Khi Gen Z “mua trước trả sau”: Người nợ nần chồng chất, người tiết kiệm 5 triệu đồng/tháng

18/06/2022 12:30 PM | Xã hội

Thời chi tiêu tiền mặt và “mua gì trả luôn lúc đó” đã qua đi.

Lạm phát và nhu cầu tiêu dùng trong thời bão giá đã khiến nhiều người rơi vào cuộc đối đầu cam go với việc chi tiêu tiền bạc. Vì vậy, việc tối ưu nguồn tiền và tận dụng điểm mạnh của các dịch vụ hỗ trợ tiêu dùng luôn được nhiều người quan tâm. Ngoài tín dụng, không thể không kể đến dịch vụ hỗ trợ tiêu dùng đang rất hot dạo gần đây đó là “mua trước trả sau”.

Thực tế, “mua trước trả sau” là một thuật ngữ được dịch từ “Buy Now, Pay Later – BNPL” rất được nhiều người biết tại các nước phát triển. Nói nôm na, mua trước trả sau là một loại hình tài trợ ngắn hạn, cho phép người tiêu dùng mua hàng trực tuyến hoặc tại các cửa hàng và thanh toán theo nhiều đợt, thường không tính lãi suất. Vì đặc điểm thuận tiện, được tích hợp nhiều tại các cửa hàng lớn, lại không chi trả nhiều chi phí như thẻ tín dụng nên “mua trước trả sau” trở thành một xu hướng được nhiều người trẻ sử dụng.

Nhưng thực hư thế nào, tiết kiệm hơn hay gánh thêm nợ chồng chất, nghe người trong cuộc giãi bày nhé!

Người tiết kiệm mỗi tháng 5 triệu, người để tiền đầu tư sinh lợi cao gấp 2-3 lần

Hồng Nhung (22 tuổi, TP.HCM) chia sẻ vì tính chất công việc làm MC cho các sự kiện nên cô nàng cần đầu tư ở khâu trang phục và mỹ phẩm: “Mình dùng mua trước trả sau để mua quần áo và mỹ phẩm, thấy cực kỳ tiện lợi luôn nhé. Nếu như trước đây mình phải tốn một đống tiền để mua đồ ban đầu thì bây giờ đã khác, họ sẽ cho mình thanh toán nhiều đợt, lúc này bạn chỉ cần trả một phần số tiền, phần khác sẽ để đợt sau.”

Được hỏi về lợi ích khi dùng hình thức thanh toán này, Nhung chia sẻ rằng việc huy động nguồn tiền từ nơi khác để chi trả các khoản tiêu dùng giúp cô tối ưu được dòng tiền, không chi trả quá nhiều trong cùng một thời điểm, hơn nữa cũng giúp cô tiết kiệm rất nhiều. “Mình không phải trầy trật mỗi khi lương về mà chi tiêu quá trán, nhờ vậy lấy tiền dư đó đầu tư vào hình thức khác như chứng khoán cũng sinh lời hơn gấp 2-3 lần luôn đó.”

Giống như Nhung, Sinh (27 tuổi, TP.HCM) cho rằng hình thức “mua trước trả sau” giúp cô tiết kiệm 5 triệu mỗi tháng. “Mình hay mua các khóa học và thực phẩm chức năng, việc phân chia trả theo nhiều đợt giúp mình không cần phải tốn kém nhiều, hồi xưa dùng thẻ tín dụng luôn tốn khá nhiều chi phí và lãi trả chậm, trong khi “mua trước trả sau” lại không tính phí, nhờ vậy mình tiết kiệm được mỗi tháng 5 triệu tiền mua đồ và dùng cho việc khác.” - cô nói.

Người vẫn gánh nợ chồng chất, phạt tiền triệu vì “quên”

Dù có nhiều người tận dụng được điểm ưu của “mua trước trả sau”, nhưng cũng có những người lại không may mắn như vậy, trong đó có Mai (22 tuổi, sinh viên), bởi cô bị phạt trả chậm lên tới 25% giá trị một chiếc Iphone Pro 13, tương đương hơn 6 triệu đồng. “Mình bị phạt những 6 triệu đồng vì quên ngày trả nợ, thông thường họ sẽ tính lãi 0,6% giá trị đơn hàng cho 2 ngày sau ngày đáo hạn, sau đó nếu trả chậm tiếp thì sẽ cộng thêm 0,6% mỗi 7 ngày nữa.”

Khi Gen Z “mua trước trả sau”: Người nợ nần chồng chất, người tiết kiệm 5 triệu đồng/tháng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cô bộc bạch: “Mấy hình thức này đúng là không dành cho người hay quên như mình, bởi nếu bạn trả lãi giá trị hóa đơn bé bé thì không sao, chứ như mình mua iPhone mà trả lãi thế này khác nào vay nóng đâu.”

Còn Thanh (23 tuổi, TP.HCM) thì cho rằng vẫn có mặt hại khi sử dụng hình thức “mua trước trả sau” bởi cô nàng có xu hướng mua nhiều hơn. “Mình không phủ nhận ưu điểm của hình thức này, nhưng mình lại càng bị nghiện mua sắm hơn, vì ỷ là chỉ trả khoản nhỏ lúc đầu thôi. Nhưng ác mộng sẽ đến khi đến ngày đáo hạn, bạn phải chi trả một đống hóa đơn từ trên trời rơi xuống” - cô nói.

Dùng sao cho đúng?

Khi Gen Z “mua trước trả sau”: Người nợ nần chồng chất, người tiết kiệm 5 triệu đồng/tháng - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm ưu, “mua trước trả sau” cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là những người có xu hướng mua sắm quá đà và mất khả năng trả nợ khi số tiền nợ tồn đọng quá nhiều.

Vì vậy, muốn sử dụng “mua trước trả sau” hiệu quả, bạn cần phải nắm vài bí quyết nho nhỏ dưới đây:

- Nếu món đồ của bạn dưới 500 nghìn đồng, hãy cân nhắc “mua đứt” món đồ đó luôn, tránh tình trạng đồ đã dùng xong nhưng nợ thì vẫn còn chưa trả hết.

- Với những món đồ có giá trị lớn hơn, bạn cần chú ý thời gian đáo hạn để trả tiền đúng hạn, tránh mất thêm phí lãi suất. Một cách đơn giản nhất đó chính là lưu lịch nhắc hạn trả nợ trên điện thoại để không bị mất tiền oan.

- Việc quan trọng nhất chính là phải hiểu rõ cơ chế và điều khoản, quy định lãi suất của dịch vụ “mua trước trả sau” mà bạn chọn.

Cuối cùng, cân nhắc trước khi chọn lựa, nếu muốn mua một món đồ, hãy cân nhắc tính cấp thiết và quan trọng của món đồ với bạn, sau đó so sánh giá trị món đồ, tính toán cẩn thận trước khi quyết định “đổ tiền” nhé!

Theo Q.N

Cùng chuyên mục
XEM