Khi “tiền bạc không là hạnh phúc” và ý nghĩa sau sự miệt mài lao động của hội người giàu: Sếp Vượng muốn giúp ích cho đời, Chủ tịch Hoà Phát nghĩ đơn giản là làm tốt việc của mình

11/12/2021 14:54 PM | Sống

Hóa ra, tiền bạc không phải là mục tiêu theo đuổi trọn đời của những ông lớn này.

Có bao giờ bạn tự hỏi: Tiền bạc là gì mà bao kẻ sống chết theo đuổi ?

Trên thực tế trong thời buổi kinh tế hiện nay, tiền chính là chiếc chìa khóa vạn năng. Nhu cầu vật chất tăng lên thì đồng tiền cũng ngày càng có giá trị. Bên cạnh đó, tiền không chỉ quyết định vật chất mà còn chi phối cả cảm xúc của con người. Nhận thức được tầm quan trọng của đồng tiền, ai trong chúng ta cũng đều ra sức kiếm tiền để phục vụ cho nhu cầu vật chất và nâng cấp đời sống của mình.

Người nghèo khao khát tiền là điều dễ hiểu, cũng bởi thế mà họ nỗ lực để có nhiều tiền. Vậy những người giàu, họ nghĩ gì về tiền – thứ họ có nhiều và rất nhiều? Tiền với họ liệu có mang lại hạnh phúc như chúng ta vẫn thường nghĩ ?

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng : "Mục tiêu cuối cùng là làm được cái gì đó cho đời"

Chủ tịch tập đoàn Vingroup - Phạm Nhật Vượng nổi tiếng là một trong những người giàu có nhất Việt Nam và là một trong những tỷ phú nổi bật trên thế giới.

Người ta ước tính số tiền mà tỷ phú này kiếm được trong 1 phút tương đương với số tiền một người dân Việt Nam làm việc cả đời. Đây thực sự là ước mơ lớn lao của bao nhiêu người nhưng với vị chủ tịch Vingroup, tiền không phải là thứ ông theo đuổi.

Khi “tiền bạc không là hạnh phúc” và ý nghĩa sau sự miệt mài lao động của hội người giàu: Sếp Vượng muốn giúp ích cho đời, Chủ tịch Hoà Phát nghĩ đơn giản là làm tốt việc của mình - Ảnh 1.

Ông từng khảng khái chia sẻ: "Tôi không quan tâm đến chuyện lọt top 500 người giàu nhất trên thế giới." Mong muốn của ông khi điều hành tập đoàn khổng lồ Vingroup chính là"xây dựng được một thương hiệu Việt Nam có đẳng cấp và nổi tiếng trên thế giới, giúp con cháu sau này có thể tự hào về đất nước, về dân tộc của mình và qua đó truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ."

Tất nhiên, tiền cũng từng là mục tiêu quan trọng, là động lực để ông phấn đấu, tuy vậy, nó không phải là thứ ông muốn theo đuổi cả đời: "Ngày xưa là câu chuyện cơm áo gạo tiền. Đầu tiên khi đi làm là muốn kiếm tiền giúp bố mẹ đỡ nghèo đỡ khổ. Sau này có tí tiền lên thì để mình sống một cách thoải mái sung túc, vợ con đề huề. Dần dần lớn lên nữa thì công việc là đam mê. Và đến giờ mục tiêu cuối cùng là làm được cái gì đó cho đời."

Với lý tưởng đó, Phạm Nhật Vượng đã phát triển Vingroup trở thành Tập đoàn đa ngành nghề lớn nhất Việt Nam và vươn mình ra thế giới, đạt những thành tựu mà không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.

Cho đến thời điểm hiện tại, Phạm Nhật Vượng vẫn đang cống hiến hết mình cho mục tiêu mà ông theo đuổi, đó là làm những điều có ý nghĩa có đời.

Bên cạnh việc phát triển tập đoàn và thực hiện tham vọng khẳng định tên tuổi trên thị trường quốc tế, tỷ phú này cũng rất tích cực tham gia hoạt động từ thiện hướng tới cộng đồng. Theo đó, Quỹ Thiện Tâm của ông Phạm Nhật Vượng đã giúp đỡ rất nhiều mảnh đời cơ cực ở Việt Nam và cung cấp các khoản cứu trợ thiên tai. Mới đây, riêng đoàn Vingroup của ông cũng có nhiều hoạt động phòng chống Covid-19 như cung cấp máy thở và nhiều thiết bị khác cho các tổ chức y tế.

