Khách quốc tế đến Việt Nam chi 1.200 USD trong khi đến Thái Lan tiêu 2.500 USD, Việt Nam cần làm gì?

05/04/2023 08:31 AM | Kinh tế vĩ mô

Năm 2019, chi tiêu trung bình khách du lịch quốc tế ở Việt Nam là 1.200 USD/người, thời gian ở lại 9,1 - 9,2 ngày. Bên cạnh đó, Thái Lan đón 40 triệu lượt khách quốc tế có mức chi trả cao 2.400 - 2.500 USD/người và tỷ lệ quay trở lại lên đến 70%.

Khách quốc tế đến Việt Nam chi 1.200 USD trong khi đến Thái Lan tiêu 2.500 USD, Việt Nam cần làm gì? - Ảnh 1.

Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 2,7 triệu lượt, gấp 29,7 lần cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019. Sau quyết định mở cửa trở lại nền kinh tế từ 15/3/2022, khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng trở lại, song vẫn còn khoảng cách khá xa so với thời điểm trước dịch.

Tại tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế” diễn ra vào tháng 3/2023, Trưởng ban Thư ký, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính cho biết, năm 2019, chi tiêu trung bình khách du lịch quốc tế ở Việt Nam là 1.200 USD/người, thời gian ở lại 9,1 - 9,2 ngày. Cùng năm đó, Thái Lan đón 40 triệu lượt khách quốc tế có mức chi trả cao 2.400 - 2.500 USD/người và tỷ lệ quay trở lại lên đến 70%.

Trên thực tế, để tăng tốc phục hồi thị trường du lịch, nhiều biện pháp đã được Chính phủ và ngành du lịch triển khai. Chính phủ đã thống nhất đề xuất Quốc hội đưa các chính sách mới về xuất nhập cảnh vào Nghị quyết chung tại Kỳ họp Quốc hội vào tháng 5/2023 để thực hiện được ngay.

Cụ thể, đề xuất Quốc hội cho phép nâng thời hạn thị thực điện tử (E-visa) từ không quá 30 ngày lên không quá 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước, vùng lãnh thổ trên thế giới và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ. Đồng thời, nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.

Trong đó, việc miễn thị thực cho những thị trường có mức chi trả cao, đến đông như châu Âu, Mỹ, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ… đang đặt ra cấp thiết. Đây được xem là “đòn bẩy” giúp ngành kinh tế xanh Việt Nam phục hồi cả lượng và chất.

Ngoài ra, ông Martin Koerner, Trưởng tiểu ban Du lịch, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đưa ra 2 điểm nghẽn Việt Nam cần khắc phục là cải thiện chính sách visa và chào đón du khách nước ngoài niềm nở hơn ngay tại sân bay, cửa khẩu.

Cùng với đó, TS. Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, chính sách visa và những thủ tục hành chính đang gây khó khăn cho du khách nước ngoài đến thăm Việt Nam. Trong khi tăng số lượng các quốc gia được miễn visa có thể kéo hàng triệu khách du lịch đến khám phá “đất nước hình chữ S”.

“Càng mở rộng diện miễn visa thì càng được hưởng lợi. Khách ở càng lâu, tiêu càng nhiều tiền. Đây là mối quan hệ cấp số nhân. Du khách ở Việt Nam 7 ngày sẽ tiêu số tiền gấp đôi những người ở ít hơn 7 ngày. Do đó, việc miễn visa cũng cần hướng đến các thị trường ở lâu, chi nhiều tiền và đặc biệt là dòng khách có nhiều khả năng nhất trong việc truyền miệng về trải nghiệm tại Việt Nam và quay lại du lịch Việt Nam nhiều lần. Điều này sẽ mang lại hiệu quả cao, phát triển bền vững cho ngành kinh tế xanh”, TS. Nuno F. Ribeiro cho biết.

Theo Minh Tiến

Cùng chuyên mục
XEM