Bali: Từ thiên đường nghỉ dưỡng đến địa điểm lý tưởng cho start-up công nghệ

13/07/2015 14:42 PM |

Bali đang nổi lên như một địa điểm lý tưởng cho các start-up công nghệ.

Nội dung nổi bật:

- Bali đang nổi lên như một địa điểm lý tưởng cho các start-up công nghệ.

- Hòn đảo này hội tụ được những điều cần thiết cho người sáng tạo phát huy năng suất.

- Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục để nơi đây có thể được gọi là “thung lũng Silicon của châu Á”.


Thay vì nghỉ ngơi tại thiên đường nhiệt đới này, các nhà khởi nghiệp lại chọn cách gia nhập với cộng đồng startup công nghệ đang nổi lên ở đây vì hòn đảo này đang có một hệ sinh thái start-up phát triền, chi phí thấp, và dĩ nhiên là sự hấp dẫn của thiên nhiên.

“Với sự thay đổi chóng mặt trong lĩnh vực làm việc từ xa và các trung tâm khởi nghiệp đang mọc lên ở khắp mọi nơi trên thế giới, Bali đã nhanh chóng trở thành một nơi hấp dẫn cho các start-up,” Andrea Loubier, CEO của Mailbird, cho biết.

Sau khi học xong đại học tại Mỹ, Loubier đi làm vài năm trước khi bắt đầu tìm kiếm cơ hội ở châu Á.

Chính ở Bali mà Loubier đã gặp được Michael Bodekaer, sáng lập viên của Livit. Anh mời cô tham gia vào ban điều hành Mailbird, và đó là trải nghiệm đầu tiên của cô trong việc tạo dựng một công ty công nghệ từ thưở ban đầu.

Cơ sở hạ tầng, không gian làm việc chung và các hệ sinh thái start-up

Cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin (IT) ở Bali đã phát triển rất nhanh trong 3 năm qua cùng với sự ra đời thêm nhiều nhà cung cấp dịch vụ Internet và hệ thống cáp quang ở đây. “Ngoài ra còn có nhiều sáng kiến hợp tác và khởi nghiệp để khuyến khích sự phát triển của các start-up công nghệ,” Loubier thông tin thêm.

Chẳng hạn như Livit hiện đang bắt tay với những nhà khởi nghiệp và các start-up non trẻ, cung cấp cho họ những tư vấn, chuyên môn, cách thức phát triển và một không gian làm việc tại một trong 6 biệt thự của Livit ở phía đông nam Bali.

Ngoài Mailbird, Livit, một start-up thành công khác cũng đáng được nhắc đến là Labster, công ty chuyên về giáo dục khoa học công nghệ tại Bali. Công ty này chuyên tạo ra những hoạt cảnh 3D, tái hiện lại những kiến thức khoa học trong đời sống bằng hình ảnh và giúp học sinh thực hiện các bài tập thí nghiệm của mình trong không gian ảo.

Hệ sinh thái của Livit là độc nhất bởi vì nó có chức năng như một chương trình “vườn ươm” cùng nhau sống và cùng nhau làm việc. Mọi nhu cầu đều được quan tâm chu đáo, cho phép những người tham gia chỉ tập trung vào các dự án của họ. “Hãy nghĩ về nó như là một nơi nghỉ ngơi vừa làm vừa chơi, với sự hướng dẫn của các chuyên gia lúc nào cũng sẵn sàng dành cho cả nhóm start-up,” Bodekaer nói.

Nhiều không gian làm việc chung khác ở Bali cũng hướng đến mục đích tạo ra một môi trường giúp cho các start-up công nghệ dễ thành công bằng cách chủ động thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, hợp tác kinh doanh và hội thảo thông qua những sự kiện và hội nghị hàng tuần.

Một trong những không gian làm việc chung đầu tiên của hòn đảo này, Hubud, đã tổ chức Start-up Weekend Bali, một sự kiện kéo dài đến 54 giờ đồng hồ nhằm tạo ra những ý tưởng kinh doanh mạnh mẽ và hoàn thành chúng bằng những kế hoạch phát triển cụ thể.

Không gian làm việc hay là nơi nghỉ dưỡng?

Với hơn 250 thành viên, Hubud là một trong những cộng đồng làm việc chung lớn nhất tại thành phố Ubud, nơi được xem là trung tâm văn hóa của Bali.

Nhìn vào mặt tiền tòa nhà của Hubud, người ta có thể dễ lầm tưởng đó là một biệt thự dành cho nghỉ dưỡng. “Văn phòng” này là một biệt thự rộng rãi, đơn giản với những không gian làm việc mở nhìn ra những cánh đồng lúa bát ngát. Nơi đây có phòng họp, quán cà phê hữu cơ, hồ bơi và đường truyền Internet ổn định.

Theo website của công ty, không gian làm việc chung này giúp cho nhân viên tăng năng suất, lại được có một sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc qua những buổi tập trung căng thẳng lẫn sáng tạo cũng như được nghỉ ngơi sâu và cảm giác phiêu lưu.

“Tôi chưa bao giờ đạt được năng suất như thế này ở bất kì nơi nào khác,” Peter Wall, sáng lập viên của Hubud nói với CNBC. "Có một năng lượng sáng tạo không thể tin được ở đây. Dường như tất cả mọi người đang thực hiện hay tạo ra một điều gì đấy và điều đó có khả năng “lây nhiễm” cao.”

Rất dễ đạt được năng suất ở Bali vì sự trợ giúp lúc nào cũng có sẵn, cho dù đó là “lập nên một doanh nghiệp mới hay cần người giúp các việc thường nhật ở nhà,” Wall cho biết.

Wall chỉ mất 2 phút lái xe scooter đến chỗ làm, qua một khu rừng đầy khỉ, một khoảng thời gian du lịch ngắn ngủi và cũng là một trải nghiệm kì lạ đối với anh.

Chi phí vận hành và chi phí sống thấp hơn

Tổng chi phí vận hành doanh nghiệp và chi phí sống thấp là những yếu tố hấp dẫn khác của môi trường start-up tại Bali.

Theo Nomadlist.com, một công ty chuyên phân tích dữ liệu về chi phí sống tại các thành phố khác nhau trên thế giới, chi phí sống trong một không gian làm việc chung ở Ubud là khoảng 1.060 USD, trong khi để có được chất lượng sống và làm việc tương tự ở West Palm Beach, Florida, phải mất đến 2.533 USD.

"Dù không có người giúp việc nhưng Bali cho phép bạn sống như... vua," Kristina Viderø, giám đốc điều hành của Livit trả lời trong một cuộc phỏng vấn với CNBC.

Với du lịch là nguồn thúc đẩy kinh tế chính của Bali, cơ sở hạ tầng du lịch ở đây hiện rất phát triển, từ các khách sạn, nhà hàng, spa đẳng cấp thế giới đến các quán cà phê hữu cơ, những chuyến đi bộ trong các khu núi lửa và những buổi thư giãn bằng yoga. Điều này khiến cho Bali không những là một điểm đến du lịch tuyệt vời mà còn là nơi lý tưởng cho người nước ngoài đến sinh sống, làm việc và lập ra các doanh nghiệp.

Vị trí chiến lược

Là một hòn đảo của Indonesia, Bali nằm ở một vị trí chiến lược tốt để thu hút các tài năng IT, những nhà khởi nghiệp và đầu từ Jakarta hay Bandung, vốn là những cộng đồng có cơ sở hạ tầng IT và nguồn đầu tư lâu đời hơn. Thị trường rộng lớn của Indonesia cũng mở ra tiềm năng tăng trưởng cho các start-up công nghệ tại Bali. Thậm chí nơi này cũng có thể được sử dụng như một bệ phóng cho họ vào những nơi khác ở châu Á.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng mặc dù Bali có thể là một nơi lý tưởng cho những sáng tạo mới mẻ nhưng nếu các start-up ở đây muốn phát triển hơn thì họ vẫn cần phải khắc phục một số hạn chế.

“Họ cần phải duy trì và thu hút nhiều tài nguyên IT hơn đến Bali, tạo nên những mối quan hệ kinh doanh tốt với các thành phố khác ở Indonesia và quốc tế, cung cấp dịch vụ và hỗ trợ khách hàng cạnh tranh hơn. Về mặt địa lý, Bali là hơi xa xôi so với những thành phố khác. Chi phí đi lại cũng là điều nên được tính đến,” Yanna Dharmasthira, giám đốc nghiên cứu tại Gartner, bày tỏ quan điểm.

“Hòn đảo của các vị thần” này vẫn còn một chặng đường dài phía trước để được gọi là “thung lũng Silicon của châu Á”. Tuy nhiên, nó vẫn là địa điểm tuyệt vời cho các nhà khởi nghiệp ở lĩnh vực kĩ thuật số làm việc, trong một môi trường xinh đẹp, không mang nét thành thị, mà vẫn tiếp cận được với những tiện nghi hiện đại và những xa xỉ nho nhỏ.

Lê Thanh Hải

Cùng chuyên mục
XEM