Khách mua hàng rồi bỏ "bom", xài thẻ "chùa", "rửa tiền" ảo...: Bạn từng là nạn nhân kiểu nào khi bán hàng online?

27/10/2016 09:46 AM | Công nghệ

Thương mại điện tử nói chung và mua bán, giao dịch trực tuyến nói riêng không còn quá xa lạ với đại đa số người dùng Internet Việt Nam. Thế nhưng, những hình thức kinh doanh này vẫn vấp phải không ít khó khăn, một trong số đó đến từ những tật xấu của một bộ phận người mua hàng Việt.

Ship hàng tới nơi, không liên lạc được

Một trong những lợi ích của kinh doanh trực tuyến so với cách mua hàng truyền thống nằm ở khả năng kết nối người mua và người bán mà không cần phải có một địa điểm "vật lý" cụ thể. Người nhận có thể nhận hàng tại bất cứ đâu mà không nhất thiết phải gặp người bán. Tuy nhiên, nhiều "thượng đế" lại lợi dụng những kẽ hở này để phá hoại việc kinh doanh của người khác.

Theo VeuExpress, dịch vụ mua hàng hộ từ Mỹ về Việt Nam này từng gặp phải tình trạng khách hàng đặt cọc trước khi mua nhưng không chịu trả nốt tiền khi hàng đã về kho, hoặc đòi lại tiền cọc vì "không còn nhu cầu" với món hàng đó.

Những trường hợp này xảy ra không thường xuyên, nhưng vẫn gây thiệt hại không nhỏ cho công ty này.

Thêm vào đó, dịch vụ COD (Collect on Delivery - giao hàng và thu tiền hộ) cũng là cái bẫy đối với nhiều người bán hàng cần gửi đồ đi tỉnh xa. Thay vì chuyển khoản trước, nhận hàng sau, các "thượng đế" yêu cầu dịch vụ này sẽ có thể trả tiền cho đơn vị giao nhận ngay khi nhận được món đồ.

Chính ưu thế tuyệt vời này đã nảy sinh ra nhiều trường hợp oái oăm, chẳng hạn như khách không chịu nhận hàng vì cho rằng không giống giới thiệu, bên giao nhận không thể liên lạc cho khách... Tất cả đều khiến món hàng buộc phải gửi trả lại và nơi bán lại chịu lỗ.

Không chỉ kinh doanh chính thống, các trang, nhóm bán hàng trên Facebook cũng là nạn nhân của các khách hàng "xấu tính" kể trên. Trường hợp không liên lạc được với khách, địa chỉ "ma" là chuyện xảy ra như cơm bữa, khiến người bán phải mất một khoản phí cho shipper, chưa kể khoảng thời gian và công sức vô ích đã bỏ ra.

Thẻ tín dụng chùa và vấn nạn rửa tiền ảo

CC chùa, thẻ tín dụng chùa là hình thức ăn cắp mã thẻ tín dụng, thẻ thanh toán quốc tế thông qua các công cụ phát tán virus, mã độc, web giả mạo... tinh vi. Hình thức trộm cắp ảo này đã xuất hiện từ thập kỷ trước, được không ít đối tượng người Việt lạm dụng để trục lợi.

Với các thẻ tín dụng ăn cắp được bán trên các thị trường ngầm, các đối tượng này sử dụng nhiều mánh khóe "rửa tiền", mà phổ biến nhất là mua hàng từ nước ngoài và bán lại giá rẻ.

Hình thức "rửa tiền" đơn giản nhất, an toàn nhất đối với những đối tượng này là mua đi, bán lại những mặt hàng ảo, mà cụ thể ở đây là tài khoản cao cấp cho các trang web chia sẻ file, thẻ nạp tiền để mua ứng dụng trên App Store hay Google Play hay các dịch vụ chơi game như PlayStation Network.

Thông thường, những người mua ham rẻ thường nhận hậu quả là tài khoản sẽ bị khóa tạm thời, hay tệ hơn là vĩnh viễn khi sử dụng những mặt hàng ảo phi pháp này.


Một trường hợp bị khóa tài khoản iTunes vì có dấu hiệu sử dụng thẻ nạp tiền ăn cắp. (Ảnh: Tinhte)

Một trường hợp bị khóa tài khoản iTunes vì có dấu hiệu sử dụng thẻ nạp tiền ăn cắp. (Ảnh: Tinhte)

Tinh vi hơn, một số kẻ chơi "CC chùa" còn dùng tiền ăn cắp được để mua hàng từ các trang TMĐT nước ngoài như eBay, Amazon và dùng mánh khóe để đưa về tiêu thụ trong nước.

Đối với các mặt hàng công nghệ hiện đại, việc kiểm tra số serial sản phẩm có thể cho biết được đây có phải là một sản phẩm ăn cắp hay không. Tuy nhiên, các đối tượng trên vẫn có thể kiếm lời bất chính từ những mặt hàng gia dụng, mỹ phẩm hay thực phẩm, quần áo.

Đã từng có một khoảng thời gian, nạn "CC chùa" tạm lắng xuống do sự truy quét gắt gao của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, loại tội phạm công nghệ cao này đang xuất hiện trở lại những năm gần đây.

Hậu quả từ những vụ việc kể trên là hàng loạt trang TMĐT quốc tế nói không với người dùng trong nước, hay "nhẹ tay" hơn là hạn chế và kiểm soát kỹ giao dịch có liên quan tới địa chỉ IP Việt Nam, sử dụng thẻ thanh toán trong nước hay có chuyển hàng tới nước ta.

Tệ hơn, các nền tảng hỗ trợ kinh doanh trực tuyến như Shopify cũng thận trọng hơn với giao dịch đến từ Việt Nam. Nên nhớ rằng thời gian để lọc các giao dịch này cũng không hề ít, gây ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp.

Ngọc Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM