Jack Ma: Muốn thành công thì thông minh là chưa đủ, còn phải biết thương nhân viên

18/12/2019 14:01 PM | Kinh doanh

"Nếu bạn muốn thành công trong 30 năm tới, hãy nghĩ đến người khác chứ đừng chỉ nghĩ đến bản thân mình", Jack Ma tuyên bố.

Mọi người trên thế giới có lẽ chẳng còn xa lạ gì với tỷ phú Jack Ma, người sáng lập nên một trong những tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới là Alibaba. Câu chuyện khởi nghiệp của ông từ một giáo viên dạy tiếng Anh đến khi tạo nên đế chế thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc là nguồn cảm hứng cho vô vàn startup.

Nghiên cứu lại quãng đường xây dựng sự nghiệp của Jack Ma, rất nhiều người cho rằng tầm nhìn, sự chăm chỉ, lòng quyết tâm của ông đã giúp vị tỷ phú này thành công. Dẫu vậy, Jack Ma lại cho rằng triết lý 3Q mới là nền tảng tạo dựng nên sự nghiệp thành công của mình, gồm IQ (trí thông minh), EQ (trí tuệ cảm xúc) và LQ (lòng trắc ẩn).

Jack Ma: Muốn thành công thì thông minh là chưa đủ, còn phải biết thương nhân viên - Ảnh 1.

"Nếu một người muốn thành công trong sự nghiệp, họ nên có trí tuệ cảm xúc tốt, nếu một doanh nhân không muốn thất bại quá nhanh, họ nên có một trí thông minh cao, nhưng nếu bạn muốn được mọi người tôn trọng thì bạn phải có lòng trắc ẩn", Jack Ma nói.

Trong khi chỉ số IQ đo lường mức độ thông minh, trí tuệ, đánh giá khả năng tư duy, tính toán thì EQ lại đo lường trí tưởng tượng, sức sáng tạo của một con người. Những người có EQ tốt sẽ điều tiết được cảm xúc bản thân cũng như đánh giá được cảm xúc của người khác cực tốt.

Dẫu vậy với LQ (Love Quotient), đây là một khái niệm rất mới khi nói về sự đam mê, lòng trắc ẩn, làm việc với linh hồn và trái tim. Triết lý này được Jack Ma đưa ra khi rất nhiều lao động hiện nay làm việc như một cỗ máy, không có sự đam mê với công việc, không có sự thông cảm với đồng nghiệp hay khách hàng và chẳng có tình yêu nào ngoài sở thích kiếm tiền.

Muốn thành công phải có "tình yêu"

Với Jack Ma, dù máy móc hay trí thông minh nhân tạo có hiện đại thế nào đi chăng nữa cũng chẳng thay thế được con người bởi chúng không có linh hồn, không có sự đam mê, lòng trắc ẩn và tình yêu. Chỉ có con người mới có được những thứ này và đây mới chính là điểm mạnh của nhân lực trong kỷ nguyên mới khi công nghệ có khả năng cướp nhiều việc làm từ tay người lao động.

Ngoài ra, Jack Ma cũng cho rằng LQ quan trọng hơn IQ và EQ bởi nếu trở thành một cỗ máy kiếm tiền, một gã nhà giàu không có lòng trắc ẩn và tình yêu thì cũng chả có giá trị gì, bạn sẽ chẳng được mấy ai tôn trọng thực sự.

Jack Ma: Muốn thành công thì thông minh là chưa đủ, còn phải biết thương nhân viên - Ảnh 2.

Theo Jack Ma, những mẫu thuẫn là điều khó tránh khỏi trong kinh doanh nhưng hiếm nhà lãnh đạo nào giải quyết nó được bằng lòng trắc ẩn, tình yêu hay LQ của mình. Mỗi lần đối đầu, các công ty hoặc là rút lui, hoặc triệt tiêu đối phương mà rất ít khi chịu nghĩ đến lợi ích chung và bắt tay hợp tác.

Tương tự trong công việc, các doanh nghiệp ngày nay đề cao trí thông minh, hiệu quả, năng suất mà bỏ qua cảm xúc cũng như sức khỏe của lao động, đồng nghiệp.

Thậm chí, nhiều nhà lãnh đạo ngày nay trở nên cô đơn bởi họ không thông cảm cho nhân viên, điều hành như một cái máy với kết quả công việc trên hết. Tỷ phú Jack Ma cho rằng những doanh nhân thành đạt này sẽ chẳng bền lâu khi IQ và EQ thì cao mà LQ quá ít. Thành công mà không đi kèm với sự tôn trọng, lòng trắc ẩn và tình yêu thì khó bền vững.

Sớm hay muộn, nếu bạn làm việc như một cái máy thì sau này công nghệ và trí thông minh nhân tạo cũng sẽ thay thế được bạn. Chỉ có tình yêu và lòng trắc ẩn, thái độ làm việc cầu thị với một "tình người" mới đem lại lới thế cho người lao động.

"Nếu bạn muốn thành công trong 30 năm tới, hãy nghĩ đến người khác chứ đừng chỉ nghĩ đến bản thân mình", Jack Ma tuyên bố.

Tầm nhìn của nhà khởi nghiệp vĩ đại

Nhà sáng lập Alibaba hiện đã nghỉ hưu khỏi đế chế mà ông gây dựng nên để tập trung cho giáo dục, mảng mà ông gọi là "quan trọng và chủ chốt" cho nền kinh tế toàn cầu. Theo diễn giải của Jack Ma, thế giới đang thay đổi nhanh chóng nhưng nền giáo dục thì lại đang dậm chân tại chỗ.

Theo Jack Ma, học sinh ngày nay được giáo dục quá nhiều về kỹ năng, IQ hay thậm chí là EQ mà quên đi mất LQ. Nhà sáng lập Jack Ma kêu gọi chính phủ và các nhà trường thay đổi cách giáo dục truyền thống để trẻ em có thể tham gia hoạt động nhóm, nhận biết những giá trị ngoài các kỹ năng mềm cần thiết cho công việc.

Chuyên gia giáo dục Andreas Schleider của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đồng tình với quan điểm của Jack Ma khi cho rằng trường học ngày nay hướng đến đào tạo những cỗ máy làm việc hơn nuôi dưỡng nên một con người trưởng thành.

Tỷ phú Jack Ma cho rằng giáo dục ngày nay không nên bó buộc vào những lớp học có thời gian cố định, giáo viên không nhất thiết phải biết hết mọi thứ và các câu hỏi kiểm tra không nên chỉ nhằm tìm đáp án chính xác.

"Nếu bạn chỉ tập trung vào tiêu chuẩn hóa giáo dục thì mọi thứ đều có thể thay thế bằng máy móc chứ chẳng cần nhân lực", Jack Ma nói.

Jack Ma: Muốn thành công thì thông minh là chưa đủ, còn phải biết thương nhân viên - Ảnh 3.

Rất nhiều chuyên gia giáo dục phản đối quan điểm của nhà sáng lập Alibaba khi cho rằng kiến thức chuyên môn không nên bị đánh giá thấp, trường học nên tập trung vào kỷ luật và nâng cao học thuật cho sinh viên.

Bất chấp những lời phản đối, Jack Ma đã lấy kinh nghiệm của bản thân để chứng minh luận điểm của mình. Ông trượt đại học vài lần và cuối cùng phải đỗ vớt vào một trường dạy nghề để trở thành giáo viên. Tỷ phú Jack Ma mỉa mai khi cho rằng những người thi trượt đại học, những kẻ bị coi là thất bại theo cách giáo dục truyền thống khi cố thi đỗ vào những ngôi trường hàng đầu như ông lại được làm người đi dạy kẻ khác.

AB

Cùng chuyên mục
XEM