Không chỉ ở Việt Nam, những người trẻ tuổi ở Châu Âu cũng đang phải vất vả tìm kiếm một công việc tốt

06/05/2017 15:01 PM | Xã hội

Hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên vẫn còn rất cao, ở Ý là 35%, và hơn 40% ở Tây Ban Nha và Hy Lạp.

Ema Zelikovitch, một cử nhân 24 tuổi khoa triết học tốt nghiệp ở Madrid, hít một hơi thật sâu trước khi liệt kê những công việc cô đã làm trong vài năm qua. Khi còn ở trường đại học, cô đã làm các việc như giáo viên dạy nhảy, bồi bàn, người gây quỹ trên đường phố cho các NGOs, nhân viên tổng đài, và tiếp viên tại các hội nghị chính trị cho Podemos, một đảng cực tả.

Kể từ khi tốt nghiệp, cô đã phải xoay sở với việc làm ở 2 nhà hàng, nhưng 1 trong 2 nhà hàng này gần đây đã sa thải cô. Mỗi công việc đều chỉ mang tính tạm thời. Trong khi một vài công việc giúp cô trang trải hàng ngày, không công việc nào có thế giúp cô thăng tiến cả.

Nhưng đó không chỉ là câu chuyện của riêng Ema, những công việc có thời hạn, không có cơ hội thăng tiến đã ám ảnh miền Nam châu Âu trong nhiều thập kỷ qua. Vào năm 2015, hơn 1/2 số người trong độ tuổi từ 15 đến 29 ở Tây Ban Nha làm những công việc tạm thời, so với con số 2/5 ở Ý và gần ¼ ở Hy Lạp. Số liệu trung bình của các quốc gia EU là 14%.

Các quốc gia phía bắc có xu hướng bảo vệ người lao động chứ không phải công việc, cho phép nền kinh tế của họ điều chỉnh nhanh hơn trước các cú sốc và thay đổi công nghệ. Tuy nhiên, ở phía nam châu Âu, những nỗ lực cải cách lao động còn non nớt đã góp phần làm trầm trọng vấn đề này: các chính phủ khiến cho việc thuê và sa thải những nhân viên non trẻ dễ dàng hơn, nhưng lại thận trọng trong việc động chạm tới những người đã ở sẵn trong thị trường lao động. Điều này tạo ra một thị trường lao động 2 tầng, với tầng thấp hơn là những người lao động trẻ tuổi.

Hiện tại, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đồng tiền chung châu Âu đang giảm xuống, thì tỷ lệ này đang mất cân bằng ở các thị trường lao động ở Nam Âu. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên vẫn còn rất cao, ở Ý là 35%, và hơn 40% ở Tây Ban Nha và Hy Lạp. Các nhà tuyển dụng tại các quốc gia này dường như không còn quan tâm đến việc thuê nhân viên dài hạn. Ở Tây Ban Nha, Ý và Hy Lạp, tỷ lệ nhân viên với hợp đồng ngắn hạn trong độ tuổi từ 15 đến 29 tăng ít nhất 3 điểm phần trăm trong giai đoạn 2012 – 2015.

Việc các nền kinh tế này không có khả năng tăng số lượng hợp đồng dài hạn đã gây ra nhiều vấn đề. Sự xáo trộn tạo ra bởi những người lao động tạm thời làm giảm năng suất lao động. Marcel Jansen của Đại học Autonomous của Madrid cho biết chi phí để thuê nhân viên dài hạn quá lớn nên thay vào đó, các công ty đã quyết định “xoay vòng nhân viên”.

¼ các hợp đồng tạm thời ở Tây Ban Nha chỉ kéo dài 1 tháng hoặc thậm chí còn ít hơn. Các nhà tuyển dụng có ít động lực để đào tạo nhân viên mà họ nghĩ rằng sẽ sớm rời đi. Và những khoảng thời gian ngắn như vậy cũng không cho phép nhân viên có thời gian để phát triển các kỹ năng trong công việc.

Đối mặt với mức lương thấp có xu hướng đi kèm cùng công việc tạm thời, nhiều người trẻ tuổi đã bắt đầu làm việc ở chợ đen, hoặc làm các việc được trả tiền mặt hoặc không công khai các công việc tự do được thuê bởi các công ty nước ngoài. Ở Naples, Giuseppe (30 tuổi) chính thức ở trong tình trạng thất nghiệp nhưng thỉnh thoảng làm việc nhận tiền mặt tại 1 nhà máy. Anh ước mơ được ra nước ngoài, có lẽ là đến Anh. Hiện tại, anh đang sống cùng với mẹ.

Không như Giuseppe, nhiều người khác không chỉ mơ ước. Khoảng 350 000 đến 400 000 người Hy Lạp đã rời đất nước này kể từ năm 2008, từ những bác sĩ mới tốt nghiệp cho đến những thợ cắt tóc. Aristotelis (28 tuổi) đang lên kế hoạch để chuyển tới Hamburg làm bác sĩ phẫu thuật, nói: “Chúng tôi đang quay trở về những năm 1950 khi ông bà của tôi phải rời đi để làm việc tại một nhà máy ở Đức.”

Ở khu vực Andalusia, phía nam Tây Ban Nha, nơi tỷ lệ thất nghiệp nằm trong nhóm cao nhất châu Âu ở mức 30%, nhiều người trẻ tuổi ước rằng họ có thể ở lại. Miguel, một sinh viên quản trị kinh doanh 19 tuổi, cho biết: “Nơi đây là một nơi rất tuyệt vời để sinh sống, với những người dân tốt bụng và gần với biển.”, nhưng anh không nhìn thấy tương lai nào ở Tây Ban Nha cả.

Đối mặt với vấn đề trầm trọng này, các nhà hoạch định chính sách đã cố gắng để kéo các tầng lao động lại gần với nhau.

Vào năm 2012, Tây Ban Nha đưa ra một cuộc cải cách lao động cùng với việc tăng tính linh hoạt cho tiền lương, giảm trợ cấp thôi việc cho những nhân viên dài hạn, và trợ cấp cho các công ty thuê nhân viên toàn thời gian mới.

Ở Hy Lạp, những nỗ lực đã được thực hiện từ năm 2010 để nới lỏng các thỏa thuận thương lượng tập thể. Ở Ý, sau rất nhiều tranh cãi, cựu thủ tướng Matteo Renzi đã thông qua một đạo luật việc làm vào năm 2014 nhằm nỗ lực tăng số lượng số lượng nhân viên dài hạn thông qua việc giảm thuế tạm thời, đồng thời làm cho việc sa thải những nhân viên toàn thời gian trở nên dễ dàng hơn.

Cho đến nay, những cải cách này chưa cải thiện được tình hình, vì các nhà tuyển dụng vẫn tỏ ra thận trọng sau khoảng thời gian hồi phục yếu ớt. Nhiều chính trị gia thiếu tham vọng trong việc tiếp tục giải quyết vấn đề việc làm. Ở Tây Ban Nha, chỉ có một đảng, Ciudadanos – một đảng tự do mới, đang kêu gọi đẩy mạnh hơn nữa cải cách lao động để giảm số lượng hợp đồng tạm thời. Nếu tình hình không cải thiện, sẽ ngày càng có nhiều người trẻ tuổi rời khỏi đất nước của họ.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM