Khói từ thảm họa cháy rừng ở Úc bao trùm bầu trời nơi cách đó nửa vòng Trái Đất

08/01/2020 09:59 AM | Xã hội

Hơn 10 triệu hecta đất ở Úc đã bị thiêu rụi, diện tích tương đương với bang Indiana của Mỹ và lớn gấp 5 lần xứ Wales ở Anh.

Khói mù từ những đám cháy rừng tàn khốc đã tàn phá nước Úc trong thời gian vừa qua đã lan ra gần nửa vòng Trái Đất, khiến bầu trời ở Argentina và nhiều nơi tối sầm lại.

Ngày 8/1, Sydney và Canbarra đã phải đối mặt với một ngày khói mù độc hại bao trùm khắp nơi. Vệ tinh của Mỹ đã chụp được hình ảnh đám khói lan đến Nam Mỹ và lan rộng trên khắp Buenos Aires (Argentina) trước khi trôi dạt vào Đại Tây Dương - cách hơn 12.000 km về phía đông Sydney, theo Cơ quan khí tượng quốc gia Mỹ.

Hơn 10 triệu hecta đất ở Úc đã bị thiêu rụi, diện tích tương đương với bang Indiana của Mỹ và lớn gấp 5 lần xứ Wales ở Anh. Thảm họa cháy rừng đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 24 người tại quốc gia này. Thậm chí các đám cháy còn lớn và nóng đến mức tự tạo ra sấm chớp và giông bão giống điều kiện thời tiết xảy ra trong những vụ phun trào núi lửa hay nổ bom hạt nhân. Hệ quả là những tia sét khô lại tiếp tục tạo ra thêm nhiều đám cháy hơn.

Khói từ thảm họa cháy rừng ở Úc bao trùm bầu trời nơi cách đó nửa vòng Trái Đất - Ảnh 1.

Các đám cháy vẫn đang tiếp tục ở Úc.

Hai biểu tượng nổi tiếng của Úc là Nhà hát Opera Sydney và cầu cảng gần như chìm hoàn toàn trong khói mù do hỏa hoạn tàn phá những ngọn núi lớn của dãy núi Blue và nhiều công viên quốc gia ở phía đông bắc và phía tây thành phố. Chất lượng không khí của thủ đô nước Úc được xếp hạng tồi tệ hàng đầu thế giới trong vài tuần qua và được AirVisual đánh giá là không có lợi cho sức khỏe.

Chỉ riêng trong ngày 8/1, đã có gần 120 ngọn lửa bùng cháy ở bang New South Wales. Một số bang ở miền Nam nước Úc cũng đang đối mặt với nguy cơ hỏa hoạn cao. Các nhà chức trách cảnh báo rằng điều kiện nguy hiểm sẽ quay trở lại trong bối cảnh nhiệt độ ở Canberra được dự báo sẽ tăng lên tới 39 độ C.

Hơn 1.500 ngôi nhà đã bị phá hủy chỉ riêng ở New South Wales trong mùa cháy này và theo các nhà sinh thái học tại Đại học Sydney cùng Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới, ước tính đã có khoảng hơn 1 tỷ động vật bị thiêu chết trong trận cháy rừng lịch sử. Trong đó bao gồm nhiều loài đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng.

Chính phủ Úc đã cam kết chi 1,4 tỷ USD trong 2 năm để hỗ trợ công tác phục hồi, tập trung vào sửa chữa cơ sở hạ tầng cũng như tăng cường chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Một số ngôi sao nổi tiếng của Úc như Russell Crowe đã kêu gọi hành động nhiều hơn để chống lại tình trạng biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro cho những thảm họa tương tự trong tương lai. Nam diễn viên người Úc, Chris Hemsworth mới đây đã tuyên bố quyên góp 1 triệu USD để hỗ trợ lực lượng cứu hỏa và những người dân bị ảnh hưởng.

Thủ tướng Úc, Scott Morrison đã hứng chịu với không ít chỉ trích do phản ứng khá muộn màng trong việc tập hợp nguồn lực quốc gia để dập tắt các đám cháy. Theo các chuyên gia, ngoài thiệt hại về người và của cũng như hệ sinh thái tự nhiên, Úc còn phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế lần đầu tiên trong gần 30 năm do sức mua của người dân giảm. Không những vậy, một số ngành như du lịch và khai thác than cũng đang chịu ảnh hưởng từ thảm họa trên.

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM