Không chỉ là trung tâm sản xuất, Samsung còn muốn biến Việt Nam thành trung tâm nhân lực trong kỷ nguyên chuyển đổi số

15/12/2020 16:45 PM | Kinh doanh

Thông qua các dự án và sáng kiến mới của mình, Samsung đang muốn biến Việt Nam thành một địa điểm chiến lược về R&D của tập đoàn, chứ không chỉ là trung tâm sản xuất nữa.

Không lâu sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung, ông Lee Jae-Yong vào cuối năm 2019, một trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đã được triển khai xây dựng từ ngày 2 tháng 3 năm 2020 tại Hà Nội.

Với quy mô đầu tư khoảng 220 triệu USD cùng tổng diện tích xây dựng là 11.603m2 và diện tích sàn là 79.511 m2, tòa nhà được thiết kế với 16 tầng nổi, 3 tầng hầm và dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2022. Dự kiến khi đi vào hoạt động, trung tâm R&D mới của Samsung sẽ có quy mô nhân lực lên đến 3.000 người.

Không chỉ là trung tâm sản xuất, Samsung còn muốn biến Việt Nam thành trung tâm nhân lực trong kỷ nguyên chuyển đổi số - Ảnh 1.

Tòa nhà R&D đầu tiên của Samsung ở nước ngoài sẽ nằm tại Hà Nội, Việt Nam

Đáng chú ý hơn, đây là tòa nhà đầu tiên được Samsung xây dựng ở nước ngoài nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu phát triển. Điều này cho thấy mong muốn của Samsung nhằm nâng tầm năng lực nghiên cứu phát triển cho các kỹ sư Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực sản phẩm mà còn với các lĩnh vực đang là xu hướng của thế giới như AI, thiết bị IoT, dữ liệu lớn hay mạng 5G…

Không chỉ xây dựng cơ sở hạ tầng cho hoạt động R&D, định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Samsung tại Việt Nam còn nằm ở hoạt động đào tạo thế hệ trẻ. Trong thời gian gần đây, Samsung liên tiếp ra mắt nhiều chương trình hướng đến khả năng sáng tạo của người trẻ.

Ngày 18 tháng 12 năm 2019, tập đoàn Samsung đã kết hợp với Tổ chức Junior Achievement Vietnam (JA Vietnam) để khởi động Chương trình Samsung Innovation Campus (SIC). Chương trình được triển khai thí điểm tại Trường THPT Tạ Quang Bửu với sự tham gia của hơn 50 học sinh.

Không chỉ là trung tâm sản xuất, Samsung còn muốn biến Việt Nam thành trung tâm nhân lực trong kỷ nguyên chuyển đổi số - Ảnh 2.

Bài trình bày dự án nghiên cứu về công nghệ trí tuệ nhân tạo và xử lý giọng nói tự nhiên của em Trần Vũ Linh trong chương trình SIC

Chương trình này cung cấp các các khóa học hướng nghiệp về "Trí tuệ nhân tạo – AI", "Vạn vật kết nối – IoT" và "Lập trình – Coding" cho các bạn trẻ. Thông qua chương trình này, học sinh sẽ được cung cấp các kiến thức căn bản về ngôn ngữ lập trình từ bậc thấp đến nâng cao nhằm giúp các em có được nền tảng công nghệ ứng dụng trong cuộc sống.

Ngay cả đại dịch Covid-19 cũng không làm chương trình này bị gián đoạn. Để việc học tập được đảm bảo an toàn, các khóa học trực tuyến đã được bổ sung trong năm 2020, nhằm tiếp tục mang lại cơ hội học tập cho các học sinh trên toàn quốc.

Một sáng kiến khác của Samsung đối với việc phát triển nguồn nhân lực trẻ là Sân chơi Solve for Tomorrow 2020. Vào ngày 28 tháng 11 vừa qua, Samsung Vina đã kết hợp với Tổ chức JA Vietnam nhằm tổ chức Vòng chung kết và Lễ Trao giải Cuộc thi Solve for Tomorrow 2020.

Không chỉ là trung tâm sản xuất, Samsung còn muốn biến Việt Nam thành trung tâm nhân lực trong kỷ nguyên chuyển đổi số - Ảnh 3.

Được triển khai tại Việt Nam từ năm 2019, Solve for Tomorrow là sân chơi sáng tạo dành cho các em học sinh THCS và THPT nhằm ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề của địa phương.

Trải qua 2 vòng thi, Solve for Tomorrow 2020 đã thu hút được sự tham gia của hơn 13.000 học sinh và 708 giáo viên tại hơn 90 trường học ở Việt Nam. Từ gần 400 bài thi mà Ban tổ chức nhận được tại Vòng Sơ khảo, 40 đội thi tài năng đã được lựa chọn vào Vòng Phát triển sản phẩm và 10 đội thi xuất sắc nhất đã được góp mặt tại Vòng Chung kết để thi thuyết trình, chạy thử mô hình và trả lời câu hỏi của Ban giám khảo.

Không chỉ là trung tâm sản xuất, Samsung còn muốn biến Việt Nam thành trung tâm nhân lực trong kỷ nguyên chuyển đổi số - Ảnh 4.

Các giải pháp công nghệ lọt vào vòng chung kết đều cho thấy sự hấp dẫn và thiết thực của mình, với các đề tài như: Xây dựng ứng dụng "Golden Time": giải pháp phát hiện người bị té ngã của nhóm Tech Up, đến từ tỉnh Thái Nguyên, đoạt giải Ba. Giải Nhì thuộc về nhóm HNV của Tỉnh Bến Tre với giải pháp Thiết bị bẫy sâu rầy trên ruộng rau sử dụng năng lượng mặt trời. Giải nhất Nhất thuộc về nhóm Vượt thời gian đập tan thách thức của Thành Phố Hà Nội với giải pháp xe robot thăm dò môi trường.

Các dự án và sáng kiến kể trên càng cho thấy mong muốn của Samsung không chỉ biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất lớn nhất mà còn là trung tâm chiến lược về nghiên cứu và phát triển của tập đoàn trong tương lai.

Ánh Dương

Cùng chuyên mục
XEM