iCare hậu Shark Tank: CEO khẳng định không bán ‘hớ’ cho Shark Bình nhưng không phục nhận định của Shark Liên

11/08/2021 07:45 AM | Kinh doanh

Theo CEO iCare – Nguyễn Quang thì tỷ lệ cổ phần 50-50 mà Shark Bình đưa ra là công bằng, anh không cảm thấy mình đã bán ‘hớ’ như nhiều người nghĩ. Hơn nữa, anh cũng tự nhận là iCare còn non và xanh như các Shark nói, chỉ không đồng ý với nhận định của Shark Liên về nhu cầu thị trường của iTemp vì ‘Shark cũng không thể đại diện cho những người mẹ khác được’.

Tập 15 chương trình Shark Tank 2021 như thể Ban tổ chức đang chạy KPI cho đủ số lượng. Cả 4 startup là MoneyBot, iCare – với sản phẩm iTemp, Medigo cùng PI Online đều bị các Shark chê bai rất nhiều. Trong tất cả, may mắn nhất chính là iCare, vì dù bị các Shark bị nhận nhiều lời chê nhưng vẫn chốt được deal với shark Bình.

Thời điểm gần cuối buổi gọi vốn của iCare, sau khi bị các shark Hưng, Liên, Linh và Phú liên tục từ chối, CEO Nguyễn Quang gần như mất tinh thần, thì đột nhiên, Shark Bình lại quyết định “chìa tay” ra cho iCare.

Trái với quan điểm của Shark Liên, Shark Bình cho rằng iCare là ứng dụng chuyển đổi số trong việc chăm sóc con cái bằng IoT, đúng với khẩu vị đầu tư của Shark. "Điều này có ý nghĩa ở điểm giúp giải phóng bớt sức lao động của phụ nữ, mà thế giới cũng vậy, tiện ích như thế này cũng đã phổ biến" – Shark Bình nói.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay của startup khiến Shark khó định giá. Shark cũng nhận định, với những đơn vị chuyên nghiệp như NextTech thì chỉ trong vòng 1-2 tháng, tập đoàn có thể phát triển ứng dụng y như iCare.

"Những trường hợp như thế này, tôi có quan tâm thì tôi vẫn sẽ theo phương thức truyền thống. Bạn bỏ công sức, tôi bỏ tiền, chúng ta cùng nhau phát triển sản phẩm này (iTemp) với điều kiện tôi lo hết tài chính 100.000 USD cho 50% cổ phần. Cái quan trọng là sự phát triển thị trường.

Tôi sẽ giúp cho bạn cách làm lean (tinh gọn) nhất, hiệu quả nhất, còn cách làm của startup là tập trung vào execution (thực thi), sau đó chúng ta sẽ tiếp tục là thêm nhiều sản phẩm chuyển đổi số thuận tiện hóa cuộc sống của người dùng theo đúng hướng đi của Xiaomi", Shark Bình đưa ra đề nghị với iCare.

iCare hậu Shark Tank: CEO khẳng định không bán ‘hớ’ cho Shark Bình nhưng không phục nhận định của Shark Liên - Ảnh 1.

Shark Bình đã bất ngờ đồng ý đầu tư cho iCare ở cuối buổi gọi vốn.

Con số 50% cổ phần mà Shark Bình đưa ra khiến CEO iCare có phần bối rối. Shark Bình giải thích thêm: "Tôi với công ty của bạn, chúng ta lập liên doanh 50-50, chúng ta cùng liên doanh để làm sản phẩm này, và chúng ta nhìn dưới góc độ liên doanh chứ không phải góc nhìn đầu tư. Lợi nhuận các thứ chia đôi… Các bạn vẫn sở hữu 100% công ty của bạn. Công ty của bạn sở hữu 50% của sản phẩm này".

Sau khi hiểu rõ đề nghị của Shark Bình thì ngay lập tức Nguyễn Quang đã đồng ý mà không hề kỳ kèo trả thêm. Vì vậy, sau chương trình, không ít người cho rằng iCare và Nguyễn Quang đã bán ‘hớ’.

Để giúp độc giả có một cái nhìn toàn cảnh hơn về case đầu tư này, chúng tôi sẽ trích đăng chia sẻ của founder – CEO Nguyễn Quang của iCare ở Fanpage Cộng đồng Shark Tank Việt Nam.

-------

Shark Bình đầu tư 100.000 USD cho 50% cổ phần iTemp - hời hay hớ? Lý do founder iCare chấp nhận deal mà không đàm phán?

Sau khi Shark Tank mùa 4 tập 15 được phát sóng. Mình có nhận được rất nhiều câu hỏi của các bạn về deal của iCare và Shark Bình. Đại diện cho iCare, mình xin giải thích những vấn đề mà trong thời gian 15 phút phát sóng không thể truyền tải hết được nội dung hơn 1 tiếng ghi hình và đặc biệt là suy nghĩ của mình trong 1 phút trước khi nhận deal như sau.

- Cấu trúc deal: iCare và Shark Bình sẽ cùng thành lập 1 công ty mới (ví dụ: công ty iTemp) và chỉ kinh doanh sản phẩm iTemp - nhiệt kế thông minh cho bé. Trong đó, Shark Bình sẽ góp 100.000 USD làm vốn và chiếm 50% cổ phần công ty iTemp. iCare sẽ góp sức và ‘công thức’ sản xuất sản phẩm và chiếm 50% cổ phần công ty iTemp.

- Lý do mình chốt deal với Shark Bình mà không đàm phán thêm để có số cổ phần nhiều hơn (mọi người đều nói có thể đàm phán để chốt deal 100.000 USD cho 40% cổ phần), đó là vì mình là người có quan điểm rất rõ ràng khi hợp tác đó là trung thực và công bằng.

Mình và đội ngũ đã đầu tư khoảng 500 triệu đồng để nghiên cứu và sản xuất iTemp, đồng thời đã làm không nhận lương trong hơn 1 năm (có nói trong chương trình). Theo tính toán thì tiền và công sức của đội ngũ iCare cũng khoảng 2 tỷ đồng. Nên nếu hợp tác thì 50-50 là phù hợp và công bằng cho 2 bên để hợp tác vui vẻ, mà không ai cảm thấy thiệt thòi trong deal này.

iCare hậu Shark Tank: CEO khẳng định không bán ‘hớ’ cho Shark Bình nhưng không phục nhận định của Shark Liên - Ảnh 2.

Sản phẩm iTemp của iCare.

- Đặc biệt là trong 1 phút trước khi đưa ra quyết định nhận deal, mình đã nghĩ iCare lớn hơn iTemp rất nhiều: iTemp là 1 sản phẩm trong hệ sinh thái các sản phẩm IoT thông minh theo dõi sức khoẻ; còn iCare là 1 hệ sinh thái các sản phẩm, là 1 platform các dịch vụ liên quan đến sức khoẻ.

Và để hiện thực hoá được tầm nhìn nói trên, iCare cần bước được những bước vững chắc đầu tiên trên hành trình từ Zero to One. iCare cần 5 - 10 năm để có thể thực hiện được tầm nhìn này.

Trong chương trình, Shark Hưng, Shark Phú, Shark Linh đều nhận xét: ‘công ty còn trẻ nên chưa thể đầu tư’, điều này mình cảm thấy hợp lý. Vì xét ở khía cạnh đầu tư, số liệu tài chính của iCare chưa đủ thuyết phục. Theo mình, Shark Tank là chương trình thực tế về gọi vốn chứ không phải chương trình giải trí hoặc từ thiện. Shark Bình cũng nhìn thấy vấn đề này nhưng Shark Bình có niềm tin với sản phẩm. Cám ơn Shark Bình về deal có chút yếu tố đầu tư ‘thiên thần’ nhưng rất hợp lý này!

Tiếp theo, mình xin chia sẻ một chút về quan điểm của Shark Liên. Mình trân trọng ý kiến của Shark Liên, nhưng theo thống kê Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu bé bị sốt co giật đang cần thiết bị của mình.

Như Shark nói "1 người mẹ có con bị sốt co giật không thể đại diện cho 1 triệu người mẹ có con bị sốt co giật được" và Shark cũng không thể đại diện cho những người mẹ khác được. Nếu ai có con sẽ hiểu được nỗi đau của những cha mẹ khi thấy thiên thần của mình bị sốt co giật, đau lòng lắm.

Mình không tạo ra sản phẩm khiến cha mẹ sự ỷ lại vào công nghệ mà tạo ra sản phẩm giúp hỗ trợ cha mẹ theo dõi nhiệt độ khi con sốt được tốt hơn và hạn chế việc con bị sốt co giật. Với những bé có tiền sử sốt co giật thì sẽ không bị tái co giật (sốt co giật sẽ dẫn đến động kinh và ảnh hưởng đến thần kinh của bé).

Vậy cuối cùng deal này hời hay hớ? Quan điểm của mình là nó hợp lý và công bằng cho cả iCare và Shark Bình, xét tại thời điểm hiện tại. Thời gian sẽ trả lời, trong deal này, Shark Bình lời hay lỗ, còn đội ngũ iCare thì luôn có tư tưởng: "Startup là phải đi làm việc khó. Còn thở là còn chiến".

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM