Khi bị hỏi "Bao giờ cưới? Thưởng Tết nhiều không?": Anh Chánh Văn xúi "cứ đáp thật chán vào'", nhưng đạo diễn Em Là Bà Nội Của Anh nói vô duyên hay không là do thái độ bạn!

21/01/2020 07:13 AM | Sống

Cách bạn trả lời thế nào sẽ nói lên tính cách con người thế đấy.

"Tết nhất ghét cực những câu hỏi vô duyên kiểu: "Bao giờ cho bác ăn cỗ đây? Bao giờ mới chịu đẻ? Đẻ thêm đứa nữa cho có nếp có tẻ đi! Thưởng Tết bao nhiêu? Năm nay làm ăn có khấm khá không?..."

Thật ra cũng khó trách người quê hay hỏi những câu vô duyên như thế. Là bởi đó như "đặc sản" kiểu tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau nên hỏi vậy cho nó… thân tình, gần gũi vậy."

Nhiều người trẻ hiện nay rơi vào tình trạng không-thích-Tết vì sợ gặp gỡ họ hàng, người quen và rồi bị hỏi những câu như bao giờ cưới, bao giờ mua nhà, thưởng Tết bao nhiêu... Theo như anh Chánh văn Hoàng Anh Tú, đó là thói quen xuất phát từ làng quê và cũng rất khó trách nếu người quê hỏi những câu như vậy vì cách hỏi này phần nào thể hiện sự thân tình, gần gũi. 

Khi bị hỏi Bao giờ cưới? Thưởng Tết nhiều không?: Anh Chánh Văn xúi cứ đáp thật chán vào, nhưng đạo diễn Em Là Bà Nội Của Anh nói vô duyên hay không là do thái độ bạn! - Ảnh 1.

Nhà văn Hoàng Anh Tú

Vì thế, nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng không thể trách cứ được họ tuy rằng cách sống của những đứa trẻ thành phố "nhà nào biết nhà nấy" sẽ khó chấp nhận cách hỏi có phần gây khó chịu này. Nhưng anh lại "lên án" mạnh mẽ những người "lên phố đã lâu mà vẫn chẳng bỏ đi được thói tọc mạch thái quá":

"Nhiều người hỏi như truy xét tội phạm còn thêm đủ thứ bình phẩm kiểu: "Cứ kén cá chọn canh rồi ế xanh mốc đỏ ra í". Kiểu "lấy tạm thằng nào về để đẻ đi không là tịt đẻ đấy". Kiểu "Đẻ thêm đi không chồng nó ra ngoài kiếm người khác đẻ thay đấy". Kiểu "Thưởng Tết chắc to lắm nhớ lì xì bọn trẻ mạnh tay vào nhé". Hay "gớm, năm rồi làm ăn khấm khá thế mà không mua lấy cái xe tử tế hơn mà vẫn đi cái xe cà tàng này à"…

Là những người lưỡi sắc như dao, thích đâm chọc người khác. Có người vì ẩn ức gato mà nói. Lại có người cuộc đời ăn mắm ăn muối nhiều hơn ăn cơm nên lời nào nói ra cũng chát mặn kinh người."

Ngược lại với nhà văn Hoàng Anh Tú, đạo diễn bộ phim đình đám "Em là bà nội của anh" Phan Gia Nhật Linh lại tỏ ra rất vô tư với những câu hỏi như vậy:

"Những câu hỏi kiểu: Bao giờ lấy chồng/lấy vợ? Có người yêu chưa? Bao giờ có con? Làm ăn tốt không? chỉ là những câu hỏi xã giao, và thật tình, đôi khi người ta chỉ hỏi cho có và bạn có trả lời thật tình hay vô tâm gì cũng chả quan trọng với họ cả.

Phản ứng tiêu cực với những câu hỏi đó chỉ cho thấy sự dễ bị tổn thương, sự thất bại, sự tự ti của chính bạn, bởi những người hạnh phúc với cuộc đời, họ hầu như đón nhận những câu hỏi ấy như một mối quan tâm mà người khác dành cho mình."

Khi bị hỏi Bao giờ cưới? Thưởng Tết nhiều không?: Anh Chánh Văn xúi cứ đáp thật chán vào, nhưng đạo diễn Em Là Bà Nội Của Anh nói vô duyên hay không là do thái độ bạn! - Ảnh 2.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh.

Là một người năm nào cũng phải đối diện với những câu hỏi đó, anh Phan Gia Nhật Linh cho rằng đơn giản, đó là "mối quan tâm mà người khác dành cho mình" lâu ngày không gặp mà thôi. Càng thể hiện thái độ không bình tĩnh trước những mối-quan-tâm đó, càng bộc lộ những yếu điểm của bạn mà thôi.

