Khi quên mang khẩu trang, nên làm gì để phòng dịch?

07/08/2020 19:32 PM | Sống

Hiện nay, việc đeo khẩu trang được khuyến cáo là một trong các biện pháp để phòng ngừa lây lan dịch COVID-19. Trên thị trường, có nhiều loại khẩu trang (y tế, vải, 3M...), mọi người cần biết rõ tác dụng phòng dịch bệnh khi đeo các loại khẩu trang này.

Hiện nay, khẩu trang y tế, khẩu trang vải, khẩu trang 3M... luôn được mọi người săn lùng mua để phòng chống dịch. Thông thường, các loại khẩu trang có tác dụng chính là: Ngăn ngừa bụi, ngăn ngừa hóa chất, khói xe, ngăn ngừa vi sinh vật xâm nhập đường hô hấp... Tuy nhiên, việc ngăn bụi, hóa chất hay vi sinh vật còn tùy thuộc vào từng loại khẩu trang. Đồng thời, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, các loại khẩu trang dùng để ngăn các giọt bắn từ người khác vào mũi, miệng, do vậy ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh.

Nên đeo khẩu trang vải hay khẩu trang y tế để chống dịch?

Việc đeo khẩu trang vải mềm và dễ thoát hơi thở nên nhiều người thích sử dụng, nhưng cũng băn khoăn là đeo khẩu trang vải có tốt không, có chống được lây nhiễm virus không?

Thực tế, hầu hết các loại khẩu trang như: Khẩu trang y tế 3,4 lớp, khẩu trang 3M, khẩu trang y tế N95, khẩu trang vải... đều có thể dùng ngăn giọt bắn của người xung quanh như ho, hắt hơi, nhầy mũi, khạc nhổ bám vào. Do vậy, nếu mọi người không thể mua khẩu trang y tế thì cũng không nên quá lo lắng mà thay vào đó, có thể đeo khẩu trang vải thông thường.

Tuy nhiên, đeo khẩu trang y tế hay còn gọi là khẩu trang hoạt tính là khẩu trang dùng 1 lần, khẩu trang vải có thể sử dụng nhiều lần nên cần phải có vài chiếc để thực hiện giặt thường xuyên ít nhất là 1 lần/ngày.

Khi quên mang khẩu trang, nên làm gì để phòng dịch? - Ảnh 1.

Đeo khẩu trang, kiểm soát thân nhiệt, sát khuẩn tay... để phòng dịch.

Cách đeo khẩu trang đúng cách

Theo các chuyên gia, đối với người dân tại cộng đồng, để phòng dịch, chỉ cần áp dụng đeo khẩu trang vải hoặc khẩu trang y tế 3,4 lớp thông thường là được. Còn các loại khẩu trang chuyên dụng khác (3M, N95) thì dành cho các trường hợp sử dụng khi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân COVID-19.

Khi đeo khẩu trang phải che kín cả mũi lẫn miệng, tránh sờ tay vào khẩu trang khi đeo.

Đối với các loại khẩu trang y tế thông thường, cần đeo mặt xanh ra ngoài và mặt trắng vào trong, kẹp nhôm hướng lên trên.

Khi muốn tháo khẩu trang thì tránh lấy tay cầm vào khẩu trang bởi có thể sẽ gây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác cho bàn tay mình. Khi tháo, chỉ nên cầm vào dây đeo qua tai để tháo.

Đối với khẩu trang vải thông thường, nên thường xuyên giặt giũ sạch khẩu trang với xà phòng để dùng lại và thường xuyên rửa tay với xà phòng để phòng bệnh.

Làm gì khi quên không mang theo khẩu trang?

Trong một số trường hợp, bạn quên không mang khẩu trang y tế, khẩu trang vải... theo bên người mà muốn ho hay hắt xì, xì mũi thì tốt nhất là bạn nên sử dụng khăn giấy rồi bỏ vào thùng rác có nắp đậy. Trường hợp không có khăn giấy bên người thì nên ho, hắt xì vào khuỷu tay, tránh dùng bàn tay che miệng bởi khi tay bị nhiễm do ho hay hắt hơi sẽ dính vào các vật dụng mà người bệnh cầm nắm như: nắm cửa, nút bấm thang máy, tay cầu thang, bát đũa, ly chén hay bắt tay với người khác... Do vậy, virus bám vào từ những vật dụng này lại có cơ hội lây sang cho người khác khi họ chạm vào.

Kết hợp đồng thời các biện pháp phòng dịch

Thường xuyên rửa tay với xà phòng dưới vòi nước chảy mạnh hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn tay nhanh; súc miệng, họng bằng các loại nước sát khuẩn miệng, họng.

Không đến những nơi đang có dịch nếu không thật sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi thì thực hiện các bước phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Tránh tụ tập chỗ đông người; Giữ khoảng cách trên 2m với những người có triệu chứng viêm đường hô hấp hoặc nghi mắc bệnh.

Nếu bản thân có triệu chứng viêm đường hô hấp hoặc nghi mắc bệnh, cần đeo khẩu trang để tránh lây lan, đồng thời đến ngay cơ sở y tế để được cách ly và xét nghiệm chẩn đoán.

Hoàng Anh

Từ khóa:  khẩu trang
Cùng chuyên mục
XEM