Khởi nghiệp năm 24 tuổi, 6 năm sau thành tỷ phú tự thân trẻ nhất nước Úc nhờ đại dịch Covid-19

08/12/2020 14:57 PM | Kinh doanh

Đại dịch đã thúc đẩy giá cổ phiếu Afterpay tăng vọt, qua đó giúp Nick Molnar trở thành tỷ phú với khối tài sản 2 tỷ USD.

Nick Molnar, doanh nhân 30 tuổi đến từ Úc được cho là người đã thay đổi thói quen chi tiêu của hàng triệu người thuộc thế hệ Millennials. Việc này giúp anh gia nhập hàng ngũ những người trẻ giàu nhất nước Úc.

Thời điểm hiện tại, khi dịch Covid-19 thúc đẩy hoạt động kinh doanh dịch vụ thanh toán và khiến giá cổ phiếu của công ty do Molnar sáng lập tăng vọt, anh đã trở thành tỷ phú USD ngay trong đại dịch.

Lấy cảm hứng từ khủng hoảng

Molnar là đồng sáng lập và đồng CEO của Afterpay, nền tảng thanh toán "mua trước, trả sau" cho phép người dùng giảm bớt chi phí mua hàng qua các khoản trả góp, không tính lãi.

Năm nay, startup 6 năm tuổi này đã trở thành một trong những công ty "nóng" nhất của Úc với lượng người dùng tăng gấp đôi lên 11,2 triệu, phần lớn là nhờ việc đại dịch thúc đẩy thói quen chi tiêu mới.

Nhưng việc Molnar thành lập Afterpay với người hàng xóm của mình, Anthony Eisen - một nhân viên đầu tư hơn anh 18 tuổi, lại là kết quả của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Khởi nghiệp năm 24 tuổi, 6 năm sau thành tỷ phú tự thân trẻ nhất nước Úc nhờ đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Nick Molnar (bên trái) và Anthony Eisen.

Sản phẩm thanh toán cho thế hệ trẻ

Molnar, khi đó là sinh viên thương mại tại Đại học Sydney, nhận thấy rằng thói quen chi tiêu của giới trẻ đang thay đổi. Họ bắt đầu hoài nghi về các sản phẩm tài chính truyền thống, ví dụ như thẻ tín dụng và cho rằng nó có thể dẫn đến việc các khoản nợ tăng lên.

Tỷ phú 30 tuổi nhớ lại: "Bạn chứng kiến cha mẹ, họ hàng mất việc làm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng. Tôi thích chi tiêu bằng thẻ ghi nợ hơn thẻ tín dụng. Nhiều người đã gặp rắc rối với thẻ tín dụng của họ".

Do đó, Molnar và Eisen quyết định đưa ra một giải pháp thanh toán thay thế mới, thân thiện với thế hệ Millennials. Theo mô hình "mua trước, trả sau" của Afterpay, người mua hàng có thể chia đều chi phí mua hàng (lên đến 1.115 USD) thành 4 lần trả góp bằng nhau, trong khi các nhà bán lẻ tham gia trả một khoản hoa hồng nhỏ - khoảng 4% đến 6% đối với mỗi lần bán hàng. Nếu người dùng không thanh toán đúng hạn, họ sẽ bị chặn sử dụng dịch vụ cho đến khi trả hết toàn bộ khoản còn nợ.

Khởi nghiệp năm 24 tuổi, 6 năm sau thành tỷ phú tự thân trẻ nhất nước Úc nhờ đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Dịch vụ mua trước trả sau của Afterpay được nhiều người ưa chuộng vì không tính lãi.

Giành được sự ủng hộ của người nổi tiếng

Sau khi ra mắt vào cuối năm 2014, hoạt động kinh doanh của Afterpay đã tăng trưởng nhanh chóng. Người tiêu dùng eo hẹp về tiền mặt rất ưa chuộng mô hình trả góp bằng nhau này, trong khi các nhà bán lẻ, những người muốn tăng doanh số bán hàng, rất sẵn lòng trả một khoản phí nhỏ để xuất hiện trên nền tảng của Afterpay.

2 năm sau, Afterpay tiến hành IPO tại Úc và huy động được gần 18 triệu USD. Tuy nhiên, việc kinh doanh chỉ thực sự phát triển ở phạm vi quốc tế sau khi công ty ra mắt dịch vụ tại Mỹ năm 2018 và được ngôi sao truyền hình thực tế Kim Kardashian giới thiệu trên Twitter.

Được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ đại dịch

Trong giai đoạn áp đặt lệnh phong tỏa để hạn chế sự lây lan của Covid-19, các giao dịch thẻ tín dụng tại Mỹ đã giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Giao dịch bằng thẻ ghi nợ cũng sụt giảm nhưng đã phục hồi nhanh chóng vào tháng 5, khi người tiêu dùng bắt đầu mua sắm các mặt hàng bán lẻ và cải thiện nhà cửa trong thời gian phải ở nhà.

Sau khi giảm xuống còn 5,9 USD/cổ phiếu vào tháng 3/2020, giá cổ phiếu Afteroay đã tăng 1.300% lên mức 78 USD/cổ phiếu vào tháng 11. Tháng 5 năm nay, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent đã chi hơn 200 triệu USD cho 5% cổ phần của Afterpay.

Điều đó đã khiến Afterpay trở thành một trong những cổ phiếu "nóng" nhất ở Úc đồng thời đưa 2 nhà sáng lập (mỗi người sở hữu 7% cổ phần công ty) trở thành tỷ phú với khối tài sản khoảng 2 tỷ USD mỗi người.

Tuy phát triển nhanh chóng nhưng Afterpay bị các nhà phân tích cho rằng công ty đang khuyến khích tiêu dùng quá mức và không bền vững. Về phần mình, Molnar cho biết Afterpay hiện đang thảo luận với các nhà quản lý về những lo ngại như vậy. Năm 2020, Afterpay nói rằng 90% giao dịch của họ được thanh toán đúng hạn.

Kế hoạch mở rộng toàn cầu

Ngay cả khi ngành tiếp tục phát triển vượt bậc, Afterpay vẫn chưa thu được lợi nhuận. Năm 2020, doanh thu của công ty tăng gấp đôi lên 382 triệu USD và khoản lỗ gần như giảm một nửa, xuống còn 16,8 triệu USD.

Afterpay đang đặt mục tiêu phát triển hơn nữa tại các thị trường trọng tâm như Mỹ, Anh và một số quốc gia châu Âu khác. Molnar cho biết tại Mỹ, công ty đã xử lý khối lượng giao dịch trị giá hơn 4 tỷ USD trong năm qua. Tuy nhiên, đó mới chỉ là năm thứ 2 họ đạt được con số đó.

Kế hoạch sắp tới của Molnar là chuyển đến Mỹ để mở rộng quy mô của Afterpay trong khi Eisen sẽ tiếp tục điều hành việc kinh doanh tại Úc.

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM