IMF: Các ngân hàng trung ương nên tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát

27/10/2022 08:31 AM | Kinh tế vĩ mô

Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng các ngân hàng trung ương nên tiếp tục tăng lãi suất hơn nữa để kiềm chế lạm phát cho đến khi lãi suất về mức 'trung tính'. Bà cho rằng hầu hết các nước chưa đạt đến mục tiêu này.

Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva - Ảnh: REUTERS
Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva - Ảnh: REUTERS

Trả lời Hãng tin Reuters ở Berlin ngày 26-10, lãnh đạo IMF cho biết phải đến năm 2024, hiệu quả tích cực của các chính sách tăng lãi suất hiện nay mới thực sự hiện rõ trên toàn cầu.

Bình luận của bà Georgieva được đưa ra trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 27-10.

Trong những tháng qua, ECB luôn khẳng định bước đầu tiên của cơ quan này là tăng lãi suất lên đến mức trung tính, tức là mức không thúc đẩy và cũng không hạn chế tăng trưởng. Tuy nhiên, một số nhà hoạch định chính sách đang kêu gọi ECB hành động mạnh tay hơn để kiềm chế áp lực lạm phát.

"Tại thời điểm này, chúng tôi hướng đến được trạng thái trung tính và ở đa số các nước, chúng ta chưa đạt được điều này. Các ngân hàng trung ương phải nâng lãi suất vì lạm phát cao sẽ làm suy giảm tăng trưởng, những người nghèo nhất sẽ chịu tác động nặng nề nhất", bà Georgieva nói.

Các quyết định tăng lãi suất của ECB gần đây diễn ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế sụt giảm, lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lên đến 9,9% trong tháng 9 do giá thực phẩm và năng lượng tăng cao sau khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine.

Khi được hỏi bà dự kiến các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng lãi suất đến khi nào, bà Georgieva cho biết IMF dự báo đến năm 2024, các chính sách hiện nay của các ngân hàng trung ương mới cho thấy hiệu quả.

"Các lợi ích sẽ đến nhưng không phải ngay lập tức, điều này cần phải kiên nhẫn", bà nói.

Theo Hồng Vân

Cùng chuyên mục
XEM