Không có bệnh nhân cũng sẽ không có bác sĩ giỏi và câu chuyện 'góc khuất' lúc mới đi làm của bác sĩ 9X

27/02/2023 11:20 AM | Sống

Thẳng thắn, cởi mở, dám nói những tâm tư khó khăn, bộn bề với nghề của một người bác sĩ là những gì tôi ấn tượng về ThS.BS Phạm Duy Linh, khoa phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Bác sĩ Linh đã từng nghĩ tới việc "rẽ ngang" khi công việc bác sĩ quá áp lực, vất vả, đi làm nhưng vẫn phải xin tiền bố mẹ.

Khi tôi 29 tuổi và đã đi làm, tôi vẫn phải dùng học bổng "u ta chi"

Ngọc Minh: Khi nhắc tới ngành y mọi người sẽ nghĩ ngay tới thu nhập cao và được nhiều người coi trọng.

Bác sĩ Phạm Duy Linh: Đúng bác sĩ là một nghề nghiệp cao quý, được xã hội tôn trọng. Tuy nhiên, không phải bác sĩ nào cũng có thu nhập cao, không phải lo nghĩ về cuộc sống hằng ngày. Trong 5 năm đầu mới ra trường, những bác sĩ trẻ thường sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Đặc biệt, với các bác sĩ không phải con nhà "nòi" sẽ không có được sự định hướng nghề nghiệp tốt. Một điều nữa cũng không phải bác sĩ nào gia đình cũng có điều kiện để nhận được sự "cứu cánh".

Cá nhân tôi cũng từng trải qua những tháng năm đó. Các bác sĩ mới ra trường đi làm thì thu nhập không cao, trong khi những lo toan cho cuộc sống quá nhiều. Bạn bè tôi không chịu được áp lực của nghề, làm ngày trực đêm, luôn phải cập nhật thêm kiến thức chuyên môn liên tục, không có thời gian dành cho bản thân và gia đình, có một số người đã bỏ nghề. Tôi cũng từng rất băn khoăn tự hỏi chính mình có nên "rẽ ngang"…!

Bác sĩ 9X: Không có bệnh nhân cũng sẽ không có bác sĩ giỏi và câu chuyện 'góc khuất' lúc mới đi làm - Ảnh 1.

Bác sĩ Duy Linh chia sẻ về những khó khăn của bác sĩ (Nguồn ảnh: T.A - Thiết kế: Phạm Thanh)

Nhưng cũng rất may mắn là những cảm xúc đó cũng chỉ thoáng qua, với lòng nhiệt huyết, yêu nghề của một người bác sĩ, tôi đã lấy lại bản lĩnh, tự động viên mình. Rồi cộng thêm sự cổ vũ, giúp sức của bố mẹ giúp tôi tập trung hoàn toàn vào chuyên môn. Giai đoạn khó khăn đối với tôi cũng qua đi. Giờ tôi đã được sự ghi nhận về chuyên môn, mọi thứ đã dễ dàng hơn.

Ngọc Minh: Anh có nói bác sĩ mới ra trường lương thấp, nếu không có sự giúp đỡ của gia đình sẽ khó vững tâm với nghề. Anh có phải "nhờ cậy" bố mẹ khi đã đi làm rồi không?

Bác sĩ Phạm Duy Linh: Có chứ, không có bố mẹ hỗ trợ kinh tế, tinh thần chắc ngày hôm nay tôi không còn ngồi đây nói chuyện cùng bạn với tư cách là một bác sĩ. Nói ra cũng hơi buồn, nhưng trong suốt quá trình làm việc, cập nhật, trau dồi chuyên môn bằng các khoá học trong và ngoài nước, tôi vẫn phải dùng học bổng "u ta chi" (hỗ trợ của bố mẹ - PV). Khi tôi lấy vợ cũng không có nhiều tiền và vẫn phải nhờ sự giúp đỡ từ bố mẹ.

Tôi rất biết ơn và cảm thấy mình may mắn vì có được sự hỗ trợ lớn từ gia đình. Nhờ có bố mẹ giúp mà tôi không bị sức ép gánh nặng cơm – áo – gạo tiền để toàn tâm tập trung vào chuyên môn.

