Im lặng là vàng, là cách giải quyết vấn đề đỉnh cao: Đúng vậy, bạn cứ tin vào điều đó đi, để rồi một ngày cay đắng nhận ra mình chẳng còn ai thấu hiểu

30/08/2019 10:15 AM | Sống

Gặp chuyện tưởng mình biết tất, nhất quyết không chịu nói ra, cứ dồn nén trong lòng, đây là nguyên nhân làm cho cuộc sống của bạn luôn chất chồng những thù hận.

(01)

Có câu nói: "Nhiều thứ trên đời này biến mất chỉ vì bạn không chịu lên tiếng. Bạn không đòi hỏi, người ta cũng chẳng dại gì mà thắc mắc. Bạn cứ một lòng đối tốt với người ta, để rồi một ngày nhận ra tất cả những việc bạn làm đều vô nghĩa."

Tôi đã từng được nghe kể, có một vị giáo sư tham gia một buổi diễn thuyết. Đây cũng là lần đầu tiên ông có cơ hội được xuất hiện ở một sự kiện lớn như thế.

Người nhà ông ai cũng hào hứng. Vợ ông nhân dịp này mua tặng ông một bộ âu phục sang trọng, đắt tiền. Sau khi kết thúc bữa tối, bà đánh tiếng hỏi ý kiến của ông về bộ âu phục này. Giáo sư nói rằng áo thì vừa rồi, nhưng quần thì hơi dài một chút. Tuy nhiên, ông bảo rằng mình vẫn có thể mặc được, dài chút không sao cả.

Buổi đêm, giáo sư đi ngủ sớm. Mẹ ông thì trằn trọc không ngủ được, lo lắng cho buổi diễn thuyết, sợ rằng bộ trang phục không vừa vặn có thể ảnh hưởng đến thần thái của con mình khi đứng dưới con mắt của hàng ngàn khán giả. Nghĩ vậy, bà quyết định cắt ống quần âu đi một chút, vuốt lại cho thẳng thớm, rồi mới an tâm đi ngủ.

Ngày kế tiếp, vợ ông cũng muốn sửa lại quần cho chồng mình. Bà lật đật dậy từ sớm, dùng kéo sửa cho ưng mắt, lấy chỉ thêu lại, rồi đi chuẩn bị bữa sáng. Không lâu sau đó, con gái của giáo sư thức dậy. Thấy mẹ mình chuẩn bị bữa sáng, cô cho rằng mẹ không còn thời gian để sửa quần cho bố, vì vậy cô quyết định thay mẹ lấy kéo cắt ngắn ống quần của bố thêm một chút.

Kết cục, chắc hẳn ai cũng đoán ra, vị giáo sư không thể mặc quần này đi thuyết giảng được nữa.

Mối quan hệ nào cũng có khả năng đem tới những cơn ác mộng nếu không có sự giao lưu chia sẻ. Gặp vấn đề không chịu nói rõ ra, đợi đến khi sự vỡ lở rồi mới cuống quýt phản ứng, rồi phàn nàn trách móc người khác không chịu giúp mình, hoặc giúp mình không tới, để rồi cuối cùng lỡ mất cơ hội nhận được một cái kết có hậu.

Nếu như biết cách đem vấn đề của mình ra giãi bày với người khác, rồi sau đó tìm được người phù hợp để gỡ rối cho từng nút thắt, chẳng phải chúng ta sẽ tránh được rất nhiều rắc rối sao.

Im lặng là vàng, là cách giải quyết vấn đề đỉnh cao: Đúng vậy, bạn cứ tin vào điều đó đi, để rồi một ngày cay đắng nhận ra mình chẳng còn ai thấu hiểu - Ảnh 1.

(02)

Trên đời này, việc im lặng, không chịu nói lời giải thích là nguyên nhân của rất nhiều hiểu lầm đáng tiếc. Mâu thuẫn phần lớn đến từ việc không chịu lắng nghe. Và sai lầm nhiều khi đến từ việc không tin tưởng lẫn nhau.

Khổng Tử đã từng chu du khắp chốn. Lúc này đang chiến tranh loạn lạc, nhiều gia đình chịu cảnh lầm than, từ lâu không được miếng cơm nào bỏ bụng.

Một ngày, Nhan Hồi không dễ dàng gì mới có thể mang về một bao gạo lớn. Người đồ đệ của Khổng Tử liền mang chỗ gạo này đi thổi cơm. Khi cơm vừa nóng hổi, Khổng Tử đi ngang qua, nhìn thấy Nhan Hồi bên nồi vung đã mở nắp, tay bốc cơm cho vào miệng. Ông giả đò không biết, cũng không chất vấn đồ đệ của mình.

Đến bữa, Nhan Hồi mời Khổng Tử lại ăn. Khổng Tử nói: "Ta mơ thấy tổ tiên đến tìm, vì vậy ta muốn lấy chút cơm trắng để thờ cúng." Nhan Hồi liền trả lời: "Xin lỗi thầy, nhưng làm thế không được đâu ạ. Lúc nấu thức ăn, đồ đệ thấy tro rơi vào cơm. Cơm dính tro bị bẩn, vứt đi thì không nỡ, vì vậy đồ đệ đã bốc chỗ cơm đấy ăn hết rồi."

Khổng Tử nghe lời giải thích này, mới biết mình đã hiểu nhầm Nhan Hồi – đệ tử mà mình tín nhiệm nhất.

Khi chúng ta giao tiếp với một người, nếu như không có sự trao đổi kịp thời, chúng ta dễ áp đặt quan điểm của mình và phán xét hành động của họ.

Gặp chuyện tưởng mình biết tất, nhất quyết không chịu nói ra, cứ dồn nén trong lòng, đây là nguyên nhân làm cho cuộc sống của bạn luôn chất chồng những thù hận. Nếu như bạn có thể giãi bày hết tâm sự cho người mà mình hoài nghi, bạn có thể tránh được rất nhiều chuyện hiểu lầm.

Im lặng là vàng, là cách giải quyết vấn đề đỉnh cao: Đúng vậy, bạn cứ tin vào điều đó đi, để rồi một ngày cay đắng nhận ra mình chẳng còn ai thấu hiểu - Ảnh 2.

(03)

Quan hệ với nhau càng thân mật, khoảng cách giữa hai người càng trở nên xa cách nếu bạn không chịu chia sẻ.

Từng có một đôi vợ chồng thế này. Mỗi khi ăn trứng gà, người vợ thường nhường lòng đỏ khoái khẩu của mình cho ông chồng, còn bản thân chỉ ăn lòng trắng. Người chồng, lại nhường cho vợ lòng trắng ưa thích của mình, chấp nhận chỉ ăn lòng đỏ.

Nhiều năm như thế, cho đến một ngày, người chồng khi về đến nhà thấy vợ mình đang xì xụp húp lòng đỏ. Ông cảm thấy rất ngộ, liền hỏi: "Anh tưởng em chỉ thích ăn lòng trắng?". Người vợ trả lời thực ra mình thích ăn lòng đỏ nhất, nhưng muốn nhường cho chồng. Người chồng nghe thấy, ngạc nhiên, bảo "Anh tưởng em thích ăn lòng trắng, nên anh nhường cho em phần anh thích nhất trong một quả trứng."

Vợ chồng nhường nhịn nhau, người ngoài nhìn thấy có thể cảm thấy ghen tị. Nhưng việc thiếu đi những lời chia sẻ có thể dẫn tới nhiều điều đáng tiếc, bởi họ sẽ không hiểu được một nửa của mình thích điều gì.

Tình cảm cần được vun vén bởi sự sẻ chia. Chỉ bằng cách ấy, mối quan hệ giữa người với người mới trở nên thấu hiểu. Nếu không, bạn sẽ rất khó để làm cho mọi người nghe được tiếng lòng mình. Thậm chí, họ còn có thể cho rằng bạn là gánh nặng.

Mối quan hệ muốn tốt, cần phải có sự chân thành. Muốn có sự chân thành, cần phải có sự chia sẻ. Bạn phải thẳng thắn cho đối phương biết điều mình thực sự muốn là gì. Nếu bạn làm như vậy, bạn không chỉ hiểu đối phương hơn, mà còn giúp tình cảm giữa bạn và họ trở nên khăng khít hơn.

Đình Trọng

Cùng chuyên mục
XEM