Khách sạn nổi từng gây sốt ở Việt Nam: Nay chỉ còn là "khối sắt vụn" buồn ở Triều Tiên

17/11/2021 09:30 AM | Xã hội

Sau khi chuyển chủ, khách sạn nổi đã gặp một "biến cố lớn" và buộc phải ngừng hoạt động vô thời hạn.

Từng là một công trình "khủng" và trải qua thời kỳ hoàng kim tại Việt Nam , ít ai ngờ rằng khách sạn nổi đầu tiên trên thế giới sẽ phải dừng chân, hoen gỉ, và chìm vào lãng quên tại Triều Tiên .

Khách sạn nổi đầu tiên trên thế giới là "đứa con tinh thần" của một doanh nhân, thợ lặn chuyên nghiệp người Italy tên Doug Tarca. Ông Tarca sinh sống tại thành phố Townsville, bờ Đông Bắc Queensland, Australia, và rất yêu Rạn san hô Great Barrier ở nơi đây.

Năm 1983, ông Tarca đã mở công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách du lịch di chuyển từ Townsville đến rạn san hô.

Nhưng sau đó, ông đã nảy ra ý tưởng xây dựng một nơi dành cho những vị khách du lịch có nhu cầu nghỉ chân qua đêm gần rạn san hô.

 Khách sạn nổi từng gây sốt ở Việt Nam: Nay chỉ còn là khối sắt vụn buồn ở Triều Tiên - Ảnh 1.

Ảnh: CNN/Getty

Ban đầu, Tarca đã tính đến chuyện kéo các du thuyền cũ đến neo đậu gần địa điểm đã định, nhưng ông nhanh chóng nhận ra rằng việc xây dựng một khách sạn nổi sẽ rẻ hơn và thân thiện với môi trường hơn nhiều, và đã bắt đầu dự án vào năm 1986 tại xưởng đóng tàu Bethlehem của Singapore.

Chi phí xây dựng công trình khách sạn nổi được ước tính vào khoảng 45 triệu USD – hơn 100 triệu USD nếu tính theo giá tiền ngày nay. Nó đã được vận chuyển bằng tàu vận tải hạng nặng về rạn san hô John Brewer.

Khách sạn neo đậu trên mặt biển bằng 7 chiếc neo khổng lồ - được khéo léo sắp xếp để chúng không gây tổn hại đến rạn san hô. Con tàu không bơm nước thải xuống biển mà tái sử dụng nước, và rác thải được đưa lên đất liền để hạn chế tác động đến môi trường.

Tháng 3/1988, khách sạn nổi đầu tiên trên thế giới đã bắt đầu được đưa vào hoạt động với đẳng cấp 5 sao. Nó có 176 phòng - tương đương sức chứa 350 khách, 1 hộp đêm, hai nhà hàng, một phòng nghiên cứu, một thư viện, sân tenis và một cửa hàng bán dụng cụ lặn.

 Khách sạn nổi từng gây sốt ở Việt Nam: Nay chỉ còn là khối sắt vụn buồn ở Triều Tiên - Ảnh 2.

Ảnh: CNN/Getty

Chai rượu rỗng và hiện thực phũ phàng

Để đến được khách sạn này, khách hàng phải di chuyển bằng tàu cao tốc hoặc trực thăng với giá rất đắt - nếu tính theo giá tiền ngày nay có thể tương đương 350 đô/chuyến bay.

Khi mới được đưa vào sử dụng, khách sạn nổi đã tạo được tiếng vang vì tính mới mẻ của nó, và đối với những người thợ lặn thì nơi này giống như giấc mơ thành hiện thực. Ngay cả những người không biết lặn cũng có cơ hội ngắm nhìn vẻ đẹp mê hồn của rạn san hô nhờ chiếc Tàu ngầm Vàng (giống như tên bài hát của The Beatles).

Nhưng chỉ ít lâu sau đó, các nhà vận hành và khách hàng đã phải đối mặt với hiện thực phũ phàng: thời tiết xấu.

Vào những ngày thời tiết xấu, trực thăng hay tàu cao tốc đều không thể đón khách nên những người trong khách sạn sẽ bị kẹt lại đó.

Các nhân viên của khách sạn được bố trí nơi ở là tầng trên cùng, nơi bị chao đảo, rung lắc nhất trong khách sạn nổi này. Để nắm được tình hình ngoài biển, họ đã phải treo một chai rượu whisky rỗng lên trần nhà và theo dõi, chuẩn bị tinh thần phục vụ một loạt khách hàng say sóng.

Ngoài ra, trước khi đi vào hoạt động một tuần, một trận lốc xoáy lớn đã ập đến khiến bể chứa nước sạch của khách sạn nổi bị hư hỏng nặng. Tệ hơn nữa, người ta còn phát hiện một bãi đạn pháo từ thời Thế chiến II chỉ cách khách sạn 3km, khiến nhiều khách hàng tiềm năng sinh tâm lý e ngại.

Chỉ trong vòng 1 năm, khách sạn nổi của ông Tarca đã thua lỗ nặng, hết chi phí vận hành, và phải âm thầm đóng cửa khi chưa lần nào được hoạt động hết công suất.

 Khách sạn nổi từng gây sốt ở Việt Nam: Nay chỉ còn là khối sắt vụn buồn ở Triều Tiên - Ảnh 3.

Saigon Hotel từng rất hút khách trong 5 năm đầu đến Việt Nam. Ảnh: CNN/Getty

Thời hoàng kim ở Việt Nam và điểm đến cuối cùng

Năm 1989, khách sạn nổi đã bắt đầu hành trình thứ 2 sau khi người chủ sở hữu bán cho một công ty tại thành phố Hồ Chí Minh. Được đổi tên thành Saigon Hotel - hay còn được biết đến với tên gọi "The Floater", công trình này đã neo đậu bên bến Bạch Đằng của sông Sài Gòn gần 1 thập kỷ.

Saigon Hotel từng rất hút khách trong 5 năm đầu ở thành phố Hồ Chí Minh. Vào thời điểm đó, giá phòng 1 đêm là 355 USD (gần 8 triệu VNĐ) và từng được lãnh đạo thành phố đặt làm địa điểm tiếp khách quốc tế. Nhiều công ty, tập đoàn nước ngoài cũng tổ chức sự kiện, hội thảo quan trọng tại khách sạn này.

Tuy nhiên, sau đó, khi kinh tế Việt Nam phát triển hơn cùng sự xuất hiện của nhiều khách sạn cấp cao khác, thị phần và doanh thu của Saigon Hotel năm 1995 giảm mạnh.

Đến năm 1998, sức hút của Saigon Hotel đã nguội hẳn và quyết định đóng cửa. Nhưng thay vì phá dỡ, khách sạn được bản lại cho Công ty Du lịch Huyndai Asan trực thuộc Tập đoàn Huyndai (Hàn Quốc) với giá sang nhượng tương đương 18 triệu USD.

Sau khi sửa sang, nâng cấp, công ty đã đổi tên khách sạn nổi thành Hotel Haekumgang và đưa nó đến tận Triều Tiên để phục vụ du khách đến núi Kumgang - một địa điểm nổi tiếng ở khu vực biên giới Hàn-Triều.

Tháng 10/2000, Hotel Haekumgang bắt đầu cuộc đời mới và đón nhiều đoàn khách du lịch tới thăm.

 Khách sạn nổi từng gây sốt ở Việt Nam: Nay chỉ còn là khối sắt vụn buồn ở Triều Tiên - Ảnh 4.
 Khách sạn nổi từng gây sốt ở Việt Nam: Nay chỉ còn là khối sắt vụn buồn ở Triều Tiên - Ảnh 5.
 Khách sạn nổi từng gây sốt ở Việt Nam: Nay chỉ còn là khối sắt vụn buồn ở Triều Tiên - Ảnh 6.
 Khách sạn nổi từng gây sốt ở Việt Nam: Nay chỉ còn là khối sắt vụn buồn ở Triều Tiên - Ảnh 7.

Khách sạn đẹp lung linh sau khi Hyundai Asan sửa sang

Tuy nhiên, theo CNN, một bi kịch rúng động đã xảy ra năm 2008: một binh sĩ Triều Tiên bắn chết nữ du khách Hàn Quốc 53 tuổi đi vào khu quân sự. Quan hệ hai nước từ đó cũng bị ảnh hưởng, và Hyundai Asan buộc phải đình chỉ tất cả các tour du lịch.

Kể từ đó, Hotel Haegumgang cũng bị đóng cửa, bỏ hoang và trở thành khối sắt gỉ khổng lồ.

Trong chuyến thăm núi Kumgang năm 2019, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã thể hiện sự không hài lòng về những công trình tồi tạn như Hotel Haegumgang và đã ra lệnh phá hủy để tái thiết khu vực này cho phù hợp với văn hóa Triều Tiên.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc phá dỡ công trình khách sạn nổi bỏ hoang đã phải tạm gác lại và đứng trước tương lai bất định.

Mặc dù vậy, có thể nói rằng công trình này khó có thể cạnh tranh với những tiện nghi hiện nay, khi các du thuyền đã trở nên rất phổ biến./.

Hồng Anh

Cùng chuyên mục
XEM