Không chỉ bị hàng xóm "xì xào", người ngoại tình còn có thể bị pháp luật trừng trị đến 3 năm tù giam

01/03/2017 10:04 AM | Xã hội

Đi ngoại tình có thể dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng về mặt pháp luật, đó đã không còn là một câu chuyện đùa nữa

Theo một số điều luật từ Bộ luật Hình sự 1999 và Nghị định 110/2013/NĐ-CP trong pháp luật hiện hành, bạn có thể vừa bị phạt tiền, vừa bị phạt tù vì chính hành vi ngoại tình dại dột của mình.

Như thế, câu chuyện ngoại tình giờ đây không còn gói gọn trong khuôn khổ gia đình nữa mà ngược lại, pháp luật có thể trừng trị rất thẳng tay với hành vi ngoại tình của bạn.

Trước hết, cần định nghĩa chuẩn xác lại về hành vi ngoại tình như theo Điều 147 Bộ Luật Hình Sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng:

3.1. Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...

Nếu bạn ngoại tình mà không để bất cứ ai phát hiện ra thì sẽ đi một nhẽ. Còn theo những gì được viết trên đây, việc bạn đi với "người khác" mà có sống với nhau như một gia đình, xa hơn là có con chung, có tài sản chung và được mọi người xung quanh coi như là vợ chồng thì sẽ được coi đúng là ngoại tình.

Hành vi ngoại tình này hoàn toàn có thể bị pháp luật xử phạt hành chính hoặc thậm chí là pháp luật phạt tù nếu nó có thêm các tính chất sau đây:

- Gây hậu quả nghiêm trọng.

Ví dụ như việc bạn làm ngoại tình đã làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ, dẫn đến họ phải ly hôn, hoặc là vợ, chồng, con của “tình nhân” của bạn vì thế mà đã tự sát…

- Tái phạm sau khi đã bị xử phạt hành chính

Các hình phạt cho việc bạn ngoại tình được quy định tại Điều 147 Bộ luật Hình sự 1999 (về phạt tù) và Điểm b,c Khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP (về phạt tiền).

Cụ thể, theo điều 147 thì bạn có thể bị phạt tù lên đến mức 3 năm:

Điều 147. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng - Bộ luật Hình sự 1999

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Tòa án tiêu hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Còn theo điều 48, nếu bị phạt hành chính, số tiền bạn phải nộp có thể lên đến mức 3 triệu đồng:

Điều 48. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng - Nghị định 110/2013/NĐ-CP

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

Đọc xong tất cả những điều này, tất cả những ai đang có hành vi dối trá trong cuộc sống gia đình thì hãy dừng lại một chút để suy ngẫm xem nếu hành vi của mình đang làm mà bị phát hiện, không chỉ là bài học về danh dự, mà những mức phạt về vật chất nêu trên liệu là có đáng không ?

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM