Khóc cười chuyện đổi đầu số di động

04/10/2018 11:00 AM | Xã hội

Việc đổi số điện thoại di động từ 11 số xuống 10 số dù được chuẩn bị từ lâu nhưng vẫn phát sinh nhiều tình huống khó lường.

Loạn danh bạ, thay danh thiếp, sửa biển bảng

Bà Đào Thị Phán trú tại xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa, Bắc Giang) sử dụng số thuê bao 0168.891.9xxx gần đây liên tục nhận được các cuộc gọi từ nhiều số lạ. Thế nhưng, sau một lúc nói chuyện, bà mới ngã ngửa vì là số của người thân, thậm chí là số của con mình. “Tôi đã ngoài 60 tuổi, không thành thạo về sử dụng điện thoại, giờ nhà mạng đổi số nên chẳng nhận ra ai. Hôm con tôi gọi về từ số mới, nói chuyện một lúc mẹ con mới nhận ra nhau. Nhiều ông bà cùng độ tuổi tôi trong làng cũng gặp phải phiền toái như tôi khi đổi số điện thoại di động ”, bà Phán chia sẻ và cho biết đang phải nhờ hàng xóm tìm và lưu lại các số mới trong danh bạ.

Là nhân viên kinh doanh của một hãng ô tô lớn tại Hà Đông, anh Nguyễn Đăng Huy cũng thấy phát sinh bất cập: “Nhiều đầu mối liên hệ công việc, làm ăn bị đổi số nhưng giờ chưa lưu lại khiến tôi rất bỡ ngỡ, thậm chí không nghe máy vì hiện số lạ. Nhiều khách hàng của tôi cho biết, họ phải mất thời gian đi bổ sung thông tin ngân hàng, bảo hiểm...”.

Việc thay đổi danh bạ, kê khai số điện thoại với ngân hàng, bảo hiểm đã được các nhà mạng lường trước nhưng nhiều sự phát sinh, tốn kém của người dùng (số lượng phải thay đổi lên đến 60 triệu thuê bao), nhà mạng chưa lường hết.

Ông Thế Trung, giám đốc một Cty quảng cáo tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cho hay: Cty có nhiều biển quảng cáo, danh thiếp của doanh nghiệp (có in số di động 11 số chưa kịp giao) nay đổi số phải bỏ đi làm lại, tốn kém cho cả Cty của ông Trung và khách hàng hàng chục triệu.

Giới kinh doanh sim “vở bở”

Là nhân viên của một Cty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Viễn thông tại Thanh Xuân, anh Hải Minh chia sẻ, từ giữa tháng 9 đến nay, khi các thuê bao di động được chuyển đổi từ 11 về 10 số, công việc của anh thuận lợi hơn rất nhiều. Ngày trước nhiều người làm kinh doanh phải chấp nhận bỏ ra khoản tiền lớn để mua những SIM đầu số “cổ” như: 0912.., 0913... (Vina), 0903... (Mobi), 0968…(Viettel) để thuận lợi cho việc bán hàng thì bây giờ khách hàng dễ dàng mua được những thuê bao 10 số đẹp với mức giá phải chăng.

Với thâm niên kinh doanh sim số 5 năm qua, đây là thời điểm làm ăn phát đạt nhất của anh Trần Bảo Nam (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Do nắm bắt được quy trình chuyển đổi đầu số di động của các nhà mạng nên anh Nam đã gom rất nhiều số điện thoại để bung ra đúng thời điểm chuyển đổi từ 11 về 10 số. Theo anh Nam, có những số ngày trước rất khó bán nhưng khi chuyển về 10 số lại hoàn toàn khác. Nhiều thuê bao đã tăng 50, 60% thậm chí 100 %, giúp người kinh doanh thu về hàng chục, hay hàng trăm triệu đồng. “Chẳng hạn, hai 2 số điện thoại của tôi khi chưa chuyển đổi là 0168.488.8666 và 0127.333.6789 chỉ có mức giá tầm 40 triệu, nhưng khi đổi thành 038.488.8666 và 081.333.6789 thì phải trên dưới 100 triệu đồng tôi mới bán” - anh Nam nói.

Anh Hồ Hải (TP Vinh, Nghệ An), một chuyên gia sim số đang rao bán thuê bao 037.50.77777 mức giá 150 triệu đồng. Lý giải cho điều này, nhà kinh doanh trên cho hay: “Tâm lý sử dụng thuê bao 10 số ảnh hưởng nhiều đến giá trị của những thuê bao di động. Ngoài ra, với đầu số 0167 khi chuyển sẽ đổi về 037, những thuê bao này sẽ rất hút những khách hàng người Nghệ An, vì khi đó nó cùng với mã tỉnh của họ. Tương tự như 034, 035, 036, 038 hay 039” - anh Hải phân tích.

Thực hiện khảo sát một số đại lý sim trên phố Lương Thế Vinh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) hầu hết các thuê bao dù mới được chuyển đổi về 10 số nhưng sở hữu những dãy số tam hoa, tứ quý, số dễ nhớ, số lặp…. được “thổi giá” lên từ 30 - 50% so với trước.

Phiền toái

Bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM cho rằng, việc chuyển đổi từ 11 số thành 10 số là việc cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà quản lý không mong muốn vì tất cả các bên đều chịu sức ép, thiệt hại về công sức, tiền bạc. Với người tiêu dùng, bà Thu cho biết, nhìn chung, người muốn sở hữu số di động 10 số hơn 11 số, nhưng đúng là nhiều người chịu phiền toái. “Qua sự việc này, các doanh nghiệp viễn thông và các cơ quan quản lý nhà nước nên rút kinh nghiệm để hạn chế tối đa việc thay đổi đầu số điện thoại” - bà Thu nói.

Luật sư Trần Văn Sơn (Cty Luật Minh Anh, Hà Nội) cho hay: Lý do thay đổi đầu số là do cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp viễn thông đưa ra nhưng đều mang cho khách hàng sự phiền toái. Luật sư Sơn cho rằng, việc ban hành một quyết định cần phải xem xét rõ những ảnh hưởng, tác động đến những chủ thể, cần khảo sát, đánh giá khoa học để cân đo giữa những thiệt hại và lợi ích có thể phát sinh từ quyết định đó. “Xa hơn nữa, những quyết định, chính sách này phải được xây dựng với một tầm nhìn dài hạn”.

Theo Võ Hóa - Nguyễn Thắng

Cùng chuyên mục
XEM