IMF: Điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay thể hiện sự linh hoạt trong điều hành

18/10/2022 07:42 AM | Kinh doanh

Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhấn mạnh việc điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước là hành động kịp thời và phù hợp với tình hình quốc tế và nền...

Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5%, có hiệu lực từ ngày 17/10.

Việc điều chỉnh tăng biên độ lên ±5%, sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các Ngân hàng trung ương trên thế giới.

Từ đầu năm đến nay, các nước tăng lãi suất điều hành, xung đột Nga - Ukraine làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn, giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao, lạm phát tại nhiều nền kinh tế vượt mức kiểm soát… gây biến động lớn trên thị trường quốc tế và trong nước.

Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng đồng loạt nhiều công cụ, giải pháp để duy trì hoạt động ổn định và thông suốt của thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần ổn định kinh té vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Sau khi tăng biên độ tỷ giá , Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để để ổn định thị trường.

IMF: Điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay thể hiện sự linh hoạt trong điều hành - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5%.

Đánh giá về động thái mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, ông Trương Văn Phước - Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy bán Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng: "Ngân hàng Nhà nước đã phát đi một thông điệp rằng tỷ giá trung tâm mà Ngân hàng Nhà nước công bố tạo ra một không gian rộng lớn hơn để các chủ thể, trong đó có các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, các nhà đầu tư nước ngoài, nhân dân... có thể lựa chọn các cách thức để xác lập một tỷ giá cân bằng trên cơ sở cung cầu thị trường, rồi Ngân hàng Nhà nước vẫn phải là người mua cuối cùng, bán cuối cùng làm sao cho tỷ giá của chúng ta đạt được ở vùng tỷ giá tối ưu".

"Nó có tác động rất nhiều chiều cạnh từ lạm phát, lãi suất, xuất nhập khẩu, thanh toán nợ, nhất là nợ nước ngoài. Tuy nhiên, điểm cân bằng mới này đã nằm trong tính toán để vừa đảm bảo tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hoá, vừa không gây tác động tiêu cực lớn lên lạm phát và nhập khẩu", ông Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương đánh giá.

Ông Francois Painchaud - Đại diện Thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam nhận định: "Động thái điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thể hiện tính linh hoạt trong điều hành. Đây là hành động kịp thời và phù hợp với tình hình quốc tế và nền tảng vĩ mô của Việt Nam.

Nhiều đồng tiền đã giảm giá so với USD, bao gồm một số đồng tiền trong khu vực nhưng đồng Việt Nam mất giá không nhiều như các nước khác. Với nền tảng kinh tế vững chắc của Việt Nam và lạm phát tương đối thấp, tỷ giá hối đoái được điều hành linh hoạt theo đánh giá của chúng tôi, đây là một động thái tích cực".

Theo Ban thời sự

Cùng chuyên mục
XEM