Dù rằng anh Nhật Linh cũng hiểu "các cô ế chồng, các cặp hiếm muộn thì hẳn dễ bị tổn thương nếu cứ bị hỏi mãi, nhưng thật ra, nếu để lời nói của người khác - đây còn không phải là lời công kích cá nhân hay xúc phạm miệt thị gì - khiến mình bị tổn thương, bị kích động cảm xúc như thế, thì cuộc đời này chắc toàn nỗi bi ai với bạn mà thôi."

Đồng quan điểm, anh Chánh văn chia sẻ: 

"Nhưng, ngẫm lại mới lại thấy, rằng đôi khi có phải vì chính trong lòng ta cũng đã có vết thương hở miệng từ chính những điều đó? Là vì nhiều người tìm mãi, mưu cầu suốt một hạnh phúc đời mình mà chưa gặp. Nên câu: "Bao giờ cho tao ăn cỗ đây?"  lại thành nỗi tủi thân. Mà giận. Có người muốn đẻ lắm mà chưa sẵn sàng đẻ nên nghe câu "Bao giờ đẻ" trở thành áp lực nặng nề.

Bởi nếu lòng không sẵn một vết thương hở thì muối nọ, mắm kia làm sao biết xót? Nếu lòng như lá sen thì nước đổ bao nhiêu cũng tuột trôi bấy nhiêu. Nếu nó không phải là điều ta nghĩ thì làm sao khiến ta bực, ta đau được?"

Đồng ý rằng những câu hỏi xã giao này có phần đánh vào lòng tự ái của chúng ta bởi vì người ngoài ít nhiều đã có sự quan sát sơ sơ về cuộc sống của chúng ta. Nhưng đáng tiếc là, họ lại không có sự hiểu biết sâu về chúng ta nên những mối quan tâm của họ vô tình hoặc hữu ý đã biến thành sự bất lịch sự không nên có.

Là một người bố của 3 đứa con, đối mặt với nhiều cái Tết như vậy, nhà văn Hoàng Anh Tú đã đúc rút ra cách trả lời tâm đắc nhất dành cho những người trẻ phiền lòng:

"Hỏi vô duyên thì cứ đáp vô tâm. Tết là để vô tâm mà! Hãy cứ vô tâm với những lời vô duyên đi. Chúng ta chỉ đau khi ta cho phép họ, câu nói của họ lọt vào đến tâm can của ta mà. Hãy đáp thật chán vào!

Kiểu "Bao giờ mày cho bác ăn cỗ đây?" bằng "Bác mặc cái áo này trông béo ra mấy chục cân í nhỉ?". Hãy để những câu hỏi vô duyên trôi tuột qua tai bạn và hãy trả lời chán đến nỗi bạn chẳng nhớ mình đã trả lời thế nào."

Còn đây là cách xử lý tình huống vô cùng dễ làm của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh - một người mà "năm nào mình cũng bị hỏi, nhưng thật tình mình cũng chẳng thấy có gì đáng phàn nàn cả":

"Bạn có thể trả lời qua loa cho xong chuyện, bạn có thể tếu táo trả lời vui vẻ, thái độ của bạn đem đến không khí của buổi trò chuyện đầu năm.

Nếu không muốn nghe những hỏi những câu ấy, bạn muốn họ hỏi bạn điều gì? Hay gặp nhau ngày Tết và im lặng, bởi thật ra, với một người thất bại, tự ti, dễ bị tổn thương thì bất kỳ câu hỏi nào cũng có thể tác động tiêu cực đến họ cả.

Mà đã thế, tốt nhất, Tết bạn đừng gặp ai lâu ngày không gặp, hãy cứ ở gần những người mà quanh năm họ đã ở gần bạn, vì họ không có nhu cầu biết thêm gì về cuộc đời bạn nữa. Những người lâu ngày mới gặp, họ sẽ hỏi thăm về cuộc sống của bạn, và bất kỳ câu hỏi nào, cũng sẽ trở thành vô duyên nếu bạn mang tâm thế dễ bị tổn thương.

Câu hỏi vô duyên hay không, đôi khi, do sự phản ứng của người được hỏi mà ra. Biến nó thành vô duyên - và người hỏi lẫn người được hỏi đều trở nên vô duyên, hay biến nó thành có duyên, đều do người trả lời cả."

Khi bị hỏi Bao giờ cưới? Thưởng Tết nhiều không?: Anh Chánh Văn xúi cứ đáp thật chán vào, nhưng đạo diễn Em Là Bà Nội Của Anh nói vô duyên hay không là do thái độ bạn! - Ảnh 3.

Thực tình, để mà nói vấn đề đôi khi cũng chẳng trở thành vấn đề nếu chúng ta biết biến "chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành không có gì". Những câu hỏi xã giao ngày Tết cũng có thể chẳng còn khiến bạn bận lòng nếu bạn hiểu đó là những câu hỏi chỉ mang tính xã giao. Lời nói đã mang tính xã giao để mở đầu cho một cuộc hỏi thăm thì bạn có thể tự chọn cho mình cách "đáp thật chán vào" như lời khuyên của nhà văn Hoàng Anh Tú hoặc "trả lời qua loa cho xong chuyện" như đạo diễn Phan Gia Nhật Linh gợi ý.

Cách chúng ta đối mặt với vấn đề này khó chịu hay vui vẻ đều do tâm thế của chính chúng ta. Vô duyên có thể trở thành có duyên nếu chúng ta biết nhìn nhận mọi thứ thật đơn giản và lạc quan. Đừng vì một phút yếu lòng, tự ti mà khiến bầu không khí những ngày đầu năm mới của bạn và những người xung quanh đột nhiên "trùng xuống".

Năm mới "không quạo", hãy cứ vui vẻ và tận hưởng những ngày Tết Nguyên đán ấm áp bên gia đình bạn nhé! Ai nói gì thì nói, mình cứ vui Tết là được!

Nguyên văn chia sẻ của nhà văn Hoàng Anh Tú

Tết nhất ghét cực những câu hỏi vô duyên kiểu: "Bao giờ cho bác ăn cỗ đây? Bao giờ mới chịu đẻ? Đẻ thêm đứa nữa cho có nếp có tẻ đi! Thưởng Tết bao nhiêu? Năm nay làm ăn có khấm khá không?..."

Thật ra cũng khó trách người quê hay hỏi những câu vô duyên như thế. Là bởi đó như "đặc sản" kiểu tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau nên hỏi vậy cho nó… thân tình, gần gũi vậy.

Chỉ là lũ trẻ sống trên phố nhà nào biết nhà nấy, riêng tư quen rồi nên không chịu nổi cái kiểu nhảy bổ vào đời tư của nhau như thế thôi. Chứ ở làng, việc nhà ai cũng thành việc chung của cả làng mà. Nên thấy có vô duyên vậy thật cũng không nên trách cứ mà phiền lòng nữa.

Có trách thì trách nhiều người lên phố đã lâu mà vẫn chẳng bỏ đi được thói tọc mạch thái quá như vậy. Nhiều người hỏi như truy xét tội phạm còn thêm đủ thứ bình phẩm kiểu: "Cứ kén cá chọn canh rồi ế xanh mốc đỏ ra í". Kiểu "lấy tạm thằng nào về để đẻ đi không là tịt đẻ đấy". Kiểu "Đẻ thêm đi không chồng nó ra ngoài kiếm người khác đẻ thay đấy". Kiểu "Thưởng Tết chắc to lắm nhớ lì xì bọn trẻ mạnh tay vào nhé". Hay "gớm, năm rồi làm ăn khấm khá thế mà không mua lấy cái xe tử tế hơn mà vẫn đi cái xe cà tàng này à"…

Là những người lưỡi sắc như dao, thích đâm chọc người khác. Có người vì ẩn ức gato mà nói. Lại có người cuộc đời ăn mắm ăn muối nhiều hơn ăn cơm nên lời nào nói ra cũng chát mặn kinh người.

Nhưng, ngẫm lại mới lại thấy, rằng đôi khi có phải vì chính trong lòng ta cũng đã có vết thương hở miệng từ chính những điều đó? Là vì nhiều người tìm mãi, mưu cầu suốt một hạnh phúc đời mình mà chưa gặp. Nên câu: "Bao giờ cho tao ăn cỗ đây?" lại thành nỗi tủi thân. Mà giận. Có người muốn đẻ lắm mà chưa sẵn sàng đẻ nên nghe câu "Bao giờ đẻ" trở thành áp lực nặng nề.

Bởi nếu lòng không sẵn một vết thương hở thì muối nọ, mắm kia làm sao biết xót? Nếu lòng như lá sen thì nước đổ bao nhiêu cũng tuột trôi bấy nhiêu. Nếu nó không phải là điều ta nghĩ thì làm sao khiến ta bực, ta đau được?

