Intel Việt Nam chi 74 triệu đồng/tháng cho mỗi công nhân khi áp dụng "một cung đường hai địa điểm"

21/08/2021 12:19 PM | Kinh doanh

Đại diện Intel Việt Nam cho biết, "Các chi phí đã ảnh hưởng đến kế hoạch ngân sách của Intel. Nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của chúng tôi nếu nó tiếp tục như thế này."

Tại cuộc họp giữa các doanh nghiệp, hiệp hội FDI với lãnh đạo TP.HCM sáng 20/8, bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH Intel Product Việt Nam (Intel Việt Nam) cho biết doanh nghiệp áp dụng mô hình "một cung đường hai địa điểm" cho 1.870 người lao động. Chi phí phát sinh từ việc phòng chống dịch trong giai đoạn 15/7-15/8 khoảng 140 tỷ đồng (6 triệu USD).

Con số này nếu chia bình quân đầu người thì chi phí cho mỗi công nhân của Intel trong việc đảm bảo phòng dịch lên tới 74 triệu đồng/người/tháng, con số này còn vượt quá chi phí trả lương cho công nhân viên.

Theo bà Hồ Thị Thu Uyên, chi phí bao gồm việc cung cấp chỗ ngủ cho công nhân. Intel Việt Nam đã phải trang trải chi phí phòng khách sạn và xét nghiệm vi rút hàng ngày cho hàng nghìn công nhân, cả nhân viên của mình và của các nhà cung cấp. Bà Uyên cho biết: "Các chi phí đã ảnh hưởng đến kế hoạch ngân sách của Intel. Nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của chúng tôi nếu nó tiếp tục như thế này." 

Đại diện của Intel cho biết Intel Việt Nam có 86% người lao động đã tiêm mũi vaccine đầu tiên.

Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, bà Hồ Uyên đã đề xuất phương án "2 tại chỗ, một vùng xanh". Với phương án này, công nhân sản xuất, ăn uống tại nhà máy nhưng trở về nghỉ ngơi ở vùng an toàn, ngoài nhà máy. Vùng an toàn đó có thể là nhà riêng, khu nhà trọ hay khách sạn… nhưng phải nằm trong "vùng xanh".  phương án "2 tại chỗ, 1 vùng xanh" tương đồng với phương án "4 xanh" mà TPHCM mới hướng dẫn.

DN đã gửi kế hoạch chi tiết thực hiện phương án này. Trong đó có nêu rõ đối tượng nào tham gia thí điểm. Intel Product sẽ bắt đầu với một nhóm từ 10-30 người trong 2 tuần, được sàng lọc từ những vùng không phong toả, vùng không có ca nhiễm.

Intel hiện cũng đang thuê khách sạn làm nơi lưu trú cho công nhân khi thực hiện "2 điểm đến, 1 cung đường". Nhưng với phương án thí điểm mới, người lao động (NLĐ) được về nơi lưu trú, đây là vấn đề khó nhất trong phương án này. Do vậy, các trường hợp ở nhà riêng thì quy trình rất chặt chẽ. NLĐ được xét nghiệm trước 3 ngày, xét nghiệm lần thứ 2 ở thời điểm bắt đầu vào nhà máy, sau đó tiếp tục xét nghiệm 5 ngày/2 lần.

"Chúng tôi sẽ bố trí xe xét nghiệm đến từng nhà để xét nghiệm thêm đại diện một thành viên trong gia đình. Khi tham gia phương án này, NLĐ phải cam kết cho cả gia đình trong việc tuân thủ 5K, ‘ai ở đâu thì ở đó’, bà Uyên cho hay.

Những công nhân sau sàng lọc được bố trí khu vực làm việc riêng, không làm chung với NLĐ đang thực hiện theo phương án "3 tại chỗ". DN cũng tổ chức phương tiện riêng đưa đón nhóm NLĐ tham gia thí điểm, trên một cung đường nhưng có thể nhiều điểm đón. "Với cung đường xanh, trước mắt không để NLĐ di chuyển bằng phương tiện cá nhân, vì sẽ khó kiểm soát lộ trình. Khi việc thí điểm an toàn thì hướng lâu dài chúng tôi sẽ tính toán cho NLĐ đi bằng phương tiện cá nhân", bà Hồ Uyên cho biết.

Nếu được TPHCM chấp thuận phương án sản xuất mới, Intel Việt Nam sẽ từng bước chuyển từ phương án "3 tại chỗ" sang phương án "2 tại chỗ, 1 vùng xanh". "Việc này sẽ theo lộ trình, chúng tôi chưa chuyển trạng thái toàn bộ", bà Uyên nói thêm, đồng thời cho biết DN sẽ phải báo cáo kế hoạch thực hiện chi tiết trước BCĐ phòng chống dịch COVID-19 TPHCM và cơ quan chuyên môn.

Cũng tại cuộc họp, Công ty Jabil Việt Nam cho biết, cũng đang áp dụng "một cung đường, hai địa điểm" cho 2.500 lao động. Chi phí mỗi tháng cho mô hình này khoảng 120 tỷ đồng. Với chi phí này, bình quân chi phí chống dịch cho mỗi lao động vào khoảng 48 triệu đồng/tháng/người. Jabil cho biết doanh nghiệp chỉ hoạt động với công suất dưới 30% nên bị hụt 60 triệu USD doanh thu xuất khẩu mỗi tháng.

Thông tin điện tử Chính phủ đưa tin, ngoài Intel Việt Nam thì Datalogic, một DN khác trong Khu công nghệ cao TPHCM cũng đề xuất được thí điểm phương án "2 tại chỗ, 1 vùng xanh".

Theo bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM, thực chất đây là phương án "4 xanh" mà Thành phố đã có chủ trương, nhưng các DN phải báo cáo trước BCĐ phòng chống dịch COVID-19 Thành phố chi tiết kế hoạch thực hiện nhằm tính toán những tình huống rủi ro có thể xảy ra.

Về phương án mới, theo bà Lê Bích Loan, nhiều yếu tố rủi ro hơn so với "3 tại chỗ" khi cho phép NLĐ trở về nhà. Việc tuân thủ 5K hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự giác của NLĐ. Chỉ sơ suất một chút là có thể lây nhiễm, nên phương án này cần sự hợp tác tuyệt đối từ NLĐ và gia đình họ.

Để thực hiện phương án sản xuất mới, bà Loan cho rằng cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và các DN. "Hôm nay khu phố này là vùng xanh nhưng có thể ngày mai có ca nhiễm. Do vậy thông tin các địa bàn có ca nhiễm mới trong cộng đồng phải được cập nhật liên tục hằng ngày để DN kịp thời ứng phó. Thậm chí DN phải được kết nối với chính quyền các phường, các tổ dân phố, nhà trọ nơi công nhân của mình cư trú", bà Loan nói.

Bà Lê Bích Loan cũng nhấn mạnh, việc đưa ra một mô hình sản xuất mới linh hoạt để phù hợp với thực tế không có nghĩa là phủ nhận mô hình "3 tại chỗ". DN nào đang thực hiện tốt "3 tại chỗ" vẫn tiếp tục duy trì, khuyến khích. Còn DN nào đang gặp khó khăn thì linh động áp dụng các phương án sản xuất an toàn, bảo đảm phòng chống dịch. Về lâu dài, bà Lê Bích Loan vẫn mong rằng cần phải tiêm phủ 2 mũi vaccine cho NLĐ mới có thể phục hồi sản xuất.

Theo ông Alan Danner, Giám đốc Tài chính, Intel Products Việt Nam, tính tới năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu lũy tiến của nhà máy Intel tại SHTP đạt trên 50 tỉ đô la và tạo ra gần 7.000 việc làm trong đó gồm cả 2.700 nhân viên Intel.

Ngày 27/1/2021, Tập đoàn Intel (Mỹ) đã đón giấy chứng nhận điều chỉnh bổ sung vốn đầu tư thêm 475 triệu đô la Mỹ vào Intel Products Việt Nam (IPV), nhà máy lắp ráp và kiểm định (ATM) có quy mô phòng sạch lớn nhất trong hệ thống Intel toàn cầu.

Khoản đầu tư bổ sung trị giá 475 triệu đô la Mỹ từ Intel giúp tăng cường sản xuất các sản phẩm 5G của Intel, bộ xử lý Intel Core với công nghệ Intel Hybrid và bộ xử lý Intel Core thế hệ thứ 10.

Đây là khoản đầu tư mới bên cạnh khoản đầu tư hơn 1 tỉ đô trước đó của Intel để xây dựng cơ sở sản xuất thử nghiệm và lắp ráp chip hiện đại tại Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) – dự án đã được công bố lần đầu vào năm 2006. Như vậy, tổng vốn đầu tư của Intel tại Việt Nam hiện tại đã lên tới hơn 1,5 tỉ đô la Mỹ.

Châu Cao

Từ khóa:  intel
Cùng chuyên mục
XEM