Không phải chiến tranh thương mại, đây mới là những rủi ro thực sự có khả năng 'giết chết' nền kinh tế Trung Quốc

13/11/2018 15:31 PM | Xã hội

"Trung Quốc đang mắc bệnh mãn tính chứ không phải cấp tính", chuyên gia Derek Scissors của Viện AEI tại Mỹ nhận định.

Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc hiện chưa có dấu hiệu khủng hoảng từ sau những tuyên bố cứng rắn về chiến tranh thương mại, nhưng hãng tin CNN cho rằng thị trường này sẽ chìm sâu vào rắc rối cũng như nhanh chóng gặp vấn đề nếu các hàng rào thuế quan của Mỹ bắt đầu phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng chưa nói đến chiến tranh thương mại, kinh tế Trung Quốc hiện đang phải đối đầu với những vấn đề khác còn nghiêm trọng hơn. Tăng trưởng của Trung Quốc hiện đang ở mức thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008. Thị trường này đang gặp vấn đề lớn về tín dụng, bong bóng bất động sản cũng như tình trạng đồng Nhân dân tệ yếu.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng xuất khẩu của nền kinh tế thứ 2 thế giới vẫn tăng trưởng 16% trong tháng 10/2018. Dẫu vậy, tình hình có thể sẽ thay đổi nhanh chóng nếu mức thuế 10% hiện nay tăng lên 20% vào cuối năm nay như những gì phía Nhà Trắng đe dọa.

Núi nợ

Nền kinh tế Trung Quốc trong những năm qua đã tăng trưởng nhanh chóng, phục hồi được đáng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính nhờ lượng tín dụng lớn.

"Sự tăng trưởng bùng nổ của Trung Quốc là nhờ công rất lớn của thị trường tín dụng", chuyên gia kinh tế Gerard Burg của Ngân hàng quốc gia Australia (NAB) nhận định.

Không phải chiến tranh thương mại, đây mới là những rủi ro thực sự có khả năng giết chết nền kinh tế Trung Quốc - Ảnh 1.

Tổng mức tín dụng và kích thước của nền kinh tế Trung Quốc (nghìn tỷ USD)

Hiện nay, tổng mức tín dụng trong hệ thống tài chính của Trung Quốc đã cao gấp vài lần so với kích thước của nền kinh tế này.

Dòng tiền vay nợ khổng lồ này chạy vào các thị trường bong bóng. Một số được chi cho xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng như cầu đường trong khi phần lớn số khác được chi cho những mảng kém hiệu quả hơn như các công ty quốc doanh đang nợ nần chồng chất.

Vào cuối năm 2017, chính quyền Bắc Kinh đã quyết tâm giảm số nợ này xuống và đây là một trong những lý do khiến tăng trưởng của Trung Quốc giảm nhiệt. Bất chấp điều đó, nhiều chuyên gia nghi ngờ hiệu quả giải quyết nợ của Trung Quốc khi tăng trưởng giảm tốc ngày càng mạnh còn chiến tranh thương mại đã cận kề.

Chuyên gia kinh tế Kevin Lai của ngân hàng Daiwa Capital Market nhận định rất nhiều chính quyền địa phương và công ty quốc doanh ở Trung Quốc sẽ không thể sống sót nếu thiếu nguồn trợ cấp từ ngân sách trung ương hoặc dòng tín dụng giá rẻ từ chính phủ. Việc cắt giảm nguồn trợ cấp hay tín dụng giá rẻ sẽ gây ra hậu quả vô cùng tiêu cực như bất ổn xã hội, thất nghiệp và phá sản hàng loạt. Đây là viễn cảnh mà chính quyền Bắc Kinh không hề muốn.

Tiền mất giá

Ngoài núi nợ, Trung Quốc cũng đang phải cố gắng để giữ giá đồng Nhân dân tệ, vốn đã mất giá tới hơn 9% so với đồng USD kể từ đầu năm đến nay. Những lo ngại về sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc cùng động thái nâng lãi suất của Cục dữ trữ liên bang Mỹ (FED) đã khiến đồng USD tăng giá mạnh cho với đồng Nhân dân tệ. Theo nhiều ước tính, nếu chính quyền Bắc Kinh không can thiệp, sự mất giá không chỉ dừng lại ở con số 9%.

Không phải chiến tranh thương mại, đây mới là những rủi ro thực sự có khả năng giết chết nền kinh tế Trung Quốc - Ảnh 2.

Kho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc (triệu USD)

Không phải chiến tranh thương mại, đây mới là những rủi ro thực sự có khả năng giết chết nền kinh tế Trung Quốc - Ảnh 3.

