trị gia tăng lớn chứ không muốn trở thành "công xưởng của thế giới" nữa.

Không phải chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mà chi phí sản xuất - nhân công cùng độ chín của thị trường mới là yếu tố quyết định chiến thắng của Việt Nam trong công cuộc chinh phục trái tim nhà đầu tư FDI - Ảnh 1.

Ảnh: Financial Times

Thứ hai, cho dù không có chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, thì nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn cũng có ý định dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc hoặc thực hiện chính sách "Trung Quốc + 1" (dù sao thì các công ty cũng không thể ngó lơ thị trường hơn 1 tỷ dân của Trung Quốc!); vì như đã nói ở trên, chính sách ưu đãi các doanh nghiệp FDI của Trung Quốc đã tới giai đoạn ít hấp dẫn hơn các nước chung quanh và giá nhân công tại Trung Quốc cũng cao hơn nhiều nước Đông Nam Á. Họ rời khỏi Trung Quốc đơn giản vì khi đặt nhà máy tại Trung Quốc, nguồn lợi mà họ thu lại ít hơn các nước xung quanh, ví dụ như Đông Nam Á.

Cuối cùng, sở dĩ Việt Nam là điểm đến được nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng đầu thế giới ưu ái hơn các nước còn lại trong khu vực Đông Nam Á, là do tổng hòa của 2 yếu tố: thị trường 100 triệu dân cùng việc tầng lớp trung lưu đang gia tưng nhanh chóng là vô cùng hấp dẫn và xét tương quan về chính sách ưu đãi – giá nhân công – vị trí thuận lợi cho logistic – môi trường xã hội – chính trị, thì Việt Nam vẫn là sự lựa chọn tối ưu nhất.

Chi phí về sản xuất và nhân công là yếu tố giúp Việt Nam chiến thắng trong cuộc đua thu hút vốn đầu tư FDI so với các đối thủ ở Đông Nam Á

Trong một đợt khảo sát gần đây do DHL Global Forwarding tổ chức ở Hội nghị Thời trang và Bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh, 59% người tham gia khảo sát cho biết doanh nghiệp của họ đã hoạt động tại Việt Nam hơn một thập kỷ. Đặc biệt, 82% cho biết chi phí cho sản xuất và nhân công là yếu tố then chốt để họ quyết định đặt cơ sở tại Việt Nam; chỉ có 11% cho rằng tình hình căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chính là nguyên nhân chính thôi thúc họ quyết định thay đổi sang thị trường Việt Nam.

Ví dụ: chi phí xây dựng nhà xưởng tại TP.HCM (Việt Nam) rất quyến rũ, thấp hơn Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và cả Indonesia. So với 4 quốc gia trên, tại Việt Nam, giá thuê nhà xưởng, nhà kho là 380 USD/m2 so với 400 - 580 USD/m2; giá thuê nhà kho lớn trumg tâm là 410 USD/m2 so với mức 440 - 780 USD/m2; giá nhà xưởng công nghệ cao tại Việt Nam là 610 USD/m2 so với mức trung bình từ 650 – 1.190 USD/m2 của 4 quốc gia còn lại.

Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có ảnh hưởng đến họ, nhưng chỉ ở khía cạnh hoạt động kinh doanh. Theo đó, 54% số người tham gia khảo sát cho rằng quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có tác động lớn nhất; 27% lại nhắc đến Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và 17% nhắc đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Không phải chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mà chi phí sản xuất - nhân công cùng độ chín của thị trường mới là yếu tố quyết định chiến thắng của Việt Nam trong công cuộc chinh phục trái tim nhà đầu tư FDI - Ảnh 2.

Kết quả khảo sát của DHL

Bà Swati Wig, Trưởng bộ phận DHL Consulting khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ: "Việt Nam đang được định vị là trung tâm sản xuất của thế giới nhờ sự ổn định chính trị, chính sách thân thiện với doanh nghiệp, đất đai và nguồn nhân lực có sẵn cùng với lợi thế về vị trí địa lý chiến lược. Việt Nam cũng có một thị trường tiêu thụ nội địa phát triển nhanh chóng đối với ngành bán lẻ.

Việt Nam đã đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng giao thông và logistics cũng như đào tạo kỹ năng cho lực lượng lao động của ngành bán lẻ, nhưng cũng cần đặc biệt chú ý đến chi phí, đất đai có sẵn và thêm vào danh mục đầu tư các hoạt động giá tăng giá trị cho ngành bán lẻ và thời trang khi ngày càng có nhiều công ty hiện diện tại đây".

Cũng như thế, theo khảo sát thường niên vào đầu năm 2019 của JETRO - Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn bậc nhất của các doanh nghiệp Nhật Bản so với các nước trong khu vực, kể cả Trung Quốc.

70% doanh nghiệp Nhật Bản có ý định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam và 2 yếu tố hàng đầu khiến họ chọn như thế gồm ‘quy mô thị trường – khả năng tăng doanh thu, chi phí nhân công rẻ". Còn năm 2019, tỷ lệ xuất khẩu 100% của Việt Nam so với năm trước có xu hướng thu hẹp và chuyển dịch dần sang hình thức tiêu thụ nội địa.

"Việt Nam có 3 ưu điểm nổi trội là nền chính trị - an ninh tốt, chính sách ổn định, giá nhân công vẫn còn rẻ.

Ở nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, chính sách của Nhà nước thường thay đổi rất nhanh và thần tốc, tại Việt Nam không thế. Điều này khá giống đất nước chúng tôi, chính sách của Nhật Bản cũng rất ít thay đổi, do trước khi thay đổi bất cứ điều luật nào, chúng tôi cũng suy nghĩ lui tới hết sức thận trọng.

Về ưu điểm thứ ba, trong năm 2017, lương nhân công mà các công ty Nhật Bản trả cho công nhân lẫn quản lý ở Việt Nam chỉ gần bằng ½ Thái Lan. Trong khu vực Đông Nam Á, lương của lao động Việt Nam chỉ đứng thứ 6, Thái Lan đứng đầu bảng.

Ở khía cạnh khác, vì nhiều lý do khác nhau, các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản đã có ý định dịch chuyển nhà máy sản xuất khỏi Trung Quốc hoặc mở thêm một nhà máy khác ngoài Trung Quốc trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chỉ khiến các doanh nghiệp Nhật rút ngắn thời gian điều nghiên khi chọn điểm đến mới mà thôi", ông Takimoto Koji - Trưởng đại diện JETRO tại TP. HCM đã chia sẻ với chúng tôi như thế trong năm 2018.

Thị trường Việt Nam đã ‘chín’

Đúng như nhận định của các chuyên gia kể trên, với dân số 100 triệu dân, GDP tăng trưởng hàng năm từ 6% đến 7%, tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng – theo số liệu của World Bank, tính đến năm 2018, tầng lớp trung lưu Việt Nam chiếm khoảng 16,3% dân số; Việt Nam đang là một thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất nhì khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á. Cụ thể hơn: với quy mô đầu tư dự báo sẽ tăng lên 180 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.

Trong năm 2018 - 2019, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều thông báo mở cửa hàng của các nhãn hàng bán lẻ lớn nhất thế giới, nhất là ở lĩnh vực thời trang – nội thất tại Việt Nam.

Không phải chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mà chi phí sản xuất - nhân công cùng độ chín của thị trường mới là yếu tố quyết định chiến thắng của Việt Nam trong công cuộc chinh phục trái tim nhà đầu tư FDI - Ảnh 3.

1 trong 2 cửa hàng của Decathlon nằm ở Aeon Mall Tân Phú. TP. HCM.

Mới đây nhất, Decathlon – thương hiệu đồ thể thao lớn nhất thế giới, sau 23 vào Việt Nam đã quyết định mở 2 cửa hàng đầu tiên tại TP. HCM và Hà Nội.

Việt Nam là thị trường có vị trí chiến lược quan trọng với Decathlon. Họ vào Việt Nam cách đây 23 năm và hiện tại, Decathlon có 100 nhà cung cấp, trong đó có 6 đối tác lớn sản xuất 70% sản phẩm của họ tại Việt Nam. Hãng có 3 văn phòng tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM cùng 450 nhân viên để kết hợp với các nhà cung cấp điều phối công việc của 80.000 công nhân.

"Sở dĩ, Decathlon chọn Việt Nam để phát triển sản xuất lớn là bởi Việt Nam có sự cân bằng giữa chi phí và kỹ năng người lao động, sự ổn định về kinh tế vĩ mô và chính trị, sự phát triển bền vững trong các quyết sách gần đây của Chính phủ, tiềm năng vô cùng to lớn của thị trường bán lẻ Đông Nam Á và Việt Nam, cũng như Việt Nam vừa ký kết rất nhiều hiệp định thương mại khác nhau.

Với việc thị trường xuất khẩu chủ yếu của Decathlon là châu Âu – cụ thể ở Pháp, nên chúng tôi kỳ vọng khá nhiều vào hiệp định EVFTA và đang háo hức chờ thời điểm nó có hiệu lực", bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Trưởng bộ phận Thu mua và Logistics, Decathlon Việt Nam cho biết.

Tháng 1/2019, tại hội nghị tổng kết ngành Công Thương ngày, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND Hà Nội tiết lộ, tập đoàn bán lẻ đồ nội thất hàng đầu thế giới đến từ Thụy Điển - IKEA đang có kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống trung tâm bán lẻ, kho hàng tại Hà Nội, với vốn đầu tư khoảng 450 triệu euro. Không chỉ bán hàng ở Việt Nam, trung tâm này còn là đầu mối để IKEA phân phối hàng đi các nước Đông Nam Á khác.

Tháng 12/2018, Uniqlo – hãng thời trang hàng đầu Nhật Bản tuyên bố sẽ khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP. HCM trong năm 2019.

Lãnh đạo tập đoàn này cho biết, sau cửa hàng đầu tiên, Uniqlo sẽ mở thêm vài cửa hàng nữa tại TP. HCM, trước khi mở rộng thị trường sang các tỉnh thành khác. Đồng thời, Uniqlo sẽ giới thiệu chương trình Ứng viên quản lý Uniqlo (Uniqlo Manager Candidate - UMC) trong thời gian tới, hoạt động này nằm trong kế hoạch tìm kiếm nhân sự nhằm phát triển thị trường của công ty tại Việt Nam.

Chiến lược của Uniqlo trong thời gian đầu tiếp cận thị trường Việt Nam chính là LifeWear - những mẫu trang phục thời trang đa dạng đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi, với chất lượng cao, giá cả hợp lý và không ngừng đổi mới.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM