"Không dám mơ": Căn bệnh NẶNG không kém gì ung thư khiến đa số chúng ta chôn chân trong nghèo khó

21/05/2019 08:45 AM | Sống

Nghèo khó không đáng sợ nhưng chính tư tưởng không dám thoát khỏi nó mới là thứ đáng sợ nhất trong đầu chúng ta.

Có người từng nói rằng: "Người giàu có nghĩ đến tận năm sau, người nghèo khó chỉ lo được trước mắt". Quá bận rộn lo toan cho ngày mai, họ chẳng còn thời gian, tâm trí để mơ về tương lai, mà cũng chẳng đủ dũng khí để mơ. Nhưng đôi lúc, chỉ một khác biệt nho nhỏ trong tư tưởng cũng có thể đem lại những kết quả hoàn toàn trái ngược nhau.

Có một anh chàng sinh viên vừa tốt nghiệp đại học khoa chính quy. Bởi vì yêu thích sáng tác văn học, chủ nhiệm lớp từng tìm đến cậu và đề xuất nên tiếp tục học lên thạc sĩ, ở lại trường làm nghiên cứu sinh văn học. Do vị giáo viên rất quý mến và yêu thích năng lực viết lách của cậu nên ông hoàn toàn có thể giữ một chỗ cho cậu trong danh sách nghiên cứu sinh của trường, với tiền đề là phải nộp trước toàn bộ học phí lên tới gần 500 triệu đồng.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, nửa năm học phí và sinh hoạt phí của cậu sinh viên đã tới 100 triệu đồng, trong khi tiền nhuận bút và tiền làm thêm mỗi tháng cũng không quá 15 triệu đồng, thỉnh thoảng cậu còn phải gọi điện về quê để xin thêm trợ cấp từ bố mẹ. Cho nên, con số 500 triệu đồng đối với cậu sinh viên bây giờ là cực kỳ khó khăn. Mặc dù có đam mê và ước mơ mãnh liệt, nhưng nghĩ đến cha mẹ vẫn đầu tắt mặt tối, làm lụng vất vả hằng ngày, mãi mới nuôi mình hết mười mấy năm ăn học, mãi mới có cơ hội thành tài. Nếu bây giờ còn tiếp tục học lên trên mà chưa ra trường để kiếm việc làm luôn, cậu lại cảm thấy có lỗi với người thân. Chính vì vậy, sau hơn hai ngày trằn trọc suy nghĩ, cậu sinh viên đành phải trả lời với giáo viên rằng: "Em không muốn học thêm nữa, ra trường em sẽ đi xin việc làm luôn."

 Không dám mơ: Căn bệnh NẶNG không kém gì ung thư khiến đa số chúng ta chôn chân trong nghèo khó  - Ảnh 1.

Nhiều năm sau đó, các sinh viên cùng khóa từng nỗ lực phấn đấu hết mình để có cơ hội ở lại trường tiếp tục học và làm nghiên cứu sinh giờ đã tốt nghiệp vẻ vang, trở thành những thanh niên tài tuấn giỏi giang của xã hội. Một số không ngừng được các trường đại học tư nhân mời về giảng dạy với chi phí cao. Một số thì thành tác giả nổi tiếng, hàng năm đều có sách xuất bản trong nhiều lĩnh vực. Còn anh sinh viên ngày nào, giờ đây chỉ là một phóng viên bình thường trong một tòa soạn báo cấp tỉnh, thành phố, đang chật vật tìm lối thoát khác khi thời đại phương tiện truyền thông qua mạng xã hội lên ngôi, ngành báo giấy dần dần suy sụp. Nghĩ lại khoảng thời gian đó, cậu chỉ có thể không ngừng hối hận đã vì nghèo khó nhất thời mà từ bỏ hoàn toàn đam mê, không dám mơ một giấc mơ hoàn chỉnh cho chính mình.

Có lẽ, sai lầm lớn nhất của những người đang còn vất vả, lận đận mãi trong nghèo khó đó chính là thiếu mất tầm nhìn chiến lược. Bởi vì luôn bận rộn lo lắng vì tiền bạc vật chất trước mắt, họ không thể dõi tầm mắt ra xa để đánh giá chính xác những mối quan hệ lợi ích lâu dài. Với một sinh viên chưa tốt nghiệp ra trường, năm trăm triệu đồng có thể là con số rất lớn. Nhưng với tương lai, với giấc mơ của một người đàn ông, con số ấy có đáng là bao?

Khi đã trải qua thời gian mài mòn và trưởng thành dần theo năm tháng, chúng ta mới dần dần nhận ra: Sở dĩ nghèo khó sẽ hạn chế năng lực tư duy của chính mình là do, đối với một người chưa có đủ năng lực tài chính trong tay, họ cũng không đủ năng lực để dũng cảm giữ giấc mơ của mình. Đứng trước giấc mơ, họ sẽ sợ hãi sự tuyệt vọng thay vì ôm ấp sự mong đợi vào tương lai. Cũng như đứng trước khó khăn, họ sẽ sợ hãi sự thất bại thay cho kỳ vọng vào một thành công. Người trẻ thường quên mất rằng mình còn có rất nhiều thời gian, nhiệt huyết và tâm sức, mà chỉ cần đủ nỗ lực và dũng khí, mọi chuyện trên đời đều có thể xảy ra.

 Không dám mơ: Căn bệnh NẶNG không kém gì ung thư khiến đa số chúng ta chôn chân trong nghèo khó  - Ảnh 2.

Chính bởi vì nghèo khó, chúng ta lại càng không thể gục ngã trước khó khăn và thử thách, càng không thể bỏ cuộc trong quá trình phát triển chính mình. Chỉ có như vậy, chúng ta của ngày mai, của tương lai sau này mới có thể trở thành một con người thành công, vươn lên làm trụ cột của cả gia đình và xã hội. Do đó, đừng chỉ nhìn vào cảnh nghèo mà không nhìn tới ánh sáng của chính bản thân.

Nghèo khó chưa bao giờ là tội lỗi của bất kỳ ai, đừng nên khuếch đại khó khăn hay trốn tránh vấn đề. Nếu có cơ hội, hãy mạnh mẽ cho phép mình thử một lần. Khi tìm được tự tin, và tìm được ánh sáng của riêng mình, chúng ta mới có cơ hội để gặt hái được những thành tựu lớn hơn, thay đổi tương lai và thoát khỏi sự nghèo khó. Phải trèo lên đáy giếng ẩm ướt, âm u mới phát hiện bầu trời rộng lớn và tươi sáng bên ngoài.

Theo Phương Thúy

Cùng chuyên mục
XEM