Dòng vốn đầu tư/rút chạy tại Trung Quốc (trăm triệu USD)

Mặc dù đồng nội tệ yếu khiến ngành xuất khẩu của Trung Quốc được lợi do có giá rẻ hơn nhưng chúng kéo theo những hậu quả vô cùng đau đầu khác, ví dụ như những khoản nợ bằng tiền nước ngoài, tỷ lệ lạm phát, tình trạng rút vốn ra nước ngoài… Hơn nữa, rất nhiều ngành sản xuất của Trung Quốc có nguyên liệu và thiết bị ngoại nhập và đồng USD tăng giá sẽ ảnh hưởng nặng đến tình hình kinh doanh sản xuất.

Bất chấp những quy định chặt chẽ quản lý dòng tiền từ năm 2015 đến nay, nguồn vốn vẫn liên tục rút khỏi thị trường Trung Quốc do nhà đầu tư cho rằng đồng Nhân dân tệ sẽ còn xuống giá. Chính tình hình này đã buộc chính quyền Bắc Kinh bơm hàng trăm tỷ USD vào thị trường để giữ giá đồng nội tệ.

Trong quý III/2018, thâm hụt tài khoản vãng lai của Trung Quốc đạt mức 16 tỷ USD. Bình quân mỗi năm có khoảng 27,067 tỷ USD nguồn vốn rút khỏi Trung Quốc trong giai đoạn 1998 - 2018. Khi dự trữ ngân sách của nước này cũng đã giảm 33,93 tỷ USD xuống chỉ còn 3,053 nghìn tỷ USD tính đến tháng 10/2018.

Nhà sáng lập Manu Bhaskaran của hãng Centennial Asia nhận định việc đồng Nhân dân tệ mất giá có thể tạo nên một vòng tuần hoàn không ngừng nghỉ. Đồng nội tệ mất giá khiến các nhà đầu tư rút vốn chạy khỏi thị trường, qua đó càng làm Nhân dân tệ mất giá hơn, qua đó tạo thành một vòng luẩn quẩn.

Trong khi đó, hãng nghiên cứu Capital Economics cho biết chính quyền Bắc Kinh trong vài tháng trở lại đây đã bung một lượng lớn tiền dự trữ nhằm giữ giá cho đồng Nhân dân tệ.

Bong bóng bất động sản

Một vấn đề nữa đang khiến chính quyền Bắc Kinh đau đầu là bong bóng bất động sản. Số liệu của hãng nghiên cứu Gavekal cho thấy trong vòng 10 năm qua giá nhà đất tại đây đã tăng hơn 100% do lãi suất cho vay thấp và việc đầu cơ khiến thị trường bất động sản lâm vào tình trạng thiếu cung ảo.

Dẫu vậy hãng AXA Investment Managers nhận định thị trường bất động sản Trung Quốc đang có dấu hiệu xì hơi khi nhiều dự án lớn phải giảm giá do vắng người mua.

Đồng quan điểm, hãng tư vấn Fitch Solutions nhận định thị trường bất động sản là một trong vài điểm sáng của nền kinh tế Trung Quốc năm nay bất chúng sẽ bất ngờ trở thành gánh nặng nếu bong bóng xì hơi.

Không phải chiến tranh thương mại, đây mới là những rủi ro thực sự có khả năng giết chết nền kinh tế Trung Quốc - Ảnh 4.

Sai lầm chiến lược

Nhằm kích thích tăng trưởng, các nhà hoạch định Trung Quốc đã nhắm đến các biện pháp như giảm thuế, chi tiêu công đầu tư cho cơ sở vật chất hạ tầng hay nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định những động thái trên là các bước đi không thực sự chính xác cho tăng trưởng bền vững.

"Trung Quốc đang mắc bệnh mãn tính chứ không phải cấp tính", chuyên gia Derek Scissors của Viện AEI tại Mỹ nhận định.

Theo ông Scissors, các vấn đề mang tính dài hạn như lão hóa dân số, môi trường cạnh tranh không lành mạnh… mới là những rủi ro cần được giải quyết cho tăng trưởng bền vững chứ không phải chỉ sử dụng những biện pháp kích thích kinh tế ngắn hạn như hiện nay.

Hiện Trung Quốc đã dỡ bỏ chính sách 1 con cũng như mở rộng cửa hơn cho các công ty đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng hay ô tô. Tuy nhiên chuyên gia Scissors cho rằng động thái của chính quyền Bắc Kinh quá muộn hoặc không đủ mạnh để có thể giải quyết được những vấn đề "mãn tính" hiện nay của nền kinh tế.

"Những nền kinh tế cổ hủ, ngập trong nợ thì chẳng bao giờ phát triển được", chuyên gia Scissors nói.

AB

Cùng chuyên mục
XEM