Không phải 1 mà có tới 6 lý do khiến tỷ giá giảm

12/01/2017 08:42 AM | Kinh tế vĩ mô

Giá USD tự do hiện đã về dưới 22.900 đồng/USD, giảm 500 đồng so với cuối năm 2016 trong khi USD ngân hàng từ mức 22.790 đồng đã giảm về còn quanh 22.600 đồng.

Những ngày đầu năm 2017, tỷ giá USD/VND bất ngờ sụt giảm mạnh, khác hẳn xu hướng của mọi năm.

Chỉ riêng tuần đầu tiên của năm mới, đồng USD ở thị trường tự do giảm 1,3%, từ 23.300 xuống còn 23.000 đồng, trong khi tỷ giá chính thức giảm khoảng 0,8% và chạm mức thấp nhất trong gần 1 tháng qua. Sang tuần thứ 2 mới được 3 phiên, tỷ giá vẫn tiếp đà giảm, đến ngày 11/1 đã xuống dưới 22.900 đồng/USD ở thị trường tự do còn USD ngân hàng lùi về quanh 22.500 – 22.600 đồng.

Theo TS. LS Bùi Quang Tín thì không chỉ có một vài lý do như thị trường vẫn đang nhìn vào đồng bạc xanh mà với tỷ giá trong nước đang có tới 6 yếu tố hỗ trợ giảm giá.

Thứ nhất, theo số liệu về nền kinh tế Mỹ ra ngày 5/1/2017, số liệu từ ADP cho thấy khu vực tư nhân của nước này chỉ tạo được 153.000 việc làm mới trong tháng 12/2016, thấp hơn dự báo trước đó của các nhà phân tích, là cho chỉ số USD Index giảm 1,7%, từ 103,4 vào ngày 28/12/2016 xuống còn 101,7 hiện tại. USD thế giới giảm đã tác động đến tỷ giá trong nước.

Thứ hai, Trung Quốc tuần trước ấn định tỷ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ ở mức 6,8668 nhân dân tệ đổi 1 USD, tương đương mức tăng 0,93%, đây là mức dao động mạnh nhất kể từ năm 2005, đẩy tỷ giá lên mức cao nhất kể từ ngày 6/12/2016. Chính động thái này kết hợp với đồng USD mất giá đồng loạt trên thị trường thế giới càng làm cho tiền VNĐ tăng giá, tức là tỷ giá USD/VNĐ giảm, vì đây là 2 đồng tiền chính trong rổ 8 đồng tiền xác định tỷ giá trung tâm của NHNN cũng như xác định sức mạnh của VNĐ.

Thứ ba, càng lúc Tổng thống đắc cử của Mỹ là Donald Trump đang thể hiện là người thiếu kinh nghiệm chính trị, khi mà có nhiều động thái thay đổi toàn bộ chính sách của Tổng thống đương nhiệm Obama và thiếu sự ủng hộ của nhiều thành viên lưỡng viện (mặc dù lưỡng viện dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng hoà). Điều này làm tăng quan ngại nhiều chính sách phát triển kinh tế của ông sẽ gặp trở ngại trong thời gian tới cho dù nó có tốt đến đâu. Yếu tố này càng làm cho thị trường hoài nghi về sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong năm 2017 và tạo áp lực cho Fed trong việc sớm tăng lãi suất, từ đó làm cho đồng USD giảm đà tăng trong thời gian tới và làm cho tâm lý đâu cơ USD trong nước sẽ giảm đi đáng kể, họ sẽ bán USD đi và giữ VNĐ để lấy tiền kinh doanh lĩnh vực khác hoặc gửi tiết kiệm sẽ lợi hơn.

Thứ tư, Trung Quốc cũng đang trong chiều áp lực trước chính quyền mới của Mỹ, đặc biệt là về chính sách tiền tệ của Trung Quốc trong nhiều năm qua. Chính quyền Obama đã nhiều lần làm việc với Trung Quốc là kêu gọi họ làm tăng giá đồng CNY nhưng đều thất bại. Nhưng chính quyền mới được cho rằng sẽ khác và sẽ càng gây áp lực cho Trung Quốc phải tiếp tục nâng giá đồng CNY để tạo ra cân bằng cán cân thương mại giữa TQ và Mỹ, từ đó đồng CNY sẽ khó phá giá như trong năm 2015. Các yếu tố này giúp VNĐ giảm áp lực mất giá để cân bằng và nhờ vậy tỷ giá USD/VNĐ sẽ rất ít khả năng tăng giá trong năm 2017. Tỷ giá ít áp lực sẽ vừa giúp giảm ghim giữ và đầu cơ USD trong năm nay vừa giúp tăng cung USD và giảm cầu USD.

Thứ năm, càng về cuối năm âm lịch thì kiều hối càng về nhiều, các nguồn thu USD của các doanh nghiệp xuất khẩu cũng tăng cường chuyển sang tiền VNĐ để mua hàng hoá, nguyên liệu đáp ứng cho sản xuất, kinh doanh dịp tết nguyên đán. Khi nguồn cung dư thừa thì áp lực tăng giá sẽ bị triệt tiêu.

Thứ sáu, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đồng loạt công bố vào mấy ngày vừa qua, ví dụ như lạm phát dưới 5%, tỷ giá chỉ tăng 1,1-1,2% trong cả năm 2016, lãi suất thị trường ổn định, thanh khoản thị trường đủ đáp ứng cho cầu vốn cuối năm của nền kinh tế… đã chứng tỏ khả năng điều hành tuyệt với chính sách tiền tệ và lạm phát dưới mục tiêu đề ra của NHNN. Các kết quả đạt được giúp tâm lý đầu cơ giảm rõ rệt, dân đầu cơ bán chốt lỗ và để lấy VNĐ kinh doanh dịp tết sẽ có lợi hơn thay vì cứ ôm USD để chờ giá lên.

Theo Tùng Lâm

Cùng chuyên mục
XEM