Khoa học khẳng định thế giới của những người ăn chay khỏe mạnh, thú vị và giàu có hơn

11/04/2016 00:02 AM | Sống

"Những thứ chúng ta ăn có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cá nhân và môi trường toàn cầu,"

Theo nhiều nghiên cứu, chỉ bằng việc cắt giảm lượng thịt đỏ và tăng thêm lượng rau quả trong chế độ ăn uống hàng ngày, tính đến năm 2050 thế giới có thể ngăn chặn được vài triệu cái chết mỗi năm, giảm thiểu đáng kể lượng khí thải đang làm nóng trái đất, và tiết kiệm được hàng tỉ USD mỗi năm trong chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe và biến đổi khí hậu.

Một nghiên cứu mới được xuất bản trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ, cũng là nghiên cứu đầu tiên đánh giá những tác động của sức khỏe và biến đổi khí hậu nếu người dân trên toàn thế giới chuyển sang một chế độ ăn uống chỉ dựa vào thực vật.

Những chế độ ăn uống không cân bằng là nguyên nhân chính gây ra những áp lực lớn lên sức khỏe con người trên toàn thế giới, đồng thời hệ thống sản xuất thực phẩm hiện nay đang chịu trách nhiệm cho hơn 1/4 lượng khí thải nhà kính toàn cầu, theo Tiến sĩ Marco Springman từ Chương trình Martin Oxford về Tương lai của Thực phẩm tại Đại học Oxford (Anh).

"Những thứ chúng ta ăn có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cá nhân và môi trường toàn cầu," ông cho biết.

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford đã phân loại tác động của 4 chế độ ăn uống tính đến giữa thế kỷ 21: chế độ 'thông thường'; chế độ tuân theo hướng dẫn dinh dưỡng toàn cầu bao gồm đảm bảo lượng rau quả tối thiểu và hạn mức thịt đỏ cho phép, tính toán lượng đường và tổng lượng calories; chế độ ăn chay bán phần (vegetarian); và chế độ ăn thuần chay (vegan).

Việc áp dụng chế độ ăn uống tuân theo những hướng dẫn toàn cầu trên có thể giảm thiểu 5.1 triệu ca tử vong mỗi năm, tính đến năm 2050, trong khi con số đó sẽ là 8.1 triệu người nếu chúng ta sống trong một thế giới thuần chay.

Xét về khía cạnh biến đổi khí hậu, việc tuân thủ những khuyến cáo về dinh dưỡng như trên có thể cắt giảm lượng khí thải liên quan đến thực phẩm tới 29%, con số này đối với chế độ ăn chay bán phần là 63% và chế độ thuần chay là 70%.

Việc thay đổi chế độ ăn uống có thể tiết kiệm từ 700- 1000 tỉ USD hàng năm trong chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe, đồng thời lợi ích kinh tế của việc giảm thiểu khí thải hiệu ứng nhà kính có thể lên tới 570 tỉ USD, nghiên cứu cho biết.

Những khác biệt vùng miền

Các nhà nghiên cứu tìm ra rằng 3/4 trong số những lợi ích trên có thể xảy ra tại các nước đang phát triển, mặc dù hiệu ứng của việc thay đổi chế độ ăn uống tính trên đầu người sẽ thể hiện rõ rệt nhất tại các nước phát triển, nguyên nhân là lượng tiêu thụ thịt đỏ cũng như tỉ lệ béo phì cao hơn.

Giá trị kinh tế của việc cải thiện sức khỏe có thể ngang bằng, thậm chí còn lớn hơn, giá trị của những tổn hại có thể tránh được từ hiện tượng biến đổi khí hậu, các nhà nghiên cứu cho biết thêm.

"Giá trị của những ích lợi này nhằm thúc đẩy gia tăng chi tiêu công và tư cho các chương trình nhằm mục đích xây dựng những chế độ ăn uống lành mạnh và thân thiện với môi trường hơn."

Nghiên cứu đã xem xét những khác biệt có tính vùng miền được sử dụng nhằm nhận biết những can thiệp phù hợp nhất đối với việc sản xuất và tiêu thụ thực phẩm, Springmann nói.

Ví dụ, việc cắt giảm lượng tiêu thụ thịt đỏ có thể tạo ảnh hưởng rõ rệt nhất trong khu vực Đông Nam Á, phương Tây và Mỹ La Tinh, trong khi việc tăng lượng tiêu thụ rau quả được xem là nhân tố hiệu quả nhất trong việc giảm thiểu tỉ lệ tử vong ở khu vực Nam Á và châu Phi cận Sahara.

Theo nghiên cứu, việc giảm thiểu lượng calorie sẽ dẫn tới tỉ lệ người thừa cân giảm, điều này có thể đóng vai trò chủ chốt trong việc cải thiện các vấn đề về sức khỏe ở các quốc gia trong khu vực Đông Địa Trung Hải, Mỹ Latinh và phương Tây.

Tuy nhiên để thực hiện điều này là không dễ dàng. Để đạt được một chế độ ăn uống tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo trên đòi hỏi phải tăng thêm 25% lượng rau quả và cắt giảm 56% lượng thịt đỏ trong khẩu phần ăn trên toàn thế giới.

Nhìn chung con người sẽ phải cắt giảm 15% lượng calories tiêu thụ.

"Chúng tôi không kỳ vọng cả thế giới sẽ trở thành những người thuần chay", Springmann nói thêm. "Nhưng những biến đổi khí hậu hiện đang ảnh hưởng tới hệ thống thực phẩm khó mà giải quyết được chỉ với những tiến bộ trong công nghệ. Việc áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh và thân thiện với môi trường hơn có thể sẽ là một bước tiến đúng đắn."

Phong Linh

Cùng chuyên mục
XEM