Kế hoạch tài chính thông minh trước năm 30 tuổi: Sự nghiệp ổn định và tài chính vững mạnh trong tầm tay

31/12/2018 13:15 PM | Sống

Ngưỡng 30 tuổi thường được coi là cột mốc quan trọng trong cuộc sống và sự nghiệp của mỗi người. Vì vậy, nếu bạn muốn đạt được sự vững mạnh về tài chính ở độ tuổi này, hãy chuẩn bị càng sớm càng tốt.

1. Tập trung vào việc trả hết nợ

Hãy cố gắng trả hết các khoản nợ như vay vốn sinh viên, nợ thẻ tín dụng hay bất kỳ khoản nợ nào khác. Những món nợ thường đi kèm lãi suất, thậm chí một số khoản nợ có lãi suất rất cao.

Trả hết được những khoản nợ này sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu tài chính và tiết kiệm dễ dàng hơn nhiều. Rũ bỏ được gánh nặng nợ nần sẽ thật tuyệt vời.

2. Thiết lập kế hoạch ngân sách chi tiêu hàng tháng  

Tiết kiệm và trả nợ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu bạn có kế hoạch ngân sách cụ thể. Bạn có một buổi tối rảnh rỗi, đừng lãng phí, hãy ngồi xuống và viết ra tất cả những khoản thu chi của mình. Phân chia tiền hợp lý cho các khoản thuê nhà, hoá đơn, thức ăn, giải trí, trả nợ và tiết kiệm.

Khi bạn nắm rõ và thực hiện theo kế hoạch chi tiêu, bạn sẽ nhận thấy mình đang tiết kiệm được tiền mà không phải suy nghĩ quá nhiều về nó.

3. Dừng việc mua sắm bốc đồng

Mua sắm bốc đồng không chỉ làm giảm số tiền tiết kiệm của bạn mà nó còn là  một sự lãng phí. Trước khi mua một thứ gì đó, hãy tự hỏi bản thân mình những câu hỏi: "Mình có thật sự cần chúng?", "Tại sao?", "Mình sẽ trả cho món đồ đó bằng tiền trong ngân sách chi tiêu hay tiền tiết kiệm?"

Một nguyên tắc nhỏ là nếu bạn phải mua bằng tiền tiết kiệm, hãy bỏ món đồ đó xuống. Còn trong trường hợp bạn sử dụng tiền trong ngân sách đã đặt ra, hãy quay lại vào ngày hôm sau và mua nó nếu bạn vẫn muốn điều đó.

Kế hoạch tài chính thông minh trước năm 30 tuổi: Sự nghiệp ổn định và tài chính vững mạnh trong tầm tay - Ảnh 1.

4. Đặt ra mục tiêu nghề nghiệp dựa trên mục tiêu tài chính

Có thể bạn đã thiết lập sẵn kế hoạch phát triển sự nghiệp và đang gia tăng tài chính, nhưng việc viết lên các kế hoạch đó sẽ thúc đẩy bạn cố gắng hơn. Bạn cũng nên đặt ra một giới hạn để đạt được chúng. Bằng cách này bạn sẽ biết được mình đang ở đâu trong hành trình tiến đến mục tiêu.

5. Dừng mua món đồ xa xỉ

Hầu hết mọi người đều có một vài món đồ xa xỉ hoặc những đồ được mua thường xuyên. Hãy thử theo dõi chi tiêu của bạn trong một tháng và kiểm tra xem bạn có đang lãng phí tiền bạc cho một khoản nào đó không.

Ví dụ, nhiều người uống cà phê và ăn trưa ngoài hàng mỗi ngày, nhưng nếu bạn tự chuẩn bị đồ ăn cho mình có thể sẽ tạo ra sự khác biệt lớn về tài chính. Hãy thử dừng mua một thứ đồ xa xỉ nào đó để tiết kiệm tiền và giữ những khoản chi tiêu khác như phần thưởng cho chính bản thân mình.

6. Trả các hóa đơn đúng hạn

Một trong những mục tiêu tài chính quan trọng nhất ở tuổi 20 là trả tất cả các hóa đơn đúng hạn. Việc để quá nhiều hóa đơn không thanh toán sẽ khiến bạn gặp khó khăn hơn khi trả nợ. Bằng cách cài đặt chế độ thanh toán tự động sẽ giúp bạn không bị sót bất cứ hóa đơn nào hết.

7. Nên có một khoản tiết kiệm để dùng trong các trường hợp khẩn cấp

Khoản tiết kiệm này ít nhất nên bằng 6 tháng chi phí sinh hoạt của bạn. Nghe thì có vẻ nó là một khoản tiền lớn, nhưng bằng cách tiết kiệm hàng tháng bạn sẽ có đủ tiền để trang trải chi phí sinh hoạt cho nửa năm. Không có gì là chắc chắn trong tương lai nhưng cuộc sống sẽ bớt căng thẳng hơn nếu bạn có sẵn phương án dự phòng cho trường hợp tệ nhất.

Kế hoạch tài chính thông minh trước năm 30 tuổi: Sự nghiệp ổn định và tài chính vững mạnh trong tầm tay - Ảnh 2.

8. Tiết kiệm để mua nhà

Việc tiết kiệm tiền bạc để mua nhà ở tuổi đôi mươi là không thật sự cần thiết nhưng nếu bạn đã thanh toán hết các khoản nợ nần, đó lại là một ý tưởng thông minh. Để có đủ tiền mua nhà thường mất một thời gian dài tiết kiệm và bạn càng bắt đầu sớm thì  càng dễ mua được sớm.

9. Đầu tư một cách khôn ngoan

Đầu tư là một cách hữu ích để giúp gia tăng tài chính nhưng hãy cẩn trọng khi đưa ra quyết định. Hãy tìm sự hướng dẫn từ các chuyên gia và nhờ họ hỗ trợ cũng như đưa ra những lời khuyên cho bạn.

Bạn cũng nên tập thói quen ghi chép vì chúng có thể giúp bạn đưa ra các quyết định về tài chính sáng suốt hơn trong tương lai.

10. Bắt đầu tiết kiệm cho nghỉ hưu

Nhiều người nghĩ rằng, việc này là điều cả thập kỷ sau mới nên làm nhưng việc tiết kiệm một khoản tiền nhỏ mỗi tháng cho mục đích nghỉ hữu sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong tương lai.

Tại thời điểm này, bạn không cần tiết kiệm hưu trí quá nhiều, vì vậy hãy nhìn vào ngân sách cụ thể của mình và đưa ra số tiền hợp lý.

Bạn có thể áp dụng quy tắc là ban đầu tiết kiệm khoảng 5% số tiền lương hàng tháng, sau đó theo thời gian có thể tăng dần lên 20%.

An Chi

Cùng chuyên mục
XEM