Ví như tôi đã có 3 đứa con thì ai bảo đẻ tiếp đi tôi sẽ phớ lớ cười "ừ ừ, đẻ tiếp! đẻ tiếp! sợ gì không đẻ tiếp". Bởi người hỏi nói trơn miệng thì kẻ đáp cũng thuận mồm cho xong. Hay là bởi tôi vốn chẳng bao giờ thấy bực với những câu hỏi thuận mồm mà hỏi, hay lơ đễnh trước những gì tôi không quan tâm nên chẳng thấy khó chịu?

Hỏi vô duyên thì cứ đáp vô tâm. Tết là để vô tâm mà! Hãy cứ vô tâm với những lời vô duyên đi. Chúng ta chỉ đau khi ta cho phép họ, câu nói của họ lọt vào đến tâm can của ta mà. Hãy đáp thật chán vào!

Kiểu "Bao giờ mày cho bác ăn cỗ đây?" bằng "Bác mặc cái áo này trông béo ra mấy chục cân í nhỉ?". Hãy để những câu hỏi vô duyên trôi tuột qua tai bạn và hãy trả lời chán đến nỗi bạn chẳng nhớ mình đã trả lời thế nào.

Chúc các bạn một cái Tết ăn bao nhiêu cũng không tăng cân và mặc đồ nào cũng cứ như đồ mới! Tết mà, vui đi!

Nguyên văn chia sẻ của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh

Vậy thật ra, bạn muốn người ta hỏi gì?

Tết năm nào cũng có những người viết status về chuyện đi chúc Tết bị hỏi: Bao giờ lấy chồng/vợ? Bao giờ có con?...

Mặc dù năm nào mình cũng bị hỏi, nhưng thật tình mình cũng chẳng thấy có gì đáng phàn nàn cả.

Mình cũng hiểu rằng, các cô ế chồng, các cặp hiếm muộn thì hẳn dễ bị tổn thương nếu cứ bị hỏi mãi, nhưng thật ra, nếu để lời nói của người khác - đây còn không phải là lời công kích cá nhân hay xúc phạm miệt thị gì - khiến mình bị tổn thương, bị kích động cảm xúc như thế, thì cuộc đời này chắc toàn nỗi bi ai với bạn mà thôi.

Có những người mà có khi mỗi năm chỉ có Tết mình mới gặp - không chỉ người bạn xã giao mà cả người thân họ hàng bà con. Giữa mình và họ có bao nhiêu kết nối, hay câu chuyện để có thể trò chuyện? Bạn có thể thấy rằng, không phải ai cũng có cùng sở thích, cùng mối quan tâm để bắt đầu cho một câu chuyện.

Những câu hỏi kiểu: Bao giờ lấy chồng/lấy vợ? Có người yêu chưa? Bao giờ có con? Làm ăn tốt không? chỉ là những câu hỏi xã giao, và thật tình, đôi khi người ta chỉ hỏi cho có và bạn có trả lời thật tình hay vô tâm gì cũng chả quan trọng với họ cả.

Phản ứng tiêu cực với những câu hỏi đó chỉ cho thấy sự dễ bị tổn thương, sự thất bại, sự tự ti của chính bạn, bởi những người hạnh phúc với cuộc đời, họ hầu như đón nhận những câu hỏi ấy như một mối quan tâm mà người khác dành cho mình.

Bạn có thể trả lời qua loa cho xong chuyện, bạn có thể tếu táo trả lời vui vẻ, thái độ của bạn đem đến không khí của buổi trò chuyện đầu năm

Nếu không muốn nghe những hỏi những câu ấy, bạn muốn họ hỏi bạn điều gì? Hay gặp nhau ngày Tết và im lặng, bởi thật ra, với một người thất bại, tự ti, dễ bị tổn thương thì bất kỳ câu hỏi nào cũng có thể tác động tiêu cực đến họ cả.

Mà đã thế, tốt nhất, Tết bạn đừng gặp ai lâu ngày không gặp, hãy cứ ở gần những người mà quanh năm họ đã ở gần bạn, vì họ không có nhu cầu biết thêm gì về cuộc đời bạn nữa. Những người lâu ngày mới gặp, họ sẽ hỏi thăm về cuộc sống của bạn, và bất kỳ câu hỏi nào, cũng sẽ trở thành vô duyên nếu bạn mang tâm thế dễ bị tổn thương.

Câu hỏi vô duyên hay không, đôi khi, do sự phản ứng của người được hỏi mà ra. Biến nó thành vô duyên - và người hỏi lẫn người được hỏi đều trở nên vô duyên, hay biến nó thành có duyên, đều do người trả lời cả.

Vậy nên, hãy thử thay đổi thái độ, đón nhận mọi câu hỏi một cách vui vẻ, có khi Tết này, bạn sẽ thấy vui hơn.

Lô Tú

Cùng chuyên mục
XEM