Khách sạn Thụy Sĩ khốn đốn trong đại dịch

08/08/2020 20:00 PM | Xã hội

Tác động từ Covid-19 lên ngành khách sạn Thụy Sĩ được mô tả là "rất thảm khốc".

Đối với Annick Weber, nữ du khách người Pháp, bờ hồ Geneva của Thụy Sĩ chỉ là nơi để "trốn thoát" khỏi đại dịch Covid 19. Cô rất háo hức tổ chức một kỳ nghỉ với chồng, Kouthe, nhưng không chọn vùng biển Riviera, Pháp, vì quá xa xôi, đông đúc và phức tạp.

“Vì vậy, chúng tôi chọn Thụy Sĩ, vừa có khung cảnh nên thơ, yên bình nhưng không quá xa. Chúng tôi hy vọng không gặp phải đám đông nào và có nhiều không gian để tham quan, đi dạo, tận hưởng và nghỉ ngơi đúng nghĩa trong suốt chuyến đi”, cô chia sẻ.

Nhưng khi Thụy Sĩ càng cố gắng sử dụng hình ảnh để quảng bá du lịch, sự chia rẽ sâu bắt đầu xuất hiện bởi nhiều người muốn đến các vùng núi, sông hồ thay vì các trung tâm thành phố đông đúc, nơi nhiều khách sạn đang phải chịu khủng hoảng.

Số khách nghỉ qua đêm tại các khách sạn Thụy Sĩ giảm 47,5%, mức giảm kỷ lục, trong nửa đầu năm 2020, trong đó nhu cầu từ khách nước ngoài giảm 60%.

Trong tháng 6, số khách nghỉ qua đêm giảm 62%, ngay cả khi chính phủ Thụy Sĩ nới lỏng các lệnh giãn cách và mở cửa biên giới cho các thành viên của khu vực tự do đi lại Schengen.

Thierry Lavalley, chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Geneva, cho biết tác động của đại dịch rất thảm khốc. Ngành kinh doanh khách sạn tại Geneva đang trong tình trạng “phải chăm sóc đặc biệt” khi có tới 40 khách sạn đóng cửa.

Trước kia, cứ 5 khách nước ngoài thì có 4 khách ở lại qua đêm tại Geneva. Con số này hiện chỉ là quá khứ xa vời.

Khách du lịch mùa hè từ châu Á, Trung Đông và Bắc Mỹ không còn, ông Lavalley cho biết. Người dân từ những khu vực này nhập cảnh Thụy Sĩ sẽ phải đối mặt với thời gian cách ly lên tới 10 ngày.

“Chúng tôi không thể dễ dãi với họ được. Họ không được phép vào Thụy Sĩ thoải mái và rất khó tìm được các chuyến bay đến Geneva với những hành khách từ các điểm xuất phát này. Vì vậy, đây thực sự là một thảm cảnh, không thể nào cứu vớt được”.

Ông ước tính doanh thu các khách sạn tại Geneva có thể giảm 75-80% so với năm 2019. 12.000 trong số 15.000 lao động trong các khách sạn đang được chính phủ Thụy Sĩ hỗ trợ bằng các chương trình làm việc bán thời gian.

Đối với Marie Forestier, giám đốc khách sạn Bon Rivage ở La Tour-de-Peilz đã mở cửa trở lại vào tháng 5, công việc kinh doanh đã bắt đầu phục hồi từ giữa tháng 7 nhờ những khách hàng đặt phòng vào phút chót.

“Có rất nhiều công việc, nhưng chúng tôi đoàn kết và điều này thực sự tuyệt vời. Dù vậy, chúng tôi vẫn phải suy nghĩ về tương lai bất định phía trước”.

Hoa Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM