Không nên tính cả bia, rượu, thuốc lá… vào lương tối thiểu

21/06/2016 17:15 PM | Kinh tế vĩ mô

Lương tối thiểu (LTT) sẽ “nóng” trở lại khi mà không lâu nữa Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ họp bàn với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để quyết định mức tăng LTT của năm 2017.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trương Văn Cẩm (Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may) về vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào về mức LTT của nước ta hiện nay? Và tại sao LTT lại luôn là vấn đề gây tranh cãi?

LTT luôn là vấn đề được quan tâm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Có tới 90% nước duy trì hệ thống LTT và sử dụng LTT như một công cụ quan trọng để điều tiết thị trường lao động và để bảo vệ những người lao động lương thấp dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, cách tiếp cận, phương thức xác định, LTT áp dụng chung cho cả nước hay vùng, ngành… giữa các quốc gia lại rất khác nhau.

Vấn đề gây tranh luận nhiều nhất là xác định nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Nhu cầu sống tối thiểu được xác định trên cơ sở 1 giỏ hàng hóa lương thực thực phẩm gồm 45 mặt hàng tương ứng với 2.300 Kcalo. Nhu cầu phi lương thực thực phẩm được tính cho 4 vùng với tỷ lệ so với nhu cầu lương thực thực phẩm vùng 1 là 55:45, vùng 2 là 54:46, vùng 3 là 52:48 và vùng 4 là 51:49. Người ăn theo tính theo hệ số 0,7 (1.600 Kcalo/2.300 Kcalo).

LTT áp dụng từ 1-1-2016 tương ứng với 4 vùng là 3,5 triệu đồng, 3,1 triệu đồng, 2,7 triệu đồng và 2,4 triệu đồng. Theo các chuyên gia đánh giá mức LTT này đã đạt 70% tiền lương bình quân tại các vùng ở Việt Nam song lại mới chỉ đạt khoảng 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Tuy nhiên LTT xác định theo vùng hiện nay ở Việt Nam chưa hợp lý. Ví dụ các huyện sát nhau như Vĩnh Bảo - Hải Phòng thuộc vùng 1 nhưng huyện Tứ Kỳ - Hải Dương thuộc vùng 3, Ninh Giang - Hải Dương, Thái Thụy, Quỳnh Phụ - Thái Bình lại thuộc vùng 4. Không thể 2 khu vực dân cư cạnh nhau chỉ phân biệt bằng ranh giới hành chính lại có nhu cầu sống tối thiểu và lương tối thiểu khác nhau lớn như vậy.

LTT đang gây ra khó khăn gì cho doanh nghiệp, thưa ông?

Vấn đề gây áp lực nhất đối với doanh nghiệp là LTT ở Việt Nam dùng làm căn cứ xây dựng thang, bảng lương và đóng các khoản bảo hiểm, khi LTT tăng đương nhiên các khoản trích nộp tăng theo. Trong điều kiện giá sản phẩm gần đây giảm từ 7-10% doanh nghiệp không có khả năng tăng lương cho NLĐ hoặc đầu tư thiết bị, công nghệ mới để tăng năng suất, đầu tư mở rộng... Thu nhập thực tế của đa số người lao động không tăng, thậm chí giảm do bản thân người lao động phải đóng bảo hiểm cao hơn và do giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng theo LTT.

Việt Nam đang trong thời kỳ chuyển đổi cơ cấu giữa các khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. LTT tăng cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng mở rộng sản xuất của các DN. DN khởi nghiệp sẽ khó tồn tại để phát triển do các khoản đóng bảo hiểm cao và do phải bù lương cho người lao động trong thời gian đầu. Đầu tư nước ngoài sẽ chuyển đến các nước như Campuchia, Myanmar, Bangladesh… Cơ hội có việc làm đối với lao động ở nông thôn, hiện đang có thu nhập thấp hơn rất nhiều so với mức LTT vùng, sẽ giảm.

Ông có khuyến nghị gì với đợt tăng LTT tới đây?

Tăng LTT phải cân đối giữa chức năng điều tiết thị trường lao động và tăng lương cho người lao động thu nhập thấp của LTT. Hiện nay chúng ta đang tập trung thái quá vào việc tăng lương cho người lao động thu nhập thấp mà ít chú ý đến chức năng điều tiết thị trường lao động của LTT.

Theo tôi tăng LTT phải căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội của mỗi nước như khuyến nghị tại Công ước 131 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Cụ thể tăng LTT tại Việt Nam phải gắn với tăng năng suất lao động , mức tăng GDP bình quân đầu người.

Nhìn chung LTT ở nhiều nước có xu hướng tiếp cận với chuẩn nghèo. Hiện tại LTT ở Việt Nam đang bỏ xa chuẩn nghèo mà tiếp cận với lương bình quân (bằng khoảng 70% lương bình quân của người lao động đi làm đủ thời gian tại mỗi vùng). Nếu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu thì mức LTT tại Việt Nam cao gần bằng lương bình quân và đây là điều không hợp lý.

Một điểm nữa, theo kinh nghiệm của quốc tế, nếu xác định LTT căn cứ vào giỏ hàng hóa lương thực thực phẩm, phi lương thực thực phẩm và người ăn theo, thì nhu cầu của người ăn theo chỉ với hệ số 0,5. Việt Nam tính bằng 0,7, tức là 1.600 Kcalo/2.300 Kcalo là chưa hợp lý, nhất là trong 45 mặt hàng để tính ra 2.300 Kcalo có cả bia, rượu, thuốc lá, cà phê… Không nên đưa những mặt hàng này vào tính LTT.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thùy Linh

Cùng chuyên mục
XEM