Nhật cạnh tranh bằng giáo dục khởi nghiệp

09/09/2015 09:45 AM |

Năm ngoái, các khoản đầu tư mạo hiểm ở Nhật chỉ mới đạt 940 triệu USD, so với mức 48 tỷ USD tại Mỹ. Làm sao để người Nhật bắt kịp?

Trường Đại học Tokyo, vốn từ lâu được xem là lò sản sinh ra những doanh nhân và chính trị gia lỗi lạc của Nhật, giờ đang bước vào một lĩnh vực hoàn toàn mới: ươm mầm cho tinh thần khởi nghiệp cải tiến công nghệ.

Thực vậy, trường đại học uy tín nhất nước Nhật này, vốn được biết đến với tên gọi Todai, đã “sản sinh” ra hơn 10 vị thủ tướng Nhật và hầu hết các quan chức cấp cao tại các bộ ngành của Chính phủ Nhật. Nhưng trong những năm gần đây, ngôi trường 138 tuổi đời này đang nỗ lực thay đổi hình ảnh và thổi vào đó tinh thần công nghệ của Thung lũng Silicon. Đây là kỳ vọng của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm đưa các định chế giáo dục Nhật lột xác trở thành các trung tâm cải tiến, tạo động lực để vực dậy nền kinh tế Nhật.

Trường đại học này có khoảng 240 công ty khởi nghiệp (start-up) liên kết với nó, tăng gấp đôi so với con số cách đây 5 năm. Trong đó, 16 công ty đã lên sàn với mức vốn hóa thị trường tổng cộng khoảng 8 tỉ USD.

Nỗ lực của Todai cho thấy giáo dục Nhật cuối cùng cũng xem trọng tinh thần khởi nghiệp trong bối cảnh ngành công nghệ từng thống trị một thời đang sa sút trên quá nhiều mặt trận. Dù sa sút, nhưng tất cả vẫn chưa quá muộn. Tuy nhiên, để có thể bắt kịp với các cường quốc cải tiến khác, Nhật sẽ có nhiều điều phải làm.

Có thể thấy năm ngoái, các khoản đầu tư mạo hiểm ở Nhật chỉ tổng cộng đạt 940 triệu USD, theo trung tâm Venture Enterprise có trụ sở tại Tokyo. Con số này quá khiêm tốn so với mức 48 tỉ USD do các nhà đầu tư mạo hiểm rót vốn tại Mỹ, theo báo cáo MoneyTree Report từ hãng tư vấn và kiểm toán PricewaterhouseCoopers và Hiệp hội vốn đầu tư mạo hiểm quốc gia National Venture Capital Association.

Sinh viên tốt nghiệp Todai thường phát triển sự nghiệp trong các bộ ngành chính phủ hoặc các tập đoàn lớn. Nhưng tôi đang cảm thấy một sự thay đổi trong thái độ: ngày càng nhiều người thực sự xem chuyện đi làm cho một công ty đầu tư mạo hiểm hoặc thành lập một doanh nghiệp khởi nghiệp là một lựa chọn nghề nghiệp hấp dẫn”, Tomotaka Goji, Chủ tịch University of Tokyo Edge Capital (UTEC), một công ty đầu tư mạo hiểm chuyên đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, nhận xét.

Văn phòng của ông Goji đặt tại một tòa nhà 5 tầng hiện đại ở góc phía Nam của cơ sở chính Trường Đại học Tokyo nằm tại trung tâm thành phố Tokyo. Được tài trợ vốn bởi các nhà đầu tư tổ chức hoàn toàn độc lập với Todai, UTEC quản lý các quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá khoảng 30 tỉ yen Nhật, tương đương gần 250 triệu USD.

Tòa nhà cũng là nơi đặt một chi nhánh trực thuộc của Todai, chuyên cấp phép các công nghệ được phát triển tại Trường Đại học. Khi con số các công ty khởi nghiệp tăng lên, doanh thu từ bằng sáng chế cũng đã tăng hơn gấp 3 lần kể từ năm 2010, đạt 488 triệu yen vào năm 2014.

Nhat canh tranh bang giao duc khoi nghiep

Shigeo Kagami, Giáo sư tại Trường Todai đang làm việc với các tổ chức thương mại để hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp, cho biết Todai thường nhận vốn cổ phần, đổi lấy việc cấp phép các công nghệ được phát triển tại trường cho các công ty khởi nghiệp. Đây có thể là một tài sản có giá trị nếu các công ty này niêm yết cổ phiếu thành công trên thị trường chứng khoán. “Điều đó đã giúp Todai trở nên mặn mà với ý tưởng ươm mầm cho tinh thần khởi nghiệp. Trường nhận thấy việc làm đó hoàn toàn có thể sinh lợi”, ông nói.

240 công ty khởi nghiệp có liên kết với Trường bao gồm cả những công ty được dẫn dắt bởi các cán bộ giảng dạy tại Todai hoặc các cựu sinh viên và cả những công ty được phát triển lên từ các công trình nghiên cứu được thực hiện tại Trường. Cho đến nay, hầu hết các sinh viên lập nên các công ty kinh doanh mạo hiểm đều đã tốt nghiệp. Điều đó cũng có nghĩa là sinh viên chưa tốt nghiệp ở Todai vẫn muốn tìm công ăn việc làm ổn định tại các bộ ngành chính phủ hoặc tại các doanh nghiệp lớn, hơn là nhảy vào công việc kinh doanh mạo hiểm.

Tao Cheng đã tham gia vào một chương trình Thạc sĩ của Trường Đại học Tokyo vào năm 2008 khi anh thành lập popIn Inc., một công ty quảng cáo trực tuyến. Sinh viên người Trung Quốc này đã huy động được 40 triệu yen từ UTEC để làm vốn cho công ty khởi nghiệp của mình và đặt văn phòng tại Entrepreneur Plaza của Todai, một vườn ươm cho hơn 20 công ty khởi nghiệp.

“Từ việc được cấp vốn, nơi đặt văn phòng, cho đến việc được cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí, tôi nghĩ chẳng có người nào tận dụng được hệ thống hỗ trợ công ty khởi nghiệp của Trường nhiều như là tôi cả”, Cheng nói.

Hồi tháng 6, Baidu Inc. (Trung Quốc), động cơ tìm kiếm lớn thứ 2 thế giới, đã mua lại popIn với giá từ 1-2 tỉ yen, tương đương 8-16 triệu USD, theo Cheng (Cheng không tiết lộ con số chính xác mà chỉ đưa ra mức ước lượng trong khoản nào đó mà thôi).

Các công ty khởi nghiệp khác có liên kết với Todai còn có PeptiDream Inc., một công ty công nghệ sinh học đã ký các thỏa thuận nghiên cứu dược phẩm với các hãng dược lớn của Mỹ và châu Âu dựa trên công nghệ được phát triển bởi Giáo sư Trường Todai, ông Hiroaki Suga. Và Schaft, một công ty robot cũng khởi nghiệp tại Trường Đại học Todai, đã lên mặt báo vào năm 2013 khi nó làm mưa làm gió trong một cuộc thi robot do công ty nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ. Google Inc. đã thâu tóm Schaft trước khi diễn ra cuộc thi này không lâu. Giá trị thương vụ không được công bố.

Mặc dù là ngôi trường đi đầu tại Nhật, nhưng Todai vẫn chưa phải là đối thủ ngang cơ với các trường đại học Mỹ như Trường Stanford. Chỉ riêng Stanford đã có hàng ngàn công ty khởi nghiệp được thành lập bởi các cựu sinh viên cũng như cán bộ giảng dạy tại Trường. Google, đồng sáng lập bởi Larry Page và Sergrey Brin khi họ theo học chương trình tiến sĩ tại Stanford, giờ trị giá gần 440 tỉ USD.

“Nhiều sinh viên theo học Stanford không có ý định trở thành các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng khi tiếp xúc với nhiều cựu sinh viên và những người có cùng ý tưởng khởi nghiệp, họ lại trở nên hứng thú”, Kenji Kushida, nhà nghiên cứu tại Stanford, nhận xét. Ông Kushida đang đứng đầu một dự án giúp Nhật phát triển mối quan hệ tốt hơn với Thung lũng Silicon và học hỏi kinh nghiệm từ vườn ươm công nghệ này.

Cũng theo ông Kushida, thậm chí sinh viên tốt nghiệp Stanford không có tí hứng thú nào trở thành doanh nhân khởi nghiệp cũng bị kéo vào con đường khởi nghiệp sau nhiều năm, một khi họ đạt được những kỹ năng cần thiết và sau khi tiếp xúc với những cựu sinh viên. “Nhật cần tạo ra những cơ hội phát triển môi trường tương tác như vậy”, ông nói.

Tiến sĩ Kagami của Trường Todai cũng đồng tình rằng không phải ai cũng nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp khi còn đang học đại học. “Nhưng tại đây có những mô hình tiêu biểu đáng để làm gương. Chắc chắc rằng 10 doanh nhân khởi nghiệp nổi trội cũng đủ làm nên sự khác biệt”, ông nói.

Theo Văn Quốc

Cùng chuyên mục
XEM