‘Không ai xóa đi con bò sữa của chính mình’

08/09/2016 17:00 PM | Kinh doanh

Những thương hiệu với giá trị vô hình rất lớn chính là yếu tố làm tăng giá trị doanh nghiệp, tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài, họ không dại gì xóa đi thương hiệu đã nổi tiếng này để thay bằng một thương hiệu khác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải có biện pháp pháp lý để giữ được các thương hiệu quốc gia như Vinamilk hay Sabeco. Kết luận về chủ trương bán vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phải đấu giá cạnh tranh, không phân biệt đối tác trong nước và nước ngoài.

Một số ý kiến lo ngại rằng việc không phân biệt, mở rộng cửa cả với các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đấu giá có thể dẫn tới việc mất các thương hiệu quốc gia như Vinamilk, Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội.

Thế nhưng đây chính là giải pháp quan trọng để bảo đảm công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm, bảo toàn tối đa tài sản nhà nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước. Cùng với đó, câu chuyện bảo toàn thương hiệu quốc gia cũng đã được thảo luận rất kỹ tại cuộc họp hôm 29/8 của Thường trực Chính phủ và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm với chỉ đạo dứt khoát phải có biện pháp pháp lý để giữ được các thương hiệu quốc gia khi bán vốn tại các "đại gia" trong nước như Vinamilk, Sabeco.

Tính tới giải pháp “cổ phần vàng”

Đặc biệt, theo các chuyên gia, một trong những biện pháp có thể được tính tới là quy định về “cổ phần vàng”. Theo đó, Nhà nước dù chỉ nắm một số lượng cổ phần rất ít ỏi chỉ mang tính chất tượng trưng nhưng có quyền phủ quyết trong một số quyết sách quan trọng như liên quan đến thương hiệu.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định đây là giải pháp rất tốt, hoàn toàn khả thi để bảo đảm chắc chắn giữ được thương hiệu quốc gia, nếu chưa có quy định thì các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu bổ sung.

“Như đã nói, mặc dù khả năng các nhà đầu tư xóa bỏ các thương hiệu trên là không cao, nhưng nếu muốn chắc chắn và vì lợi ích quốc gia, nhà nước có thể sử dụng chế độ cổ phần vàng”, bà Chi Lan nói. Đây là biện pháp đã được nhiều quốc gia áp dụng và cũng không ngại các nhà đầu tư nước ngoài phản đối, miễn là ta có quy định rõ ràng.

Bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng cuối cùng thì Nhà nước vẫn có quyền quyết định bán cho ai và với tỷ lệ bao nhiêu, chẳng hạn công bố rõ ràng hạn mức tối đa một nhà đầu tư được mua. Đồng thời, có thể quy định nhà đầu tư không được phép bán cổ phần trong một số năm, tránh tình trạng nhà đầu tư nước ngoài “núp bóng” nhà đầu tư trong nước…

Một lý do khác khiến nhiều ý kiến ủng hộ chủ trương đấu giá không phân biệt nhà đầu tư trong và ngoài nước, là việc hạn chế nhà đầu tư nước ngoài cũng không giúp ích gì nhiều cho yêu cầu bảo tồn thương hiệu. Cụ thể, theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), ngay cả khi bán vốn cho nhà đầu tư trong nước nhưng sau này họ lại bán cho nhà đầu tư nước ngoài thì cũng không ai có thể kiểm soát, ngoại trừ việc có chính sách chung giới hạn sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài ở một số lĩnh vực, ngành nghề cụ thể.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, việc doanh nghiệp nguy cơ bị một cổ đông nước ngoài thâu tóm với mục đích biến doanh nghiệp trở thành công ty con và là công cụ để họ mở rộng thị trường của họ tại Việt Nam không vì mục tiêu phát triển công ty sẽ khó thực hiện, thậm chí là không thể, do họ không thể thâu tóm được 100%.

"Việc họ thâu tóm được 51% để thành công ty con là có thể, nhưng họ cũng chỉ có thể xây dựng công ty với cương vị là cổ đông chi phối chứ không thể biến doanh nghiệp thành công cụ cho công ty mẹ do các quy định của thị trường chứng khoán đối với các giao dịch của các bên liên quan của công ty niêm yết", ông Hưng cho biết.

‘Không ai xóa đi con bò sữa của mình’

Mặt khác, những thương hiệu với giá trị vô hình rất lớn này chính là một yếu tố làm tăng giá trị của các doanh nghiệp, tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Trước đây, khi Vinamilk đề xuất nâng trần sở hữu nước ngoài, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng Vinamilk đang thành công với cái tên đó, nên nếu có bán cho nhà đầu tư nước ngoài thì họ cũng không dại gì xóa sổ thương hiệu này để tạo ra một thương hiệu mới.

Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ: “Tôi nghĩ họ sẽ không xóa sổ Vinamilk. Đây là thương hiệu có giá, có tín nhiệm, sẽ không ai đi xóa con bò sữa của mình cả”.

Từ quan điểm của người trong cuộc, chia sẻ với báo Đầu tư, đại diện một công ty bia nước ngoài từng rất quan tâm tới việc mua cổ phần của Sabeco nhấn mạnh, cách suy nghĩ, nhà đầu tư nước ngoài mua xong sẽ xóa thương hiệu Việt Nam đi là không hợp với xu thế hiện nay.

“Nhà đầu tư nước ngoài bỏ tiền ra mua thương hiệu, mua giá trị thương hiệu mà mua xong lại tự tay xóa đi thứ đang hái ra tiền thì không đúng. Cạnh đó, việc niêm yết, đấu giá công khai, không hạn chế tiêu chí nhà đầu tư tham gia sẽ giúp minh bạch và mang lại lợi cao nhất cho ngân sách nhà nước”, vị này nói.

Từ góc nhìn thực tiễn, bà Phạm Chi Lan cho rằng quá trình cổ phần hóa tại Việt Nam đã có nhiều ví dụ chứng tỏ rằng việc xóa bỏ các thương hiệu khó có thể xảy ra.

Chẳng hạn, chính Vinamilk cũng có sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư sừng sỏ của nước ngoài, nhưng thương hiệu sữa này vẫn phát triển hùng mạnh, vẫn do người Việt Nam điều hành. Tương tự là Công ty Cổ phần Cơ – Điện – Lạnh (REE), một trong những doanh nghiệp đầu tiên được phép bán cổ phần cho người nước ngoài - những quỹ đầu tư rất sừng sỏ, nhưng thương hiệu rất mạnh này vẫn là của Việt Nam.

Theo Hà Chính

Cùng chuyên mục
XEM