Khi không ai muốn mặc quần áo cũ, thế giới sẽ đối diện với thảm họa môi trường?

17/01/2018 15:28 PM | Xã hội

Xu thế thời trang nhanh khiến lượng quần áo thải ra ngày một nhiều trong khi thị trường tái sử dụng chúng đang biến mất. Nhìn từ góc độ môi trường, đó là thảm kịch tồi tệ.

Đã nhiều năm nay, thông qua kênh quyên góp từ thiện, người dân các nước giàu đã tìm được cách để tống khứ đi những quần áo cũ mà họ không còn dùng và không muốn trữ lại nhà nữa.

Kết quả, hoạt động quyên góp đã giúp tạo ra một mạng lưới những nhà kinh doanh tuyển dụng nhiều nhân viên đi thu gom đồ, phân loại và vận chuyển nó đi khắp thế giới để có thể được tái chế, được người khác sử dụng lại hoặc biến nó thành giẻ lau…

Giờ đây, quy trình này không còn như xưa nữa. Xu thế thời trang đang thay đổi, quần áo mới giờ đây rẻ như quần áo cũ và người dân nước nghèo đang quay lưng với quần áo cũ.

Nếu người ta không thay đổi cách thức sản xuất và tiếp thị quần áo, chắc chắn lượng quần áo cũ khủng khiếp mà người tiêu dùng khắp thế giới thải ra mỗi năm sẽ gây ra nhiều thảm họa môi trường.

Nhiều doanh nghiệp thu gom quần áo cũ ở Ấn Độ hiểu điều này hơn ai hết. Thành phố Panipat nằm cách thủ đô New Delhi 55 dặm là nơi tập trung của 200 doanh nghiệp thu gom quần áo cũ tại Ấn Độ.

Thành phố 450 nghìn dân này được coi như thủ phủ của ngành kinh doanh quần áo cũ thế giới suốt hai thập kỷ qua, đây là một trong những điểm kinh doanh quan trọng nhất của ngành kinh doanh quần áo cũ có quy mô đến 4 tỷ USD trên khắp thế giới.

Nhiều nhà máy của Panipat tập trung vào sản xuất một loại quần áo chuyên được làm từ sợi len tái chế, loại quần áo này chuyên được dùng cho các hoạt động cứu trợ khi có bão lụt hoặc thảm họa thiên nhiên.

Công việc kinh doanh phát triển khá tốt. Ở thời kỳ đỉnh cao những năm 2010, các công ty sản xuất quần áo tại Panipat có thể sản xuất đến 100 nghìn chiếc áo mỗi ngày, chiếm đến hơn 90% thị phần áo cứu trợ của toàn thế giới.

Thế nhưng cũng cùng lúc đó, các công ty sản xuất Trung Quốc với tiềm lực tài chính mạnh đã bắt đầu sử dụng các loại máy móc hiện đại sản xuất được số lượng áo bông nhiều gấp nhiều lần Panipat, với nhiều màu khác nhau và chi phí thấp hơn.

Theo tính toán của quản lý công ty Ramesh Woolen Mills, ông Ramesh Goyal, các nhà sản xuất Trung Quốc giỏi đến nỗi họ có thể làm ra áo bông mới có giá bán lẻ chỉ 2,50USD/chiếc trong khi áo tái chế do Ấn Độ sản xuất có giá 2USD.

Chính vì vậy, những nhà cứu trợ trên khắp thế giới đổ xô sang dùng sản phẩm của Trung Quốc thay cho Ấn Độ, thị phần xuất khẩu trên thế giới của Panipat sụt giảm nhanh chóng.

Chính Panipat đang thay đổi. 5 năm trước, không có ai trong thành phố sản xuất áo bông mới. Giờ đây khoảng 50 nhà máy tại Panipat đã nhập dây chuyền của Trung Quốc và sản xuất ra hàng loạt các loại áo rét mới, người tiêu dùng nhanh chóng đón nhận sản phẩm, chất lượng của sản phẩm.

Thế nhưng tin tốt với Panipat lại là tin xấu đối với những nhà tài trợ và môi trường trên khắp thế giới. Panipat giờ đã chuyển sang sản xuất quần áo mới, Panipat dần rồi sẽ không còn tiếp nhận lượng quần áo cũ khổng lồ trên khắp thế giới.

Từ năm 2000 đến năm 2015, lượng quần áo sản xuất ra trên toàn cầu tăng gấp đôi, tỷ lệ quần áo được mặc trước khi vứt đi giảm đến 36%. Tại Trung Quốc, tỷ lệ này giảm đến 70%.

Xu thế thời trang nhanh đang tạo ra một triển vọng xấu: lượng quần áo thải ra ngày một nhiều trong khi thị trường tái sử dụng chúng đang biến mất. Nhìn từ góc độ môi trường, đó là thảm kịch tồi tệ.

Ở hiện tại, ngành may mặc đang thải ra khí nhà kính nhiều hơn so với tất cả các chuyến bay và tàu biển trên thế giới cộng lại. Nếu thị trường tái chế quần áo biến mất, tình trạng này sẽ còn tồi tệ hơn.

Chính những nhà quản lý ngành may mặc, người đứng đầu doanh nghiệp may mặc trên thế giới cũng đã ý thức được rằng quyền lợi kinh doanh của họ liên quan trực tiếp đến điều này.

Nhiều thương hiệu quần áo lớn của thế giới ví như H&M hay Patagonia đang thử nghiệm với những loại sợi mới được sản xuất từ nguyên liệu tái chế. Thế nhưng trong dài hạn, các công ty kinh doanh quần áo cần hướng người tiêu dùng nhiều hơn tới chất lượng và độ bền của sản phẩm chứ không phải chỉ kiểu dáng mẫu mã của những thời trang tiêu dùng nhanh.

Theo Trung Mến

Cùng chuyên mục
XEM