Ngọc Minh: Được đào tạo bài bản bác sĩ chuyên khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ và có cơ hội tu nghiệp tại nước ngoài thì cơ hội làm việc ở các bệnh viện tư nhân với mức thu nhập rất cao sẽ rất rộng cửa. Nhưng anh vẫn quyết định gắn bó với Bệnh viện Đức Giang, có lý do gì đặc biệt hay không?

Bác sĩ Phạm Duy Linh: Như tôi đã nói, với một bác sĩ trẻ thời gian đầu mới ra trường, tay nghề chưa vững. Tôi vẫn luôn biết ơn ban lãnh đạo Bệnh viện Đức Giang, khoa phòng, đồng nghiệp nơi tôi làm việc đã luôn tạo điều kiện tốt nhất dành cho mình, đã giúp đỡ, hỗ trợ lúc tôi khó khăn. Dần dần tình cảm của tôi dành cho bệnh viện, dành cho nơi tôi làm việc được tăng lên, tôi luôn coi đây như một ngôi nhà thứ 2 của bản thân. 

Hơn nữa khi làm việc ở Bệnh viện Đức Giang, tôi có cơ hội được theo đuổi, được phát triển chuyên môn, tay nghề của mình, được công tác trong lĩnh vực mà tôi yêu thích.

Ngoài ra, với trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm của bệnh viên, bác sĩ phẫu thuật Tạo hình- thẩm mỹ như tôi sẽ hoàn toàn yên tâm khi làm việc và phẫu thuật 

Bệnh nhân "giúp" bác sĩ tiến bộ từng ngày

Ngọc Minh: Tôi được biết anh học bác sĩ đa khoa nhưng sau đó lại đam mê theo đuổi bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ?

Bác sĩ Phạm Duy Linh: Khi còn là một sinh viên Y Đa khoa, tôi rất yêu thích với chuyên ngành ngoại khoa phẫu thuật. Cộng với niềm đam mê với cái đẹp, thích làm đẹp cho mọi người. Đây có thể là những điều kiện thuận lợi để khi hướng theo chuyên ngành tạo hình thẩm mỹ tôi cảm thấy "yêu" ngay. Kiểu như "yêu" ngay từ cái nhìn đầu tiên vậy (bác sĩ Duy Linh cười – PV).

Tôi rất may mắn được về làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, được làm về chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ, đúng với mong muốn của mình.

Với sự thành công của những ca bệnh đầu tiên, giúp họ đẹp lên bản thân họ hạnh phúc, bác sĩ cũng thấy vui. Hay những trường hợp bị khiếm khuyết, dị tật bẩm sinh, khi tạo hình thẩm mỹ xong cuộc đời họ được thay đổi, họ được hòa nhập với cuộc sống… Điều này khiến cho tôi cảm thấy nghề bác sĩ có ý nghĩa hơn và "gieo" thêm sự đam mê với nghề.

Ngọc Minh: Nhắc tới bệnh viện Đa khoa Đức Giang rất ít người biết tới có khoa tạo hình thẩm mỹ. Một khoa phòng muốn phát triển thì cũng cần có bệnh nhân.

 Bác sĩ Phạm Duy Linh: Do chuyên ngành Phẫu thuật Tạo hình -Thẩm mỹ là một chuyên ngành mới trong ngành y, chưa nhiều người biết đến. Mọi người thường chỉ biết đến việc làm đẹp đơn thuần. 

Đúng là chưa nhiều người biết đến BV Đức Giang có chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ nhưng nhờ sự tạo điều kiện của lãnh đạo bệnh viện, sự nỗ lực hết mình của tất cả các nhân viên trong khoa phòng suốt nhiều năm qua thì dần dần khoa chúng tôi đang ngày càng phát triển hơn. 

