Không hạnh phúc, không được coi trọng, hay chưa dùng hết năng lực: Nếu có các lý do này, bạn cần nghỉ việc càng sớm càng tốt
Có thể bây giờ là thời điểm thích hợp để bạn tìm được một công việc xứng đáng hơn.
Điều quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi người là tìm được một công việc nào đó phù hợp để kiếm sống. Chúng ta luôn phải chi trả cho cuộc sống và đó là điều mà ai cũng sẽ phải đối mặt.
Năm vừa qua, hàng triệu người ở Hoa Kỳ đã bị mất việc làm. Nếu bạn là một trong những người đủ may mắn để được tiếp tục công việc đến năm 2020, chắc hẳn bạn sẽ chẳng bao giờ dám từ bỏ nó.
Khi nền kinh tế phát triển tốt trở lại và thế giới không còn phải vật lộn với đại dịch, bạn sẽ có rất nhiều lý do để từ bỏ một công việc nào đó. Tuy nhiên, với những gì mà thế giới đang phải đối mặt như hiện nay, việc từ bỏ chắc chắn sẽ luôn là lựa chọn cuối cùng của bạn.
Mặc dù vậy, trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa, nếu công việc không còn phù hợp với nhu cầu trí tuệ, cảm xúc và tình hình tài chính của cá nhân, thì chắc chắn bạn nên từ bỏ và tìm cho mình một công việc phù hợp hơn.
Sau đây là 3 lý do mà bạn nên nghỉ việc càng sớm càng tốt!
1. Bạn không còn cảm thấy hạnh phúc và hài lòng với công việc hiện tại của mình.
Nếu bạn cảm thấy sợ hãi khi phải đến văn phòng làm việc mỗi ngày, thì chắc chắn công việc của bạn đang có nhiều vấn đề không ổn.
Mặc dù với tình hình hiện tại, thế giới sẽ không còn vận hành mọi thứ như trước nữa, nhưng sẽ vẫn luôn có những công việc cần phải hoàn thành mỗi ngày. Chỉ là ngay lúc này nó không còn phù hợp với bạn nữa. Có thể công việc hiện tại đã từng mang lại cho bạn sự thích thú, nhưng bây giờ, mọi thứ về nó đều trở nên vô nghĩa. Bạn không nên cố níu kéo hay hy vọng một ngày nào đó công việc cũ của bạn sẽ được khôi phục trở lại tốt hơn.
Không có lý do gì để bạn phải lê mình ra khỏi giường mỗi ngày và làm một công việc mà bản thân không còn yêu thích. Cuộc sống này quá ngắn ngủi để bạn phải ép mình làm những công việc mà bạn không thích, chỉ vì vài đồng lương để chi trả cho những khoản chi phí hàng ngày.
2. Chuyên môn của bạn không được coi trọng
Tôi đã từng được trúng tuyển vào một vị trí là người xây dựng tệp khách hàng theo dõi của công ty thông qua mạng xã hội. Mặc dù đó không phải là hạng mục công việc duy nhất mà tôi cần làm cho công ty, nhưng nó chiếm phần lớn trong nhiệm vụ của tôi. Khi đến thời điểm thiết lập các chương trình phát triển truyền thông của công ty, sếp của tôi đã tự mình làm việc đó. Sau đó, cô ta tiếp tục làm tất cả những việc mà tôi nghĩ rằng đó là nhiệm vụ của mình.
Trong một cuộc họp, tôi đã xem một bài thuyết trình và nghe sếp mô tả về cách cô ta triển khai các hạng mục truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội. Sau đó, tôi đã phải ngồi và lắng nghe sếp kể chi tiết về việc buổi ra mắt diễn ra không suôn sẻ như thế nào. Sếp của tôi cho rằng: "Việc tiếp thị trên mạng xã hội chỉ gây mất thời gian và không có hiệu quả!"
Nếu tôi nói mình cảm thấy tổn thương thì có phần hơi quá đáng, nhưng tôi đã rất tức giận. Rõ ràng là sếp thuê tôi vào làm việc và sau đó thực hiện luôn công việc đó. Thậm chí, tôi còn không được hỏi ý kiến về việc những kế hoạch đó nên được thực hiện như thế nào. Tôi là người duy nhất trong đội có trình độ chuyên môn phù hợp và tôi đã không được tham gia vào hoạt động đó.
Ngồi trong cuộc họp đó, tôi biết rằng chuyên môn cũng như bản thân mình không được nhà tuyển dụng coi trọng. Ngay lập tức, tôi đã bắt đầu tìm kiếm một công việc khác.
