Không còn người xếp hàng mua siêu phẩm, Thế Giới Di Động và FPT Shop phải làm gì?

03/04/2019 09:48 AM | Kinh doanh

Thị trường di động năm 2019 được dự báo sẽ đi ngang, hai ông lớn Thế Giới Di Động và FPT Shop đang tìm mọi cách để duy trì đà tăng trưởng.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động, trong lần họp Đại hội cổ đông thường niên của công ty gần đây cho biết đã qua rồi thời mọi người xếp hàng háo hức mua một chiếc điện thoại “siêu phẩm”.

“Bản thân tôi đang xài một chiếc điện thoại cũ, chiếc điện thoại vẫn tốt và thấy không có lý do gì để đổi nó”, ông Tài nói.

Ví dụ ông Tài đưa ra nhằm dẫn chứng cho một phát biểu trước đó của ông, cho biết thị trường di động tại Việt Nam năm 2019 được GfK dự báo chỉ tăng trưởng khoảng 1% - thấp nhất từ trước đến nay.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, người đồng cấp với ông Tài ở chuỗi FPT Shop, cũng có nhận định tương tự về thị trường di động, và đang vạch ra những chiến lược mới để giữ doanh thu tăng trưởng.

Cả hai chuỗi đứng số 1 và số 2 ở chuỗi bán lẻ hàng công nghệ này đều tập trung tăng doanh thu bằng cách chuyển hướng sang các mặt hàng khác ngoài điện thoại di động, tăng cường bán hàng online, thậm chí chuyển hẳn sang bán hàng ở lĩnh vực khác.

Phụ kiện: Gà đẻ lợi nhuận

Không còn người xếp hàng mua siêu phẩm, Thế Giới Di Động và FPT Shop phải làm gì? - Ảnh 1.

Phụ kiện là ngành hàng mang lại lợi nhuận rất cao cho nhà bán lẻ - Ảnh: Hải Đăng

Tại Đại hội cổ đông FPT Retail (công ty sở hữu chuỗi FPT Shop) mới đây, bà Điệp cho biết FPT Shop sắp tới sẽ nhắm vào ngành hàng phụ kiện để gia tăng lợi nhuận. Công ty sẽ nhập khẩu phụ kiện trực tiếp từ nhà sản xuất, không qua các khâu trung gian, để có được lợi nhuận cao nhất nhưng giá thành lại giảm so với trước.

“Khách hàng sẽ được mua phụ kiện với giá rẻ hơn nhưng FPT Shop lại lời hơn khoảng 10% so với trước đây”, bà Điệp phân tích.

Mảng phụ kiện từ lâu cũng là con gà đẻ lợi nhuận cho Thế Giới Di Động. Trong khi lợi nhuận từ điện thoại chỉ vài phần trăm, lợi nhuận từ phụ kiện gấp nhiều lần con số đó.

“Gần như tất cả phụ kiện tại Thế Giới Di Động đều mang thương hiệu riêng của Thế Giới Di Động, không có hàng của hãng nào khác”, ông Tài nói.

Nhìn vào gian hàng phụ kiện đa dạng và vô vàn chủng loại tại Thế Giới Di Động sẽ thấy được mảng này đóng góp lợi nhuận tốt như thế nào với chuỗi này.

Thu hút khách đến cửa hàng bằng mọi cách

“Vài năm trước chỉ lo bán máy nhưng năm nay sẽ tập trung traffic, thu hút khách hàng đến với cửa hàng nhiều hơn”, bà Điệp nói về chiến lược sắp tới của FPT Shop.

Trình bày trước cổ đông hồi tuần trước, bà Điệp cho biết năm nay sẽ đẩy mạnh các mảng bán thẻ cào, SIM số; đóng tiền điện, nước; đóng tiền trả góp,... Mặc dù mảng này không mang lại doanh thu cao nhưng sẽ thu hút khách đến với cửa hàng.

Không còn người xếp hàng mua siêu phẩm, Thế Giới Di Động và FPT Shop phải làm gì? - Ảnh 2.

Khu vực thu ngân của siêu thị được tận dụng bán thẻ cào, thu tiền trả góp,... - Ảnh: Hải Đăng

“Nếu chỉ đến cửa hàng mua điện thoại thì một vài năm một khách hàng mới quay trở lại, nhưng để đóng tiền điện nước thì họ sẽ đến hàng tháng”, người phụ nữ hiếm hoi trong ngành kinh doanh bán lẻ hàng công nghệ nói.


Khi khách hàng ra vào cửa hàng, ý định mua sắm có thể sẽ phát sinh từ những người này, tức họ là những khách hàng tiềm năng.

Triết lý này cũng được ông chủ Thế Giới Di Động áp dụng từ trước, bằng các chương trình bán thẻ cào, SIM số và thu tiền trả góp, tiền điện nước.

Để hút khách, chuỗi này trước đây thậm chí còn thử nghiệm bán... (vé số) Vietlott. Hiện anh cả này vẫn duy trì hình thức gửi tiền liên tỉnh vốn ít người biết đến, nhằm tạo điểm đến cho khách qua lại các cửa hàng.

"Hút khách vào cửa hàng trước, họ mua hàng hay không tính sau" có vẻ được Thế Giới Di Động áp dụng triệt để. Một nhà đầu tư hỏi về việc nhân viên Bách hoá Xanh, một chuỗi mới mở của Thế Giới Di Động, mang hàng ra trước cửa siêu thị bán có chứng tỏ các cửa hàng đang "khát" khách. Ông Tài lập tức nói không quan tâm các chuyên gia nói thế nào về cách tiếp thị của Thế Giới Di Động, có thể "rẻ tiền" cũng được, nhưng quan trọng nhất là hút khách vào cửa hàng, hoặc đơn giản chỉ cần khách đi ngang qua cửa hàng và cười vui vẻ với các chương trình bán hàng của họ là được.

Mở rộng bán hàng online, bán trả góp, nhắm đến khách doanh nghiệp, và… bán thứ khác biệt hoàn toàn

Trong kế hoạch gia tăng doanh thu năm 2019 của FPT Shop có nhắc đến trả góp. Theo bà Điệp, ở một số chuỗi doanh thu trả góp có thể chiếm đến 50%, tức một nửa số người mua sản phẩm mới đều trả góp.

Rất nhiều người mang một khoản tiền nhất định đi mua máy nhưng sau đó quyết định mua máy đắt tiền hơn do các chương trình trả góp khá hấp dẫn.

Mục tiêu của FPT Shop là nâng tỷ lệ mua hàng trả góp hiện tại từ 32% lên 42%, nhằm gia tăng doanh số.

Không còn người xếp hàng mua siêu phẩm, Thế Giới Di Động và FPT Shop phải làm gì? - Ảnh 3.

Mục tiêu của FPT Shop gia tăng tỷ lệ mua trả góp lên 42% năm 2019 - Ảnh: Hải Đăng

FPT Shop cũng có chương trình F.Friends, chuyên bán hàng vào các công ty, xí nghiệp - hướng đi chưa có chuỗi lớn nào áp dụng. Các năm trước, chuỗi này tập trung vào các khu công nghiệp với đối tượng khách chủ yếu là công nhân nhưng năm nay sẽ nhắm vào nhóm khách hàng giới văn phòng.

Chương trình bán hàng đến doanh nghiệp dạng này cũng là một hình thức trả góp. Nhân viên của một công ty khi được bảo lãnh sẽ được mua các sản phẩm công nghệ với hình thức trả dần. FPT Shop mong muốn thúc đẩy kênh này để gia tăng nhu cầu mua hàng của khách, tạo thêm doanh thu.

Khách hàng hiện nay ít khi xếp hàng dài chờ mua điện thoại cao cấp như trước đây một phần do nhu cầu giảm, giá điện thoại cao cấp tăng nhiều so với trước, nhưng có nguyên nhân khác là các chương trình mua hàng qua mạng tiện lợi khiến họ bớt đi xếp hàng.

Doanh thu online của Thế Giới Di Động năm 2018 tăng trưởng vượt bậc so với năm trước, và đang được tập trung để tăng trưởng tiếp các năm sau. Trong chiến lược của công ty, FPT Shop cũng không quên mảng kinh doanh này.

Chuỗi này xây dựng website theo hướng hỗ trợ thương mại điện tử, tạo nhiều chương trình hút khách truy cập nhằm mục tiêu gia tăng đơn hàng từ hình thức mua qua mạng. Năm 2018, tăng trưởng bán hàng online của FPT Shop tăng 21% so với năm trước đó.

Tuy nhiên tất cả các cách nói trên đều nhằm tối ưu bán hàng và khai thác nguồn khách mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Dù làm cách nào chăng nữa, không thể phủ nhận nhu cầu mua điện thoại đang đi ngang, do vậy để tiếp tục tăng trưởng chỉ có cách bán các mặt hàng mới hoàn toàn.

Dự báo trước điện thoại sẽ bão hoà, FPT Retail từ hai năm trước đã nhảy vào lĩnh vực bán lẻ dược phẩm bằng việc mua lại các nhà thuốc Long Châu.

Dự báo thị trường này có quy mô 4,5 tỷ USD, bà Điệp cho biết sẽ mở rộng chuỗi để chiếm được 30% thị phần bán lẻ dược phẩm khoảng năm 2022. Bà Điệp nhận định dược phẩm rất tiềm năng và sẽ trở thành chủ lực cho FPT Shop vài năm tới.

Không còn người xếp hàng mua siêu phẩm, Thế Giới Di Động và FPT Shop phải làm gì? - Ảnh 4.

Một nhà thuốc Long Châu đặt cạnh FPT Shop - Ảnh: Long Châu

Trước đó, chuỗi này từng hợp tác với Vinamilk để mở các cửa hàng bán sữa bên cạnh các cửa hàng FPT Shop.


Trong khi FPT Shop khá an toàn trong chọn lựa ngành nghề mới, Thế Giới Di Động nhanh nhạy và quyết tâm hơn. Từ chuỗi chỉ bán điện thoại, chuỗi này mở ra Điện máy Xanh và đang dẫn đầu thị phần điện máy, sau đó mở thêm Bách hoá Xanh - hy vọng chuỗi này là động lực tăng trưởng cho tập đoàn trong vài năm tới.

Mới đây nhất, Thế Giới Di Động bán thêm máy tính bộ, máy in và các thiết bị văn phòng khác. Đặc biệt hơn, chuỗi này mở bán thêm đồng hồ thời trang nhằm thu hút nhóm khách mới hoàn toàn, nhắm vào lĩnh vực khác hoàn toàn so với trước.

Với kinh nghiệm bán lẻ, có chuỗi cửa hàng phủ khắp nước, các hệ thống như Thế Giới Di Động và FPT Shop rõ ràng đang tìm cách khai thác hết thế mạnh của họ để mở rộng quy mô, duy trì tăng trưởng trong bối cảnh thị trường di động nói chung đã chậm lại.

Theo Hải Đăng

Cùng chuyên mục
XEM