Khách sạn này đã hoạt động liên tục suốt 1.300 năm, bí quyết để tồn tại cả thiên niên kỷ của họ là gì?

12/07/2016 11:19 AM | Kinh doanh

Muốn tồn tại được lâu, bí kíp kinh doanh gói gọn trong 2 từ: Nhỏ và Đơn giản.

Keiunkan là một khách sạn suối nước nóng nằm tại vùng Komatsu, Nhật Bản. Được thành lập từ năm 705 sau công nguyên, tức là 300 năm trước khi Vikings tới Mỹ và 225 năm trước khi vương quốc Anh chính thức được thành lập. Keiunkan được sở hữu và điều hành bởi 52 thế hệ liên tiếp trong cùng 1 gia đình.

Hiện tại Keiunkan đã được 1.311 năm tuổi. Và trong suốt giai đoạn đó, khách sạn này chưa hề đóng cửa dù chỉ một ngày, nó vẫn hoạt động bất kể tình hình thế giới diễn biến ra sao.

Với lịch sử hơn 1.300 năm tuổi như vậy, không quá ngạc nhiên khi năm 2011, Keiunkan được sách kỷ lục Guinness công nhận là khách sạn lâu đời nhất thế giới.

Điều thú vị là khách sạn lâu đời thứ 2 thế giới cũng ở Nhật Bản, có tên là Hoshi Pyokan, thành lập sau Keiunkan 13 năm và vị trí nằm ở cách Keiunkan khoảng 6 giờ lái xe.

Ngoài lịch sử lâu đời, "đặc sản" của Keiunkan còn có dòng suối nước nóng vẫn không ngừng chảy kể từ khi khách sạn chính thức hoạt động. Lần duy nhất khách sạn được cải tạo lại là vào năm 1997 nhưng nội thất và kiến trúc hầu như vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.

Đây vốn là nơi nghỉ dưỡng ưa thích của rất nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng như tướng quân đầu tiên của Nhật Bản - Tokugawa Ieyasu. Có tổng cộng 37 phòng với mức giá trong khoảng từ 300 - 500 USD/đêm, Keiunkan luôn được khách hàng đánh giá cao bởi thái độ phục vụ qua hơn 50 đời của các thế hệ chủ và nhân viên.

Vậy bí quyết trường tồn cả thiên nhiên kỷ của Keiunkan là gì?

Keiunkan được thành lập bởi Fujiwara Mahito - con trai ngài Fujiwara Kamatari - một phụ tá thân cận của hoàng đế đời thứ 38 Nhật Bản Tenji.

Trong suốt lịch sử hơn 1.000 năm, khách sạn này vẫn được điều hành bởi các thành viên trong cùng một gia đình. Hiện tại, thế hệ thứ 52 của gia tộc này đang tiếp tục quản lý khách sạn và khiến nó hoạt động trơn tru.

Nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao rất nhiều công ty, không chỉ khách sạn lâu đời lại có mặt tại Nhật Bản, liệu họ có bí quyết gì đặc biệt hay không? Câu trả lời là CÓ.

Làm một phép so sánh, khách sạn lâu đời nhất ở châu Âu là Zum Roten Baeren tại Freiburg được thành lập năm 1454, tức là hơn 500 năm tuổi. Con số này rõ ràng vẫn rất lu mờ so với không chỉ Keiunkan mà cả những khách sạn lâu đời thứ 2, 3 và 4 tại Nhật Bản.

Trên thực tế, 6 trong 10 khách sạn lâu đời nhất thế giới vẫn đang hoạt động tại Nhật Bản và 56% các công ty có tuổi thọ hơn 200 tuổi trên thế giới cũng thuộc về Nhật Bản. Trong khi đó vị trí thứ 2 thuộc về Đức với chỉ 14%.

Vậy bí quyết tồn tại tới hơn 1 thiên nhiên kỷ của Keiunkan là gì?

Để tìm ra công thức bí mật tạo nên thành công của Keiunkan, có lẽ không gì dễ dàng hơn là nhìn vào sự sụp đổ của Kongo Gumi - công ty xây dựng đền thờ phật giáo từng được xem là công ty gia đình hoạt động liên tục lâu đời nhất thế giới.

Được thành lập năm 578 sau công nguyên, công ty này vẫn hoạt động tốt cho tới năm 1980, thế hệ con cháu trong gia đình này quyết định mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản, họ thậm chí tìm đến phương thức vay nặng lãi để dồn cho những thương vụ đầu tư đầy rủi ro.

Hậu quả là Gumi dần chìm sâu vào nợ nần, mọi chuyện càng trở nên tồi tệ trong giai đoạn diễn ra suy thoái kinh tế những năm 1990. Năm 2006, một công ty xây dựng lớn đã mua lại công ty này kèm theo khoản nợ lên tới 343 triệu USD.

Rất nhiều người tin rằng sự thất bại của Kongo Gumi là bởi họ bắt đầu ưu tiên cho tăng trưởng thay vì duy trì sự ổn định. Những chuyên gia này cũng chỉ ra rằng có tới 90% các công ty trên 100 năm tuổi sử dụng ít hơn 300 nhân viên và họ đưa ra kết luận rằng muốn tồn tại được lâu, bí kíp kinh doanh gói gọn trong 2 từ: Nhỏ và Đơn giản.

Với Keiunkan, có thể nhận thấy họ hoàn toàn có thể phát triển lớn hơn nữa nhưng gia đình sở hữu khách sạn này lại quan tâm tới việc bảo tồn những truyền thống kinh doanh song song với việc vận hành công ty. Quan trọng hơn, họ chỉ tập trung vào những mảng kinh doanh mà mình hiểu rõ.

Ngoài ra, đặc điểm nổi bật của mảng kinh doanh đồ uống, khách sạn, quán rượu hay nhà hàng là có nhu cầu liên tục, mặc cho những thay đổi trên thế giới. Chính điều này đã khiến trung bình, khách sạn là mảng kinh doanh có tuổi thọ lâu nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, nếu không quan tâm tới dịch vụ và tiến hành những cải tiến trên phạm vi nhỏ liên tục (mà trong trường hợp của Keiunkan là việc phát triển thêm nguồn suối nước nóng mới) bên cạnh việc duy trì danh tiếng lâu đời để thu hút khách hàng, Keiunkan không thể thành công lâu tới vậy được.

Trong kỷ nguyên mà hầu hết các công ty đều sụp đổ chỉ sau 15 năm, rất đáng để những chủ doanh nghiệp nhỏ lưu tâm đến bài học về sự đơn giản của Keiunkan.

Triết lý kinh doanh của khách sạn nghìn năm tuổi này là: Duy trì nhỏ thôi, làm những gì mình thực sự hiểu và luôn tập trung vào phát triển danh tiếng. Đừng chỉ chăm chăm đạt tăng trưởng bằng mọi giá như một số công ty đang cố gắng làm!

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM