Khách Tây trải nghiệm Tết Việt, thích thú chụp ảnh cùng bộ bàn ghế sơn mài 1 tỷ đồng tại làng cổ Đường Lâm

15/01/2023 08:13 AM | Kinh doanh

Ngày 14/1, tại làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), khoảng 150 khách nước ngoài bao gồm đại diện các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, sinh viên quốc tế và du khách Việt Nam đã trải nghiệm nhiều nét văn hoá đặc sắc trong chương trình “Tết làng Việt” 2023.

Khách Tây trải nghiệm Tết Việt, thích thú chụp ảnh cùng bộ bàn ghế sơn mài 1 tỷ đồng tại làng cổ Đường Lâm - Ảnh 1.

Chương trình do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thành phố Hà Nội phối hợp Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây (Hà Nội) và các đơn vị liên quan tổ chức.

Trong hành trình khám phá "Tết làng Việt" 2023, du khách đã được tham quan làng cổ Đường Lâm - làng cổ đầu tiên ở nông thôn Việt Nam được xếp hạng di tích quốc gia. 

Làng cổ Đường Lâm trong một ngày nắng đẹp cuối năm hiện ra thanh bình và cổ kính với những con ngõ nhỏ đan xen như xương cá, những ngôi nhà cổ được bao quanh bởi tường đá ong hàng trăm năm tuổi có cổng vào bằng gỗ, cong cong hình quai giỏ.

Khách Tây trải nghiệm Tết Việt, thích thú chụp ảnh cùng bộ bàn ghế sơn mài 1 tỷ đồng tại làng cổ Đường Lâm - Ảnh 2.

Hình ảnh bên ngoài một ngôi nhà cổ ở làng Đường Lâm - Sơn Tây (Hà Nội). Ảnh: An Vũ

Du khách tận mắt chứng kiến vẻ đẹp rêu phong phủ trên bề mặt những viên ngói mũi ri, tạo nên hình thù võng lưng của những mái nhà cổ. Xưa kia, người dân xây nhà bằng các loại vật liệu truyền thống của xứ Đoài như đá ong, tre, gỗ xoan, nứa, gạch đất nung, đất nện, trấu, bùn, mùn cưa, vôi,... Nhà có kinh tế khá giả thì dùng chất liệu gỗ tứ thiết (đinh, lim, sến, táu).

Khách Tây trải nghiệm Tết Việt, thích thú chụp ảnh cùng bộ bàn ghế sơn mài 1 tỷ đồng tại làng cổ Đường Lâm - Ảnh 3.

Hình ảnh trong chương trình khám phá "Tết làng Việt" 2023 - Ảnh: BTC

Ngay chính giữa làng cổ, tại sân đình Mông Phụ, du khách được trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của Tết cổ truyền, như biểu diễn nhạc cụ dân tộc, gói bánh chưng, bánh tẻ, làm kẹo, làm diều sáo, nặn tò he, gọt củ hoa thủy tiên hay xin chữ ông đồ.

Khách Tây trải nghiệm Tết Việt, thích thú chụp ảnh cùng bộ bàn ghế sơn mài 1 tỷ đồng tại làng cổ Đường Lâm - Ảnh 4.

Hình ảnh trong chương trình khám phá "Tết làng Việt" 2023 - Ảnh: BTC

Ngoài các màn biểu diễn, du khách còn được trực tiếp tham gia các trò chơi dân gian truyền thống tại khu vực đình làng và cổng làng Mông Phụ như: Bắt vịt, chọi gà, bắt chạch trong chum, bịt mắt đập niêu… 

Một phần không thể thiếu trong chuyến hành trình, đó là trải nghiệm không gian ẩm thực Tết, thưởng thức những món ăn truyền thống của người dân Đường Lâm với các loại kẹo, bánh truyền thống như bánh tẻ, bánh đúc...; thưởng thức các món ăn đặc trưng trong mâm cỗ ngày Tết.

Khách Tây trải nghiệm Tết Việt, thích thú chụp ảnh cùng bộ bàn ghế sơn mài 1 tỷ đồng tại làng cổ Đường Lâm - Ảnh 5.

Hình ảnh trong chương trình khám phá "Tết làng Việt" 2023 - Ảnh: BTC

Chuyến thăm quan xưởng sơn mài của nghệ nhân sơn mài Nguyễn Tấn Phát nằm cuối hành trình cho du khách hiểu hơn về nghệ thuật truyền thống dộc đáo của Bắc Bộ. Nhiều du khách háo hức chụp ảnh bên bộ bàn ghế bằng chất liệu gỗ sơn mài mà theo ông Nguyễn Tấn Phát sẽ được bán sau Tết âm lịch với mức giá 1 tỷ đồng.

Khách Tây trải nghiệm Tết Việt, thích thú chụp ảnh cùng bộ bàn ghế sơn mài 1 tỷ đồng tại làng cổ Đường Lâm - Ảnh 6.

Các vị khách quốc tế chụp ảnh cùng nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát. Ảnh: An Vũ

Bộ bàn ghế bao gồm 6 ghế hình đầu mèo và 1 bàn hình cá, có tên là "Bữa tiệc ngày xuân" muốn mô phỏng một gia đình nhà mèo thưởng thức bữa tết ngày xuân là một chú cá nhân dịp năm Quý Mão. Ông Phát cho biết, bộ bàn ghế được làm thủ công bởi 7 thợ lành nghề trong vòng 1 năm. Chất liệu chính để sản xuất bộ bàn ghế là gỗ lũa, bên ngoài khảm sơn mài.

Khách Tây trải nghiệm Tết Việt, thích thú chụp ảnh cùng bộ bàn ghế sơn mài 1 tỷ đồng tại làng cổ Đường Lâm - Ảnh 7.

Khách quốc tế chụp ảnh cùng bộ bàn ghế Bữa tiệc ngày xuân. Ảnh: An Vũ

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát là một nghệ nhân làm sơn mài của làng Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Với niềm đam mê nghệ thuật truyền thống, ngay khi còn học tại Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, ông Nguyễn Tấn Phát đã làm việc cho các cửa hàng trang sức, đồ thủ công mỹ nghệ ở khu phố cổ Hà Nội. Thời gian rảnh, ông về làng sơn mài Hạ Thái (Duyên Thái - Thường Tín – Hà Nội), xin học nghề từ các nghệ nhân kỳ cựu.

Tốt nghiệp đại học, ông Phát mở doanh nghiệp tư nhân ở thị xã Sơn Tây, chuyên làm tranh, đồ gia dụng, đồ trang sức khảm trai, sơn mài. Từ năm 2010 đến nay, ông được trao giải thưởng nhiều thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng của Hà Nội và nhiều địa phương khác. Tiêu biểu là giải thưởng “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp TP Hà Nội” năm 2011 dành cho bộ trang sức sơn mài, giải Nhất cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2014 cho bộ đĩa cá biển sơn mài…

Tại xưởng sơn mài của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát ở làng cổ Đường Lâm đang có hàng trăm tác phẩm điêu khắc sơn mài được trưng bày gắn với chủ đề con mèo để chào đón năm mới Quý Mão.

Khách Tây trải nghiệm Tết Việt, thích thú chụp ảnh cùng bộ bàn ghế sơn mài 1 tỷ đồng tại làng cổ Đường Lâm - Ảnh 8.

Hình ảnh trong chương trình khám phá "Tết làng Việt" 2023 - Ảnh: BTC

Kết thúc hành trình, các vị khách được giới thiệu về nghi thức thả cá chép trong ngày ông Công ông Táo 23 tháng Chạp và trực tiếp thả những chú cá chép xuống ao cổng làng Đường Lâm.

Khách Tây trải nghiệm Tết Việt, thích thú chụp ảnh cùng bộ bàn ghế sơn mài 1 tỷ đồng tại làng cổ Đường Lâm - Ảnh 9.

Các vị khách thả cá chép trong chương trình khám phá "Tết làng Việt" 2023. Ảnh: BTC

Theo lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thành phố Hà Nội, chương trình “Tết làng Việt” 2023 đã góp phần quảng bá giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo hình ảnh đẹp về điểm đến du lịch Đường Lâm, Sơn Tây tới bạn bè quốc tế.

Đây cũng là hoạt động có ý nghĩa trong việc thực hiện các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Ban Tổ chức mong muốn tạo hiệu ứng kích cầu du lịch để đón khách đến tham quan, du lịch, trải nghiệm văn hóa dịp Tết và du xuân Quý Mão 2023, qua đó góp phần thúc đẩy quảng bá du lịch Sơn Tây nói riêng, thành phố Hà Nội nói chung.

Chương trình “Tết làng Việt” 2023 tại làng cổ Đường Lâm diễn ra đến hết ngày 15/1.

An Vũ

Cùng chuyên mục
XEM