Nếu một công ty không nhìn thấy giá trị của bạn hoặc không cho phép bạn được làm công việc của mình, thì công ty đó không phù hợp với bạn. Sếp của bạn cần tôn trọng và đánh giá đúng năng lực của bạn, với tư cách là một nhân viên có kỹ năng, kinh nghiệm, và là tài sản của công ty.
3. Bạn bị thừa năng lực hoặc không được sử dụng năng lực đúng mức
Tôi đã từng trải qua rất nhiều công việc khác nhau trong nhiều năm, và hầu hết trong số đó không phải là những gì mà tôi thực sự muốn làm. Đối với tôi, những công việc khiến tôi yêu thích chính là những việc mà tôi cảm thấy hữu ích khi đi làm vào mỗi buổi sáng. Ngược lại, thứ làm tôi sợ hãi nhất chính là những công việc vô cùng nhàm chán. Tôi cảm thấy như thể chuyên môn của mình không được sử dụng đúng mức để tạo nên lợi ích cho công ty.
Làm việc cho một người không coi trọng những gì mà bạn đã đóng góp sẽ khiến bạn khó có thể tận hưởng được công việc mà bạn đang làm để duy trì cuộc sống. Tôi luôn tin tưởng chắc chắn vào việc tìm kiếm người phù hợp nhất cho mọi dự án trong công ty. Tôi luôn tìm hiểu và tận dụng triệt để những điểm mạnh của nhân viên để sắp xếp vào những công việc phù hợp với họ.
Nếu bạn chưa sử dụng hết tiềm năng của mình hoặc quá thừa năng lực để làm một công việc nào đó, đã đến lúc bạn nên bắt đầu tìm kiếm một công việc khác, một công việc có thể thách thức bản thân hơn một chút, và khiến bạn cảm thấy mình là một thành viên có giá trị hơn trong nhóm.
Theo những thông tin được cập nhật gần đây thì không phải công ty nào cũng đều đã có một năm kinh doanh tồi tệ. Có những doanh nghiệp lớn nhỏ đang phát triển mạnh mẽ bất chấp đại dịch. Là một người làm việc cho bản thân, tôi chưa bao giờ bận rộn đến thế và tôi đang kiếm được khá nhiều nguồn thu nhập khác nhau. Gần đây tôi đã nghỉ việc tại một công ty, bởi vì tôi hiểu, mình sẽ làm việc tốt hơn và khả năng kiếm tiền sẽ cao hơn nếu tôi làm việc cho chính bản thân mình.
Năm ngoái, vì đại dịch, mọi người đã đều phải làm việc trực tuyến, và tôi biết đã có nhiều lao động tự do và chủ doanh nghiệp nhỏ trực tuyến đã có một năm làm ăn rất suôn sẻ. Cho dù đó là nhà thiết kế, tác giả, huấn luyện viên, người tạo khóa học, biên tập viên hay bất kỳ doanh nghiệp trực tuyến nào khác, tất cả đều dường như đang đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của mình và phát triển tốt hơn bao giờ hết.
Amazon đã có một năm tăng trưởng phá kỷ lục. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, họ mở rộng quy mô hoạt động hơn, kiếm được nhiều tiền hơn và nhu cầu về tuyển dụng nhân viên cũng tăng mạnh hơn.
Nói tóm lại, bạn nên từ bỏ một công việc nếu:
1. Công việc của bạn không còn khiến bạn cảm thấy hài lòng, thỏa mãn hay cảm thấy hạnh phúc nữa. Bạn xứng đáng được làm những công việc mà mình cảm thấy đam mê và yêu thích
2. Công ty của bạn không coi trọng những gì mà bạn đã cống hiến và đóng góp. Bạn được thuê vì kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn của mình. Sếp của bạn nên tin tưởng giao cho bạn công việc để bạn làm tròn trách nhiệm của mình.
3. Bạn quá thừa năng lực hoặc không được sử dụng năng lực đúng mức. Làm một công việc không có quá nhiều thử thách hoặc không thỏa mãn theo ý muốn của bạn, sớm muộn gì nó cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bạn.
Có hàng trăm lý do chính đáng để rời bỏ công việc của bạn. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn có đủ đam mê để tiếp tục làm công việc đó nữa hay không. Với một chút sự suy xét về những khía cạnh của công việc mà bạn đang làm, tôi tin rằng bạn có thể tìm thấy một vị trí làm việc phù hợp hơn với nhu cầu của mình, nếu bạn đang cảm thấy không còn hài lòng với nó nữa.