Tiền thì quả thực rất quan trọng nhưng nó không phải là động lực với một người tìm kiếm thành công đích thực như Phạm Nhật Vượng.

"Tôi luôn nói với các đồng nghiệp của mình: đừng để cuộc sống của bạn trôi qua một cách vô nghĩa. Đừng để đến cuối cuộc đời, bạn không có gì đáng nhớ để kể lại. Sẽ thật buồn khi thấy rằng cuộc sống của bạn đã không tạo thêm bất kì giá trị nào".

Chủ tịch Hoà Phát Trần Đình Long: "Quan trọng nhất vẫn là hằng ngày phải làm tốt công việc của mình"

Khi “tiền bạc không là hạnh phúc” và ý nghĩa sau sự miệt mài lao động của hội người giàu: Sếp Vượng muốn giúp ích cho đời, Chủ tịch Hoà Phát nghĩ đơn giản là làm tốt việc của mình - Ảnh 2.

Ảnh:Internet


Trong một lần phỏng vấn, khi được hỏi ông nghĩ gì về con số tài sản 1,3 tỷ USD của mình, tỷ phú Trần Đình Long thẳng thắn trả lời : "Thực ra thì hằng ngày tôi làm chẳng nghĩ gì đến tiền đâu và cũng chẳng biết bản thân có bao nhiêu tiền nữa. Chắc chẳng phải riêng tôi, mà nhiều người cũng thế. Khi mình làm đến mức độ nào đó thì không phải để tìm ra con số cụ thể hằng ngày về tiền nữa. Đó là điều chắc chắn chứ không phải tôi khiêm tốn hoặc lảng tránh gì."

Trước những nhận định trái chiều về người giàu, tỷ phú ngành thép cũng chia sẻ: " Dưới góc độ doanh nhân hay bất kỳ ai. Tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là hằng ngày phải làm tốt công việc của mình. Khi chúng ta đã làm tốt rồi thì sớm muộn cách nhìn cũng thay đổi theo hướng tích cực. Bởi làm tốt bao nhiêu thì tất nhiên đóng góp đối với nhà nước, xã hội sẽ tăng lên bấy nhiêu, ví dụ như nghĩa vụ thuế, trách nhiệm xã hội, tạo công ăn việc làm... chẳng hạn."

Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ: Đặt mục tiêu chinh phục thế giới

Năm 2019, trong phiên tòa xét xử vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo, trước những tranh cãi gay gắt về việc phân chia tài sản, ông vua cà phê đã phải thốt lên đau đớn: "Tuổi của tôi cũng đâu còn nhiều. Bản thân cô cũng biết tôi không bao giờ quan tâm gì về tiền...".

"Tiền nhiều để làm gì? Tiền nhiều để làm gì mà để ngày hôm nay ngồi như thế này?"

Câu nói này sau đó đã tạo nên làn sóng tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội, người người nhà nhà đều tự hỏi: "Tiền nhiều để làm gì?". Ruốc cuộc nếu không phải vì tiền, vậy mục tiêu của Đăng Lê Nguyên Vũ và Trung Nguyên là gì?

Khi “tiền bạc không là hạnh phúc” và ý nghĩa sau sự miệt mài lao động của hội người giàu: Sếp Vượng muốn giúp ích cho đời, Chủ tịch Hoà Phát nghĩ đơn giản là làm tốt việc của mình - Ảnh 3.

Ảnh:Internet


Ông đã từng chia sẻ 3 mục tiêu mà bản thân ông đau đáu và luôn nỗ lực theo đuổi dù gặp bất cứ nghịch cảnh nào trong lễ ra mắt thương hiệu mới Trung Nguyên Legend năm 2018: "Thứ nhất là xây dựng một tầm nhìn 20 tỷ đô la cho cà phê Việt Nam, lấy lại giá trị thực mà cà phê Việt xứng đáng được hưởng. Thứ hai là góp phần kiến tạo nên một dân tộc hình mẫu, dẫn dắt – có khao khát vĩ đại với lòng tin và tâm huyết đặt vào thế hệ trẻ. Thứ ba là xây dựng một hệ sinh thái chữa lành, khai sáng để giúp nhân gian thoát khỏi những đau khổ, đói nghèo, bệnh tật triền miên và đi tới sự giàu có toàn diện về thể chất, vật chất, tinh thần."

Cho đến thời điểm hiện tại, ông vua cà phê vẫn thể hiện khát vọng lớn lao của mình, muốn phát triển một Trung Nguyên vượt trên giá trị về vật chất.  Đặng Lê Nguyên Vũ cũng từng nói: "Với tôi, kinh doanh không phải chuyện mua bán tầm thường; đó là sự thu phục nhân tâm."

Nói về tình yêu và tâm huyết mà ông vua cà phê dành cho Trung Nguyên, đạo diễn Lưu Trọng Ninh tiết lộ: "Tôi tin Trung Nguyên có được là do Đặng Lê Nguyên Vũ. Vũ không sợ thiếu tiền mà chỉ sợ Trung Nguyên sụp đổ".

KTS Võ Trọng Nghĩa: "Kiếp này kiến trúc sư chỉ là việc phụ, giữ giới, hành thiền quan trọng hơn"

Võ Trọng Nghĩa là một trong những kiến trúc sư tài năng và có sức ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực kiến trúc nước nhà. Với sáng tạo đỉnh cao, những công trình kiến trúc của anh đã tạo tiếng vang lớn vươn tầm thế giới và dành vô số giải thưởng uy tín quốc tế. Thế nhưng khi cơ hội kiếm nhiều tiền hơn đổ về ồ ạt thì năm 2017, Võ Trọng Nghĩa quyết định sang Myanmar để học về thiền. Cho tới tận bây giờ quyết định đi tu tập năm đó của anh vẫn khiến không ít người tò mò, thắc mắc.

Khi “tiền bạc không là hạnh phúc” và ý nghĩa sau sự miệt mài lao động của hội người giàu: Sếp Vượng muốn giúp ích cho đời, Chủ tịch Hoà Phát nghĩ đơn giản là làm tốt việc của mình - Ảnh 4.

Ảnh:Internet


Khi được hỏi về định nghĩa của sự thành công, anh nói: "Đó là sự giác ngộ. So với sự giác ngộ, việc trở thành kiến trúc sư nổi tiếng chỉ là điều vô nghĩa".

Trong một lần chia sẻ với báo chí, KTS cho biết: "Dù là kiến trúc sư nổi tiếng bao nhiêu đi chăng nữa hay một doanh nhân sở hữu hàng tỷ đô thì cũng không thoát khỏi sinh già bệnh chết. Cái chết đang chờ sẵn cho tất cả mọi người. Vì vậy, việc giác ngộ, tức là thoát khỏi luân hồi, tất nhiên có giá trị hơn tất cả các tài sản trên trái đất này, chứ huống hồ gì là trở thành kiến trúc sư nổi tiếng." Không chỉ riêng bản thân, kiến trúc sư tài năng này còn "biến" công ty thành môi trường giữ giới, hành thiền. Mọi người trong công ty đều có điều kiện tu tập, đi trên con đường giác ngộ. Với anh, đó cũng là lý do chính để công ty tồn tại: "Xã hội bớt khổ đau và hạnh phúc hơn bắt đầu từ những người giữ giới".

Hóa ra là thế, khi con người hiểu và nắm được quy luật cuộc sống thì những thứ như tiền bạc, danh lợi với họ chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Chủ tịch Thái Hà Books Nguyễn Mạnh Hùng: Biến tiền thành phương tiện của mình để phục vụ cho xã hội và cộng đồng

Triệu phú đô la từng bộc bạch:  "Trước thiền tôi mê tiền, nhưng sau này, tiền không còn quan trọng nữa. Tiền tài vật chất chỉ là công cụ, là phương tiện. Tôi phát hiện ra rằng nếu mình chỉ đi vào con đường làm giàu, kiếm thật nhiều tiền thì chưa chắc đã đúng. Dù bây giờ vẫn là một triệu phú đô la nhưng tiền trong mắt tôi chỉ còn là phương tiện để phục vụ cho mình. Điều đáng tiếc nhất bây giờ là không hiếm doanh nhân Việt Nam bị nô lệ vào tiền, bị tiền sai khiến. May thay, những người hành thiền, có tu tập thì biến tiền thành phương tiện của mình, để phục vụ cho xã hội và cộng đồng."

Từng trải qua tuổi thơ nghèo khổ, tủi cực, Nguyễn Mạnh Hùng thấu hiểu thế nào là sự "thèm khát" tiền bạc. Ông kể: "Nhà tôi nghèo lắm, nghèo đến mức mà người ta gọi là nghèo kiết xác. Nhiều ngày chỉ ăn 1 bữa. Cảnh đứt bữa, cái đói triền miên thấm sâu vào tôi". Thế nhưng khi thành công rồi, tài sản lớn nhất của ông "không phải là nhà, xe, hư danh, hay bằng cấp, ví trí CEO… mà đó là tình yêu thương, mà khó nhất là yêu thương kẻ thù của mình."

Ông cho biết: "Những người giàu có, nổi tiếng, thành đạt luôn bất an. Họ luôn sợ bị mất tài sản, bị trộm cắp, bị bắt cóc, bị lừa, bị mất danh dự,… và rất khó có hạnh phúc vẹn toàn. Đấy là sự thật mà chỉ họ mới biết. Tôi đã trải qua, có những trải nghiệm đó tôi biết rất rõ."

Khi “tiền bạc không là hạnh phúc” và ý nghĩa sau sự miệt mài lao động của hội người giàu: Sếp Vượng muốn giúp ích cho đời, Chủ tịch Hoà Phát nghĩ đơn giản là làm tốt việc của mình - Ảnh 5.

Khi đã đứng trên đỉnh cao danh vọng, ông quyết định chuyển sang làm sách với mong muốn đem nhiều hơn tri thức của nhân loại đến cho xã hội. Giờ đây, với vị CEO lớn tuổi: "Hạnh phúc được khai sáng trí tuệ lớn hơn nhiều so với việc sở hữu tài sản triệu đô."

Bên cạnh sách, thiền cũng là đam mê mà Nguyễn Mạnh Hùng theo đuổi: "Trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta gọi tôi là TS. Nguyễn Mạnh Hùng. Nhưng "TS" không phải là viết tắt 2 chữ "tiến sĩ" mà là "tu sinh", là "thiền sinh", rằng tôi đang học thiền và hàng ngày tu tập theo con đường của Đức Phật và là thí sinh thi vào trường giác ngộ và giải thoát. "TS" cũng được hiểu là viết tắt của Thiền + Sách".

Phạm Mạnh Hùng đã kiếm được 1 triệu USD đầu tiên trước năm 30 tuổi. Còn bây giờ, điều ông thu về được không chỉ là tiền mà còn là lòng yêu thương và sự kính trọng của rất nhiều người. Với ông, đó mới chính là hạnh phúc.

Tiền thì quan trọng thật đấy, nhưng với nhiều người, đó không phải là mục đích chính để họ duy trì sự nỗ lực của mình. Những người đó sau khi trải qua thử thách, nếm đủ cái đắng của thất bại và quả ngọt của thành công, họ thấu hiểu giá trị của những điều họ đang làm và cống hiến, để rồi lấy đó làm niềm vui và tiếp tục sứ mệnh của mình.

Tiền không mua được tất cả,

Có tiền, ta có thể mua được một căn nhà nhưng không mua được một tổ ấm;

Có tiền, ta có thể mua được thể xác nhưng không mua được tình yêu;

Có tiền, ta có thể đến khám bác sĩ nhưng không mua được sức khỏe tốt;

Có tiền, ta có thể mua được đồng hồ nhưng không mua được thời gian…

...Nhưng không phải ai cũng hiểu được điều đó, bởi tiền với mỗi người sẽ mang một ý nghĩa khác nhau.

(Tổng hợp)

Theo Ánh Lê

Cùng chuyên mục
XEM