Khi thời trang nhanh trở thành "siêu nhanh", Zara đang phải đương đầu với hiểm họa lớn chưa từng thấy!
Khi "thời trang nhanh" (fast-fashion) tiến hóa thành "thời trang siêu nhanh" (ultrafast-fashion) thì Zara không còn là thương hiệu bình dân có tốc độ nhanh nhất.
"Thời trang nhanh" đang ngày càng nhanh.
Zara, thương hiệu thời trang bình dân từ Tây Ban Nha vốn là cái tên tiên phong trong xu hướng "thời trang nhanh" toàn cầu, từng đánh bại mọi đối thủ trong cùng thị phần với tổng thời gian thiết kế - sản xuất - lên kệ chỉ trong một tuần. Đó là theo báo cáo của Fung Global Retail & Technology.
Zara từng là bá chủ của dòng "thời trang nhanh".
Đó là nhiều năm trước. Giờ đây có nhiều cái tên như ASOS, Boohoo và Missguided - những cửa hàng thời trang trực tuyến dành cho giới trẻ, nhuần nhuyễn trong lối ứng dụng phương tiện truyền thông để tiếp cận khách hàng. Nhờ cách sắp xếp hợp lý chuỗi cung ứng cũng như đưa địa điểm sản xuất đến gần các thị trường trọng điểm, những thương hiệu này đã và đang đẩy nhanh quá trình thiết kế và sản xuất.
Theo một báo cáo mới đây, ASOS chỉ mất từ hai đến tám tuần để lên ý tưởng cho đến bán sản phẩm. Với Boohoo thì chỉ tốn hai tuần và Missguided còn nhanh hơn - một tuần, vượt xa vòng lặp trước đây của Zara là năm tuần và H&M là... nửa năm.
Giờ đây Zara còn phải đối đầu với những cái tên như ASOS, Boohoo và Missguided.
"Thời trang nhanh nay đã trở thành thời trang siêu-nhanh", báo cáo cho biết. Và đây chính là vấn đề mà H&M lẫn Zara phải đương đầu, cho dù họ là những cái tên kiến tạo nên mô hình này.
Mặt hàng trong các cửa hàng trực tuyến thay đổi liên xoành xoạch. Và xem ra chiến lược này hoàn toàn hiệu quả.
Chẳng hạn như Boohoo mới được khai sinh tại Anh Quốc từ năm 2006 nhưng đã có mức doanh thu tăng 51% tính đến tháng 2/2017. Tương tự, ASOS tăng 26% và Missguided tăng 75%.
Vũ khí chiến lược của 3 thương hiệu này là "chuỗi cung ứng nhanh". Một thiết kế thời trang ban đầu được sản xuất theo từng lô nhỏ, và nếu được khách hàng yêu thích thì các thương hiệu mới tiếp tục sản xuất đại trà. Chiến lược này cho phép họ kết hợp hoàn hảo giữa cung và cầu - yếu tố luôn thay đổi.
Nếu không đẩy nhanh tốc độ, Zara có thể bị các đối thủ bỏ xa.
Sự linh hoạt trong chuỗi cung ứng chính là chìa khóa của vấn đề. Theo số liệu gần đây nhất từ H&M thì thương hiệu Thụy Điển đã bị giảm lợi nhuận ròng đến 3%. CEO Karl-Johan Persson của H&M tuyên bố rằng ông sẽ đầu tư đáng kể vào việc làm cho chuỗi cung ứng nhanh hơn và thích nghi hơn để theo kịp tốc độ thay đổi nhu cầu.
Cuối cùng, các thương hiệu này áp dụng chính phương thức của Zara: phân bố cơ sở sản xuất gần với trụ sở chính và các thị trường chiến lược. Điển hình, Zara có 60% nguồn cung ứng sản phẩm từ Châu Âu, còn Boohoo thì có 50% sản phẩm tại Anh Quốc.
Nguồn: Business Insider