Ví dụ, nếu các khoa phòng trong bệnh viện có bệnh nhân cần hội chẩn chuyên môn liên quan đến chuyên khoa tạo hình thì chúng tôi sẽ cố gắng, nỗ lực hết sức để chăm sóc bệnh nhân và điều trị thật tốt thay vì phải chuyển tuyến.

Bên cạnh đó, để khoa có thêm nhiều người biết đến, bản thân các nhân viên trong khoa cũng dùng những mối quan hệ cá nhân để giới thiệu đến mọi người dân xung quanh. Hay như dùng mạng xã hội để nhiều người biết tới bệnh viện Đức Giang có khoa phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ. 

Bác sĩ 9X: Không có bệnh nhân cũng sẽ không có bác sĩ giỏi và câu chuyện 'góc khuất' lúc mới đi làm - Ảnh 2.

Nguồn ảnh: T.A - Thiết kế: Phạm Thanh

Ngọc Minh: Trong ngành y thường có câu nói bệnh nhân chính là người thầy của bác sĩ, anh nghĩ sao?

Bác sĩ Phạm Duy Linh: Đúng rồi, không có bệnh nhân thì cũng sẽ không có bác sĩ giỏi được. Mỗi một ca bệnh khi thực hiện sẽ giúp cho người bác sĩ tiến bộ lên từng ngày.

Với tôi, mỗi bệnh nhân lại giúp tôi học được rất nhiều thứ từ cách nói chuyện, hỏi bệnh,… Nhờ đó giúp cho khả năng ứng xử giao tiếp của bác sĩ sẽ tốt hơn.

Về góc độ chuyên môn, mỗi một trường hợp lâm sàng khác nhau bác sĩ sẽ có cách tiếp cận, đưa ra các chẩn đoán sẽ khác nhau. Khi bác sĩ được điều trị cho nhiều bệnh nhân thì kinh nghiệm lâm sàng sẽ dần tốt lên, chuyên môn cũng sẽ tiến bộ theo từng năm tháng.

Giúp bệnh nhân là giúp chính bác sĩ

Ngọc Minh: Anh có biết trên mạng xã hội, anh nhận được mưa lời khen "bác sĩ có tâm", "bác sĩ mát tay nhất quả đất" không?

Bác sĩ Phạm Duy Linh: Chắc bệnh nhân ưu ái cho tôi đấy (bác sĩ Linh cười – pv). Từ trước tới giờ, tôi luôn cố gắng tận tâm, hết mình với công việc. Ngoài ra, tính cách, giọng nói của tôi thường nhẹ nhàng, dễ chịu. Chắc có thể vì vậy mà khi đi làm đã ghi được rất nhiều thiện cảm với bệnh nhân.

Tôi cũng luôn tâm niệm mỗi bệnh nhân là một khách hàng, nên ai tới khoa khám, điều trị đều được chăm sóc một cách tốt nhất. Bất cứ bệnh nhân nhắn tin ngày hay đêm tôi đều sẵn sàng trả lời. Vì tôi nghĩ đơn giản khi mọi người đang cần tới mình mới nhắn tin, mình chỉ cần bớt chút thời gian giúp đỡ bệnh nhân cũng chính là giúp đỡ mình.

Ngọc Minh: Tôi thấy rằng các bác sĩ ngoại khoa rất nóng tính nhưng bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ thì thường điềm đạm. Có phải do ít chịu nhiều áp lực trong phòng mổ nên tính cách bác sĩ thẩm mỹ thường điềm đạm hơn không?

Bác sĩ Phạm Duy Linh: Không hẳn vậy đâu. Đã là bác sĩ phẫu thuật thì ở đâu cũng áp lực như nhau thôi.

Đúng là bác sĩ tạo hình thẩm mỹ là vì tính chất nguy kịch tính mạng sẽ ít hơn so với các chuyên ngành ngoại khoa khác. Và một điều nữa là bác sĩ tạo hình thẩm mỹ thường xuyên được làm việc với cái đẹp, tạo ra những giá trị đẹp cho con người nên sự nhẹ nhàng sẽ cao hơn một chút xíu thôi (bác sĩ Linh cười – pv).

Còn tai biến thì phẫu thuật nào cũng có. Tai biến trong tạo hình thẩm mỹ cũng không hề ít.

Bác sĩ 9X: Không có bệnh nhân cũng sẽ không có bác sĩ giỏi và câu chuyện 'góc khuất' lúc mới đi làm - Ảnh 3.

Nguồn ảnh: T.A - Thiết kế: Phạm Thanh

Ngọc Minh: Sự "già dơ" trong nghề sẽ giúp cho bác sĩ ít mắc phải sai lầm. Là một bác sĩ trẻ, anh có từng mắc sai lầm nào chưa?

Bác sĩ Phạm Duy Linh: Đứng trước một ca mổ, bác sĩ khó có thể khẳng định ca mổ đó sẽ thành công mỹ mãn, không có biến chứng.

Những lần gặp khó khăn, sai sót hay những bài học vấp ngã của các đàn anh đi trước khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều, mất ăn, mất ngủ nhiều ngày để tìm ra lỗi ở đâu, cách giải quyết như nào. Đó là những bài học xương máu giúp tôi tránh những sai lầm ở những bệnh nhân khác.

Ngọc Minh: Anh có bị rơi vào tình huống: Bệnh nhân thấy bác sĩ trẻ quá bị "chê" không?

Bác sĩ Phạm Duy Linh: Đương nhiên là có rồi, có những bệnh nhân khi thấy bác sĩ trẻ tỏ ra không tin tưởng. Tuy nhiên, khi nói chuyện với tôi xong bệnh nhân đã thay đổi. Tôi nghĩ dù mình trẻ nhưng trong chuyên môn mình đĩnh đạc, tận tâm trong công việc, giải thích tường tận cho bệnh nhân thì vẫn lấy được lòng tin từ bệnh nhân.

Ngọc Minh: Trong suốt thời gian làm nghề, ca bệnh nào khiến anh sẽ nhớ mãi?

Bác sĩ Phạm Duy Linh: Trong quá trình hành nghề, tôi đã từng điều trị, cứu chữa hay làm đẹp cho rất nhiều bệnh nhân và tất nhiên cũng có vô số kỷ niệm đáng nhớ. 

Tôi vẫn còn nhớ đó là một trường hợp gặp tai nạn vào viện cấp cứu trong ca trực đêm của tôi. Bệnh nhân bị tai nạn giao thông lóc da phức tạp, dập nát tổ chức vùng mũi và mặt, máu chảy rất nhiều.

Khi nhận được cuộc gọi hội chẩn của khoa cấp cứu, tôi chạy xuống ngay lập tức, thì thấy máu từ mặt bệnh nhân vẫn không ngừng phun ra. Ngay lập tức bệnh nhân được giải quyết nhanh thủ tục xét nghiệm, đưa ngay lên phòng mổ và bật báo động cấp cứu tối cấp.

Các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân đang ở mức nguy kịch tới tính mạng, ranh giới của sự sống rất mong manh. Với sự giúp đỡ tận tình của khoa gây mê hồi sức, tôi đã cùng kíp trực mổ cấp cứu thành công cho bệnh nhân. Sau gần 3 tiếng, cuộc mổ diễn ra tốt đẹp. 

Tới ngày thứ 2, tôi rất bất ngờ khi khám lại đã không còn nhận ra bệnh nhân nữa. Khuôn mặt dập nát đã được thay thế bằng sự tiến triển, hồi phục thần kỳ của bệnh nhân khiến tôi và người nhà vừa ngạc nhiên và vui sướng vô cùng.

Sau này khi bệnh nhân ra viện, bệnh nhân và người nhà đã viết bức thư cảm ơn đầy xúc động gửi cho tôi và bệnh viện, cám ơn các y bác sĩ với những lời lẽ rất xúc động, nghẹn ngào "Lương y như từ mẫu". Bức thư đó như tiếp thêm động lực, lòng tin giúp tôi tiếp tục công cuộc cứu chữa người bệnh và làm đẹp cho đời.

Cảm ơn anh, chúc anh sức khỏe và thành công!

Theo Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM