Khó khăn nghiêm trọng của những gã khổng lồ công nghệ ở Thung lũng Silicon: 'Nhiều công ty sắp bốc hơi'

07/06/2022 15:09 PM | Công nghệ

Chúng ta sắp chứng kiến ​​một cuộc tuyển chọn giữa các anh hùng.

Trong hơn 20 năm qua, những bộ óc sáng giá nhất ở Mỹ đã đi về hướng Tây, tiến tới khu vùng vịnh San Francisco để tìm kiếm cơ hội biến các ý tưởng thành hiện thực ở Thung lũng Silicon.

Và không chỉ để đạt được sự giàu có, đây cũng là cơ hội để giải quyết các vấn đề cấp bách và tạo ra những thứ chúng ta có thể sử dụng ngày nay. Và tất cả những gì họ cần là có đủ tiền để đầu tư cho những bộ óc thiên tài, để có thể phát triển các công nghệ phù hợp nhằm tạo ra giải pháp cho mọi thứ, từ tính di động đến biến đổi khí hậu hay sự bất bình đẳng. Và làn sóng này đã tạo ra những tỷ phú mới, những gã khổng lồ công nghệ, những người đã thu hút các nhà đầu tư và công chúng với những hứa hẹn về một ngày mai tốt đẹp hơn.

Nhưng giờ đây, những thiên tài công nghệ được ca tụng này đang chứng kiến đế chế của họ sụp đổ, khi làn gió kinh tế xoay chiều. Lãi suất đang tăng lên, và rõ ràng là một loạt các công ty công nghệ sẽ không thể tồn tại nếu không có tiền. Sự bất lực của Thung lũng Silicon trong việc vượt qua sự thay đổi không thể tránh khỏi này vừa là một sự thất vọng, vừa là một điều kỳ diệu. Trước đây, chúng ta đã từng chứng kiến một bong bóng công nghệ xuất hiện và nổ tung, vào giữa cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, nhưng điều khiến sự kiện lần này trở nên khác biệt là quy mô tuyệt đối của sự tàn phá, thứ mà nó sẽ để lại sau khi mọi chuyện xảy ra.

Jim Chanos, sáng lập Kynikos Associates, người đã tạo dựng tên tuổi cho công ty bán khống của mình, đã nói rằng những công ty lớn hơn có thể sẽ sụp đổ.

"Vào đầu năm 2000, đó là các công ty trị giá 2 tỷ đến 3 tỷ USD ra đi. Nhưng trong vòng quay mới này sẽ là các công ty trị giá 20 tỷ đến 30 tỷ USD", Chanos nói. "Tôi nghĩ rằng rất nhiều công ty sẽ bị bốc hơi. Rất nhiều trong số đó sẽ về 0."

Trong vài thập kỷ qua, các nhà sáng tạo của Thung lũng Silicon nói rằng tiền chỉ là nhiên liệu cho sự đổi mới của họ. Nhưng những gì thị trường đang cho chúng ta thấy bây giờ đó là việc tiền cũng là động cơ, là thuyền trưởng và là đích đến. Trong vài năm tới, nhiều đổi mới về công nghệ từng là điểm nhấn của chu kỳ thị trường này sẽ đơn giản là biến mất. Và hãy coi đây là một sự kiện ở cấp độ tuyệt chủng.

Quá khứ ngọt ngào

Cùng quay trở trở lại năm 2012. Đó là thời điểm tuyệt vời cho công nghệ. Facebook (nay là Meta) đã IPO và đạt 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới. Facebook và Twitter nhanh chóng trở thành những công cụ quan trọng của mọi người trên khắp thế giới, để trao đổi, làm việc, chia sẻ và đấu tranh. Lời hứa kết nối thế giới của Mark Zuckerberg dường như không bị đe dọa. Elon Musk lúc đó đang thu thập những khoản trợ cấp khổng lồ của chính phủ để bắt đầu cuộc cách mạng ô tô điện. Uber và Lyft đang bắt đầu một cuộc cạnh tranh để xem ai có thể đưa chúng ta di chuyển với mức giá rẻ nhất. Tiền điện tử dường như là một món đồ chơi thú vị. Những người nổi tiếng thì mải mê tweet về những gì họ đã ăn trong bữa trưa.

Tất cả sự nhiệt tình nói trên được thúc đẩy bởi một nền kinh tế được thiết lập để hỗ trợ các công ty đang phát triển nhanh chóng của Thung lũng Silicon. Cuộc khủng hoảng năm 2008 đã ở lại phía sau, và các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang tập trung vào việc đảm bảo có đủ tiền mặt để đưa đi khắp nơi. Họ giữ lãi suất bằng 0 để các công ty dễ dàng vay nợ. Tiền đang đổ vào thị trường chứng khoán và những hứa hẹn của Thung lũng Silicon không chỉ thu hút các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận tích cực, mà cả một xã hội đang tìm cách thoát khỏi thảm họa kinh tế.

Khó khăn nghiêm trọng của những gã khổng lồ công nghệ ở Thung lũng Silicon: Nhiều công ty sắp bốc hơi - Ảnh 1.

Mười năm sau, thế giới của chúng ta đã khác đi quá nhiều. Chúng ta bắt đầu tự hỏi liệu chúng ta có hơi "quá kết nối" không. Phương tiện truyền thông xã hội đã được sử dụng để làm hỏng các cuộc bầu cử, đầu độc các mối quan hệ và lên kế hoạch cho một cuộc nổi dậy. Không một ai - khách hàng, tài xế hay thậm chí cả các công ty - dường như đã đi trước trong cuộc chiến gọi xe công nghệ. Tiền điện tử đã trở thành một tôn giáo. Elon Musk thì không ngừng viết tweet.

Trong khi vầng hào quang xung quanh những lời hứa cung cấp lợi ích xã hội của Thung lũng Silicon đã dần mờ nhạt, thì giờ đây, lời hứa cung cấp lợi nhuận tài chính của nó cũng bắt đầu khô héo. Những mức lãi suất thấp khiến các công ty khởi nghiệp và công ty công nghệ có tốc độ tăng trưởng cao và trông đầy hấp dẫn đã không còn nữa. Những cơn đau đầu đang xuất hiện với các công ty công nghệ ở mọi thời điểm của vòng đời. Các công ty khởi nghiệp bắt đầu soạn thảo các bản ghi nhớ, cảnh báo những người sáng lập cần lên kế hoạch cho "điều tồi tệ nhất". Các công ty đầu tư mạo hiểm lớn, chẳng hạn như SoftBank, có kế hoạch cắt giảm một nửa hoặc nhiều hơn các khoản đầu tư. Mức lương tại các công ty lớn nhất thế giới - Roku, Pinterest, Uber - trông hoàn toàn không bền vững, khi thị trường chứng khoán suy sụp.

Đây là thời điểm mà mọi lời bàn tán về lợi ích xã hội bốc hơi, và các nhà đầu tư dần chấp nhận sự thật rằng các mô hình kinh doanh của Thung lũng SIlicon không được hỗ trợ bởi các thiên tài công nghệ, mà chủ yếu là do sự cường điệu. Đó cũng là tình huống tương tự khi bong bóng cuối cùng tan vỡ. Một số khái niệm vốn từng là phép thuật đối với các nhà đầu tư, trước đây là bất cứ thứ gì miễn là có ".com" đi kèm với nó, còn trong chu kỳ này là "blockchain", "máy học", "AI", "thuật toán".

"Đó là điểm chung lớn nhất ở đây, các kế hoạch kinh doanh được tài trợ mà không có ý nghĩa gì. Và mọi người ném tiền vào bất cứ thứ gì có công nghệ trong đó", Chanos nói.

Giờ đây, sự sụp đổ đã đến. Chỉ có tiền mặt và một bảng cân đối kế toán sạch sẽ mới cứu được công ty của bạn, chứ không phải là các phần mềm tuyệt vời, không phải blockchain, không phải các CEO thích mặc áo cổ lọ một màu. Thật không may, những nguyên tắc kinh doanh cơ bản đó lại không phải là những gì Thung lũng Silicon đã được xây dựng trong 10 năm qua.

Nếu tài chính không hoạt động, đừng sử dụng chúng

Một người sáng lập công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon, người có mối liên hệ với công cụ tăng tốc khởi nghiệp Y Combinator, nói rằng trong thế giới của họ, việc thảo luận về các số liệu tài chính của một công ty công nghệ từng luôn là một góc nhìn tồi tệ. Nó giống như việc hỏi một người phụ nữ xem cô ấy có đang mang thai hay không, hoặc hỏi một người dân New York xem tòa nhà Empire State ở đâu. Nó chứng tỏ rằng bạn không đến từ Thung lũng Silicon và bạn không hiểu giá trị được đo lường ở đó như thế nào.

“Bạn trông như kẻ ngoại lai nếu không thể nhìn thấy bức tranh lớn ở phía sau và thay vào đó tập trung vào một thứ ngớ ngẩn như doanh thu”, người này chia sẻ. Theo nhà sáng lập này, tiêu chuẩn phản bác lại các câu hỏi về khả năng sinh lời trong khoảng một thập kỷ qua là: "Amazon đã không có lãi trong nhiều thập kỷ ... bla bla bla."

Rõ ràng, chiến lược này hoạt động hiệu quả khi thị trường tài chính tràn ngập tiền mặt, giá tài sản tăng và khách hàng mới vẫn đổ vào không ngừng. Nhưng điều đó không còn xảy ra nữa, vì vậy, CEO của các công ty kinh doanh thua lỗ lâu năm đang tìm ra tôn chỉ của sự bền vững.

Dara Khosrowshahi của Uber nói với các nhân viên rằng họ sẽ cắt giảm chi phí và tuyển dụng trong một nỗ lực để giữ chân các nhà đầu tư và "cho họ thấy tiền". Snapchat - công ty mới chỉ công bố lợi nhuận hàng quý một lần trong vòng 10 năm của mình - đã khiến cổ phiếu công nghệ tụt dốc vào tuần trước, sau khi đưa ra cảnh báo về việc bán hàng yếu kém và thông báo việc tuyển dụng chậm lại. Coinbase - sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất của Mỹ - đã phải nói với các nhà đầu tư rằng nó không có nguy cơ phá sản… nhưng nếu nó phá sản, khách hàng của nó có thể mất tất cả tài sản của họ.

Ngay cả Tesla, công ty xe điện 20 năm tuổi, cũng đang bị hút vào vòng xoay này. Công ty của Musk cuối cùng đã bắt đầu kiếm được lợi nhuận vào năm 2020, nhưng ngay cả những người hâm mộ lớn nhất của nó ở Phố Wall cũng đang bắt đầu cảnh giác khi các vấn đề xuất hiện chồng chất: sự cạnh tranh mới từ các nhà sản xuất ô tô lớn, các vấn đề ở Trung Quốc, nỗ lực kỳ lạ của Musk để chiếm lấy Twitter. Theo Chanos, người đã công khai bán khống cổ phiếu trong nhiều năm, gọi Tesla là "America Online, Cisco của chu kỳ này". Đó là các công ty có giá cổ phiếu tăng thẳng đứng trong chu kỳ trước, nhưng sau đó nó đã nhanh chóng cắm đầu xuống đáy.

Khó khăn nghiêm trọng của những gã khổng lồ công nghệ ở Thung lũng Silicon: Nhiều công ty sắp bốc hơi - Ảnh 2.

Trong hai thập kỷ qua, thị trường đã khen thưởng cho việc tăng trưởng nhờ sự ổn định và các công ty công nghệ đã tận dụng lợi thế tốt nhất của họ. Và khi họ không thể chứng minh rằng doanh nghiệp của họ có lãi bằng cách sử dụng các thước đo tài chính truyền thống, vì thế thay vào đó, họ đã đưa ra các thước đo của riêng mình. Nổi tiếng nhất trong số này là WeWork, công ty đã đưa ra một chỉ số giả mạo nhằm mục đích gây kinh ngạc cho các nhà đầu tư. Uber có các chỉ số của riêng mình, cũng như tất cả các nền tảng mạng xã hội đều tập trung nhấn mạnh sự phát triển của người dùng.

Francine McKenna, giáo sư kế toán tại Trường Kinh doanh Wharton của Đại học Pennsylvania, nói rằng tất cả các chỉ số này đều là nội bộ, và có thể có hoặc không có bất kỳ liên quan nào đến hoạt động tài chính.

"Chúng được coi là một dạng 'chén thánh', nhưng hoàn toàn không thể tin được", cô nói. "Nếu bạn đang mua một công ty dựa trên một số liệu mà nó tự tạo ra, giống như chỉ số người dùng hoạt động hàng ngày, thì bạn hoàn toàn là một tên ngốc."

Những gã khổng lồ công nghệ này đã không chỉ mê hoặc các nhà đầu tư bằng những lời hứa chứa đầy biệt ngữ về tương lai, họ còn mê hoặc chính nhân viên của mình. Bằng cách trả tiền cho nhân viên bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt, các công ty công nghệ đã đền bù cho người lao động bằng một lời hứa rằng họ đang xây dựng một thứ gì đó tuyệt vời, một thứ gì đó có lãi. Tuy nhiên, ẩn sau đó là nhiều bí mật, hơn là sự thiện chí. Việc trả thưởng dựa trên cổ phiếu giúp chi phí lao động không chạm vào lợi nhuận của công ty, biến lỗ thành lãi trên giấy tờ. Thung lũng Silicon đã đặc biệt sử dụng tích cực công cụ tiện lợi này trong chu kỳ phát triển vừa qua. Các công ty như Tesla, Twitter và Square đã sử dụng nó để tạo ra hiệu quả đáng kể trong nhiều năm. Và mặc dù thủ thuật nằm ngoài GAAP (các nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung), miễn là các công ty tiết lộ rằng họ đang thực hiện nó trong một phần hồ sơ tài chính được gắn nhãn không phải GAAP, thì tất cả đều ổn và hoàn toàn hợp pháp. Nhưng vấn đề đối với cả các công ty và nhân viên khi dựa vào những cổ phiếu đó là việc thay vì trở nên có giá trị, chúng có thể giảm giá.

“Bạn trả công bằng vốn chủ sở hữu một cách hào phóng cho mọi người và đó không phải là một khoản chi phí cho đến khi giá cổ phiếu của bạn sụp đổ”, Chanos nói. "Sau đó hoặc bạn phải phát hành một triệu cổ phiếu hoặc bạn phải trả cho mọi người bằng tiền mặt."

Nhưng tiền mặt là thứ mà nhiều công ty trong số này không có, và việc phát hành cổ phiếu mới sẽ chỉ giúp đẩy giá cổ phiếu xuống thêm. Đối với Chanos, giá các cổ phiếu công nghệ đã giảm trong năm nay, nhưng chúng vẫn chưa giảm tới mức phản ánh chính xác các chỉ số tài chính thực sự của chúng.

Khó khăn nghiêm trọng của những gã khổng lồ công nghệ ở Thung lũng Silicon: Nhiều công ty sắp bốc hơi - Ảnh 3.

Những "vị thần" lười biếng

Thị trường càng sụt giảm lâu, càng khó chấp nhận câu chuyện rằng việc tiếp tục đổ thêm tiền vào Thung lũng Silicon cuối cùng sẽ dẫn đến các giải pháp. Lấy ví dụ, các công ty trong lĩnh vực thanh toán trước trả tiền sau như Klarna và Affirm. Họ đã hứa hẹn rằng phép thuật trong thuật toán có thể dự đoán ai có thể trả tiền một cách đáng tin cậy cho cái gì và khi nào (đây cũng là câu hỏi quan trọng nhất trong lĩnh vực tài chính), từ đó giúp người tiêu dùng nhận được hàng hóa họ cần trong khi vẫn giữ cho các công ty không bỏ lỡ các khoản thanh toán. Nghe thật kỳ diệu, nó đã biến một số công ty này thành những con kỳ lân công nghệ. Tuy nhiên, hiện một số công ty này đang sa thải công nhân hàng loạt, và định giá của họ đã giảm đi một phần ba do thị trường chỉ ra rằng thứ phép thuật đó không tạo ra lợi nhuận.

Trong khi đó, tiền điện tử và những người ủng hộ nó lớn nhất trong giới đầu tư mạo hiểm, vẫn đang tìm kiếm một vấn đề cần giải quyết. Tiền điện tử là một sự lãng phí vốn đáng kinh ngạc và bằng chứng rõ ràng nhất về việc rất nhiều tiền trong lĩnh vực công nghệ đã không thể tìm ra những ý tưởng hữu ích để theo đuổi. Nó đã chứng minh rằng đây không phải là một kho lưu trữ giá trị an toàn và cũng không phải là một mạng lưới thanh toán khả thi.

Facebook (hay Meta hiện nay), công ty được hình thành trong một căn phòng ký túc xá ở Harvard hiện được xem như một lò đốt tiền khổng lồ. Trong suốt nhiều năm dài, nó đã sống dựa vào việc mua lại và bắt chước, thay vì đổi mới. Và giờ, CEO Zuckerberg đã quyết định đặt cược công ty của mình vào một khái niệm khoa học viễn tưởng mới ra lò được gọi là metaverse. Có rất ít bằng chứng cho thấy đây là thứ thế giới đang mong chờ và cũng không nhiều người rõ ràng về những vấn đề mà công nghệ này sẽ thực sự giải quyết.

Chúng tôi đã có các công ty khởi nghiệp về xe bay, dịch vụ giao hàng tạp hóa cực nhanh và những chuyến đi tới vũ trụ dành cho người giàu. Nhưng có vẻ như đó không phải là sự thay đổi mà giới công nghệ đã hứa hẹn. Đây là những ý tưởng lớn, không nghi ngờ gì nữa, nhưng chúng không tạo nên một cuộc cách mạng, và giải quyết những vấn đề từng được hứa hẹn.

Và có một cái giá phải trả cho tất cả những gì dư thừa này. Chúng ta kết nối với nhau hơn bao giờ hết, nhưng lại chia rẽ hơn bao giờ hết. Bất bình đẳng vẫn đang gia tăng, cuộc khủng hoảng nhà ở ngày càng trầm trọng hơn, cuộc khủng hoảng khí hậu đang hoành hành.

Chúng ta đã cho các "vị thần công nghệ" 20 năm vốn liếng để giải quyết những vấn đề này, nhưng thậm chí họ còn còn không thể tiến gần đến phần da lông của vấn đề. Sẽ có những vị thần mới - thị trường không thể không tạo ra họ - và hãy hy vọng đây sẽ là những người có thể cung cấp giải pháp thực sự cho các vấn đề trong cuộc sống của chúng ta, hơn là một đội ngũ của những người chỉ biết chạy theo các xu hướng sắp kết thúc.

Tham khảo BI

Theo Bảo Nam

Cùng chuyên mục
XEM