Im hơi lặng tiếng trước một loạt sự kiện gây biến động thị trường, Warren Buffett sẽ đưa ra những nhận định gì vào cuối tuần này?
Trong khoảng thời gian TTCK Mỹ biến động, cuộc bầu cử Tổng thống ở giai đoạn gay cấn, sự kiện biểu tình đòi công bằng cho người da màu và sự hào hứng của nhà đầu tư nhỏ lẻ, Warren Buffett đều giữ im lặng. Vào thứ Bảy tuần này, vị CEO của Berkshire Hathaway sẽ "lên tiếng" trong bức thư thường niên gửi cổ đông.
Cathy Seifert – nhà phân tích tại CFRA Research, cho biết: "Nếu bức thư này không đề cập đến một trong số những vấn đề trên, thì hẳn là mọi người sẽ thất vọng. Hầu như ai cũng mong đợi về việc ông ấy sẽ chia sẻ cái nhìn của mình."
Bức thư thường niên gửi cổ đông là cơ hội để vị CEO 90 tuổi chia sẻ về những suy nghĩ đối với những nhà đầu tư giá trị của mình. Thông thường, ông không ngại ngùng khi chia sẻ điều đó, thậm chí trước đây còn vận động tranh cử cho một số chính trị gia như Hillary Clinton.
Dẫu vậy, mọi thứ đã thay đổi kể từ khi ông phát biểu trong cuộc họp thường niên vào tháng 5 năm ngoái, khi cho biết khoản tiền mặt gần như kỷ lục của Berkshire không đủ lớn để cân nhắc về những "khả năng xấu nhất" mà Covid-19 gây ra. Kể từ đó, ông rất ít khi chia sẻ về quan điểm của mình. Thậm chí, ông còn không đề cập đến sự kiện tranh cử của ông Joe Biden và Donald Trump trong bức thư năm 2020.
Seifert cho hay: "Có lẽ, ông ấy chỉ nhận thấy rằng sẽ không có lợi ích gì khi tham gia ‘cuộc chiến’ đó."
Nếu quyết định đề cập đến những vấn đề "nóng hổi", có rất nhiều chủ đề để Warren Buffett chia sẻ. Nhà đầu tư sẽ mong chờ nhận định của ông về tình trạng bạo động tại Điện Capitol, liệu ông đã nói gì với ông Joe Biden trong cuộc trò chuyện vài tuần trước cuộc bầu cử, ông nghĩ như thế nào về việc GameStop và những cổ phiếu khác bị bán khống?
Cũng có nhiều câu hỏi khó hơn dành cho Buffett. Mặc dù đã "đánh bại" S&P 500 trong hơn 50 năm, cổ phiếu Berkshire có diễn biến kém vượt trội so với chỉ số này trong ít nhất một thập kỷ. Và lập trường thận trọng của ông vào tháng 5 năm ngoái đã khiến khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn, bởi họ muốn ông đưa ra động thái quyết liệt hơn đối với các khoản đầu tư mới.
Dẫu vậy, các nhà đầu tư như Darren Pollock cho biết, khi nhìn lại, chiến lược này của ông lại rất đáng khâm phục bởi ông muốn duy trì bảng cân đối kế toán mạnh của Berkshire.
Pollock là nhà quản lý mục đầu tư tại Cheviot Value Management - với Berkshire là cổ phiếu được nắm giữ với số lượng lớn nhất. Ông nhận định: "Việc ông ấy thận trọng hơn là hoàn toàn ổn. Việc bỏ lỡ 1 cơ hội và duy trì điều kiện tài chính vững chắc quan trọng hơn là thực hiện khoản đầu tư mạnh tay sau đó thất bại."
Trong khi đó, yếu tố cản trở Berkshire cũng chính là quy mô của họ. Công ty này đã phát triển lớn mạnh đến mức chỉ có những thương vụ thâu tóm lớn mới có thể tạo ra sự thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, những thương vụ như vậy lại khó có thể tìm kiếm trong bối cảnh cổ phiếu được định giá cao và sự cạnh tranh từ những bên như công ty cổ phần tư nhân. Ngay cả khoản đầu tư 6 tỷ USD vào các công ty Nhật Bản vào năm ngoái cũng chỉ chiếm 4% số tiền mặt của Berkshire vào cuối quý III. Giờ đây, Warren Buffett có thể tận dụng sự bùng nổ của các SPAC.
Jim Shanahan – nhà phân tích tại Edward D. Jones & Co., cho biết: "Có rất nhiều thứ mà tôi nghĩ rằng thị trường được hưởng lợi từ quan điểm sáng suốt của Warren Buffett." Shanahan nhắc đến sự bùng nổ của các SPAC, cũng như sự điên cuồng của nhà đầu tư Reddit trong thời gian gần đây, hay thậm chí là việc TTCK giảm điểm, lạm phát hay gói kích thích mới.
Dù Warren Buffett không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào về việc sẽ sớm từ chức, nhưng nhà đầu tư vẫn luôn chú ý đến những dấu hiệu cho thấy ai sẽ là người kế nhiệm ông. Năm ngoái, ông đã nỗ lực trấn an các nhà đầu tư rằng công ty đã chuẩn bị tốt cho việc ông và cộng sự lâu năm Charlie Munger sẽ sớm rời đi.
Trên thực tế, tương lai của Berkshire đã được "báo trước" từ lâu. Greg Abel và Ajit Jain đã được bổ nhiệm làm phó chủ tịch vào năm 2018, đây được coi là "một phần của bước đi hướng tới sự kế nhiệm".
Pollock cho biết nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nếu vị tỷ phú chia sẻ về tầm ảnh hưởng của các giám đốc đầu tư – Todd Combs và Ted Weschler. Một trong 2 vị giám đốc trên là "chìa khóa" trong khoản đặt cược vào Apple của Berkshire. Ngoài ra, họ cũng là người thúc đẩy Berkshire đầu tư vào các cổ phiếu công nghệ.
Trong những năm gần đây, Buffett đã gặp phải một vấn đề đó là sở hữu quá nhiều tiền mặt. Berkshire tiếp tục huy động được nhiều tiền hơn mức mà vị CEO này có thể nhanh chóng triển khai vào những tài sản mang lại lợi nhuận cao hơn. Theo đó, lượng tiền mặt mà tập đoàn đang nắm giữ đã lên tới 145 tỷ USD vào cuối tháng 9.
Dù không thực hiện thương vụ thâu tóm quy mô lớn nào, nhưng vị tỷ phú vẫn tích cực triển khai hoạt động đầu tư vào năm ngoái, khi mua lượng lớn cổ phần của các công ty thương mại Nhật Bản, mua tài sản 4 tỷ USD tài sản của Dominion Energy. Một trong những thương vụ đầu tư lớn nhất vào năm ngoái là mua 15,7 tỷ USD cổ phiếu quỹ trong 9 tháng đầu năm 2020. Gần đây, Berkshire cũng chi 4,1 tỷ USD mua cổ phần trong Chevron và 8,6 tỷ USD cho Verizon Communications.
TTCK Mỹ phần lớn đã phục hồi trong những tháng cuối năm 2020 và thậm chí còn tăng cao hơn nửa vào đầu năm nay với sự điên cuồng của nhóm nhà đầu tư Reddit. Những fan hâm mộ trung thành của Buffett có thể muốn biết những gì ông đã thực hiện trước biến động thị trường gần đây, tùy thuộc vào việc ông viết bức thư năm nay trước hay sau khi sự kiện này xuất hiện.