Khách thích iPhone cảm ứng, BlackBerry cứ khăng khăng bàn phím cứng của tôi quá tốt rồi: Bảo sao không chết!

29/09/2016 15:57 PM | Công nghệ

Cái chết của BlackBerry đã được báo trước, 7 bài học marketing để đời dành cho các hãng di động còn lại nếu không muốn đi vào vết xe đổ.

Mảng di động của BlackBerry chết rồi, chính thức là đã chết! Nhưng chẳng vì ai cả, vì chính BlackBerry đã tự tạo ra cái chết cho riêng mình.

Nếu nhìn nhận vấn đề này trên góc độ marketing, là bạn sẽ hiểu ngay.

Đầu tiên, cần phải khẳng định lại: marketing không phải là chạy quảng cáo, không phải là bán xà bông, càng không phải mấy bạn phát tờ rơi.

Marketing là tổng hòa của tất cả những thứ trên, kèm theo một vấn đề nữa: chiến thuật, chiến lược. Chính xác, marketing là tổng hợp của tất cả hoạt động trong và ngoài doanh nghiệp nhằm mục đích: tạo nên lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm.

Chính vì vậy, cái chết của BlackBerry liên quan rất nhiều đến marketing, mà ta có thể xem là một bài học cho những thương hiệu khác.

1. Hiểu sai tâm lý của khách hàng

Có lẽ, đội ngũ marketing của BlackBerry đã sai lầm khi thực hiện khảo sát tâm lý khách hàng. Hoặc cũng có lẽ, họ đã cố gắng đưa ra chiến lược đổi mới, nhưng ban giám đốc đã không đồng ý điều này.

Sai lầm trong khảo sát nhu cầu của khách hàng đã dẫn họ đến bờ vực thẳm.

Đội ngũ marketing: "Khách hàng muốn màn hình cảm ứng".

Ban lãnh đạo: "Nhưng chúng ta vẫn có thể làm bàn phím cứng QWERTY được mà!"

Đây là một sai lầm vô cùng căn bản của hoạt động marketing. Không chỉ BlackBerry phải gánh hậu quả, Nokia trước đây và Sony hiện tại cũng không là ngoại lệ.

2. Không hiểu rõ chỗ đứng của mình trên thị trường

Xét trên mô hình quản trị BCG (Boston Consulting Group), BlackBerry hay cả Nokia đều đã qua thời hoàng kim được đứng trên đỉnh của ngôi sao.

Nhưng họ vẫn níu kéo quá khứ, họ đã coi thường những phân tích về marketing. Bởi lẽ, giống như Samsung - nếu Apple đã làm ra iPhone quá hoàn hảo, chúng ta chỉ cần làm tốt hơn một chút, thế là đủ!

Nhưng BlackBerry và Nokia vẫn muốn dẫn đầu. Và nếu dẫn đầu, bạn phải có giá trị nào đó khiến khách hàng tôn sùng, điều này dẫn đến sai lầm tiếp theo của họ…

3. Nghiên cứu R&D nhiều, nhưng toàn sai!

Sai lầm từ khảo sát tâm lý khách hàng đã kéo theo nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển thất bại. Họ quá tập trung vào những chủ đề không còn giá trị thời sự, mà quan tâm đến: thiết kế, camera, bàn phím…

Sai lầm này đã được khắc phục khi cả Nokia và BlackBerry đều bắt đầu nghĩ đến Android. Nhưng quá muộn rồi, Samsung đã vững chân, LG đã bám sát và không khách hàng nào hiện tại của BlackBery, Nokia chịu thay đổi trong chớp nhoáng.

Bạn không thể đi chặng đường 1 năm mà thành công - so với Samsung đã đi chặng đường đó gần 8 - 9 năm!

4. Quảng cáo, quảng cáo và quảng cáo

Quảng cáo là một mảng quan trọng của marketing. Tuy là mảng ngoài, nhưng quảng cáo - truyền thông là khâu quan trọng bậc nhất của marketing, vì quảng cáo thực sự bán sản phẩm ra bên ngoài, làm khách hàng yêu thích nó.

Quảng cáo sai lầm, chính vì nghiên cứu, tâm lý đã làm sai. Chúng ta không thể luôn quảng cáo BlackBerry là sản phẩm số 1, nếu nó không thể thực sự thỏa mãn khách hàng.

Đó là chuyện cực kỳ sai lầm. Khách hàng ngày càng thông minh, sự trung thành và kiên nhẫn của họ cũng có hạn. Thay vì cố thổi phồng 1 sản phẩm không hoàn hảo, hãy quảng cáo sao cho đối tượng thực tế nhất có thể mua sản phẩm

5. Giá cao hơn cả iPhone

Giá cao, vì BlackBerry muốn dẫn đầu thị trường. Nhưng như đã nói ở trên, nếu không mua BlackBerry, người ta vẫn có thể mua Samsung, LG, HTC v.v… mà không phải bỏ ra số tiền lớn chỉ để có được những tính năng tương tự.

Khách hàng rất thông minh. Điện thoại đẹp mà đắt, họ sẽ chẳng chịu móc hầu bao.

Nếu BlackBerry chịu nhún nhường, chấp nhận thay đổi một cách chậm rãi khi iPhone đang mạnh mẽ, họ có thể đã có chính sách giá thông minh hơn. Dù sản phẩm không hoàn chỉnh, họ vẫn có thể bán giá tốt.

Ở đây sẽ có người phản bác: "Nếu bán sản phẩm giá rẻ, như Nokia vẫn chết đấy thôi?". Vấn đề nằm ở chỗ khác: sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận bao nhiêu %? Nói như trường hợp BlackBerry, tỷ suất lợi nhuận là điều họ vẫn có thể tính toán sao cho công ty phát triển tốt.

6. Sự trung thành của khách hàng

Apple ban phát sự cao sang cho khách hàng của họ. Samsung ban phát chức năng và sự cao sang nhất định. Nokia ban phát giá rẻ và chức năng tinh tế? Còn BlackBerry ban phát gì?

Thật sự là chẳng có gì, vì thiết bị của họ quá kén người dùng và cũng chẳng có tính năng nào thực sự nổi bật.

Đây là lỗi của bộ phận phát triển sản phẩm? Không, vẫn là lỗi của đội ngũ marketing. Dù cho sản phẩm có kén người dùng đi chăng nữa, đội ngũ marketing vẫn phải tìm mọi cách để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường.

Hãy nhìn vào Facebook, Google, họ luôn tìm ra cách để khách hàng phải dùng sản phẩm của mình dù bao nhiêu năm vẫn thế!

7. Làm ngơ với giới lập trình viên

Nokia trước khi "chết" đã ráo riết làm thân với giới lập trình viên. BlackBerry thì sao? Họ coi nhẹ chuyện này.

Trong khi mọi người ráo riết - đội ngũ marketing BlackBerry không đưa ra bất kỳ nỗ lực nào để làm thân với giới lập trình viên.

Không có ứng dụng tốt, không nắm được xu hướng xã hội mới luôn cần ứng dụng - thế là lỗi lầm marketing này cũng trở thành một trong những cái chết của BlackBerry hiện tại.

Song Nhạn

Cùng chuyên mục
XEM