IBM bỏ ra 34 tỷ USD để mua một công ty được lập ra bởi một người thất nghiệp

07/11/2018 19:15 PM | Xã hội

Red Hat là nhà cung cấp phần mềm doanh nghiệp mã nguồn mở mà IBM đang sử dụng để mở rộng hệ thống điện toán đám mây của mình.

Vào năm 1993, Bob Young (lúc ấy đã 33 tuổi) đang thất nghiệp và công ty mới mà ông vừa hợp tác sáng lập phải hoạt động trong căn buồng nhỏ bé nơi vợ ông vẫn ngồi khâu vá hàng ngày. Nhưng mới đây thôi, công ty này đã được bán cho IBM với giá 34 tỷ USD và là thương vụ mua lại lớn nhất của nhà khổng lồ công nghệ này.

Young, giờ đã 64 tuổi, là đồng sáng lập và là cựu CEO của Red Hat – nhà cung cấp phần mềm doanh nghiệp mã nguồn mở mà IBM đang sử dụng để mở rộng hệ thống điện toán đám mây của mình. Ông rời bỏ vị trí CEO của Red Hat khi công ty cổ phần hóa vào năm 1999. 6 năm sau, ông cũng rời khỏi hội đồng quản trị của công ty để lập ra lulu.com, một công ty xuất bản trực tuyến, và hiện đang nắm giữ vị trí CEO.

Ông kể lại về những ngày đầu mới thành lập Red Hat.

Tốt nghiệp khoa Lịch sử ở Đại học Toronto với thành tích không có gì nổi bật, Young cho rằng sẽ gặp may hơn nếu mở công ty riêng chứ không đi xin việc. Trên thực tế, ông đã mở ra rất nhiều công ty sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1976.

Đầu tiên ông cho thuê 2 máy đánh chữ từ một văn phòng ở ngoại ô Toronto nằm ngay cạnh một nhà máy nuôi giun làm mồi câu cá. Sau đó ông chuyển sang cho thuê máy tính khi lập ra công ty Vernon Computer Rentals vào năm 1984. Sau khi gặp khó khăn về tài chính vì cuộc khủng hoảng năm 1989, Young bán công ty cho Greyvest Capital với giá 20 triệu USD, và phần tiền ông nhận về là khoảng 4 triệu USD. 

Nhưng thương vụ này đòi hỏi Young phải làm việc tại Greyvest và dùng cổ phần của mình để nắm một vị trí trong công ty mẹ. Thật không may, chỉ vài tháng sao thương vụ này, Greyvest gặp vấn đề nghiêm trọng về tài chính và cổ phiếu của họ mất giá khủng khiếp, khiến cho cổ phần của Young trong công ty trở nên vô nghĩa.

Cuối cùng Young phải nghỉ việc ở Greyvest.

"Lúc đó tôi thất nghiệp với 3 đứa con, một đống nợ trả góp và chút tài sản thậm chí còn ít hơn so với lúc tôi tốt nghiệp đại học 15 năm trước", Young kể lại vào thời điểm năm 1993. "Nhưng nếu không lầm vào tình cảnh đó, tôi đã không nhảy vào lĩnh vực mã nguồn mở và lập ra Red Hat, và phần còn lại chỉ là lịch sử".

Vào đầu những năm 1990, Young nói, Red Hat là công ty duy nhất cung cấp phần mềm mã nguồn mở, vì các đối thủ lớn khác như Oracle, Microsoft, và thậm chí IBM đều không muốn cho khách hàng biết mã nguồn quý giá của mình.

"Tôi chỉ là một gã bán máy đánh chữ cổ hủ", Young nói. "Tôi thích bán những thứ mà người ta không thể mua ở bất kỳ nơi nào khác".

Vào năm 1993, Young cùng với Marc Ewing lập ra Red Hat sau khi sáp nhập với công ty của Ewing, chuyên bán phần mềm trên các hệ điều hành mã nguồn mở Unix và Linux và chuyển tới Durham, Bắc Carolina. Young nắm vị trí CEO, sử dụng khả năng bán hàng của mình để tập trung vào việc vận hành công ty, trong khi Ewing lo phần kỹ thuật.

Vì thiếu vốn, Young phải tự xoay xở để công ty tồn tại. Vì thế ông chọn cách mà chính ông sau này nhận ra là quá dại dột: ông cùng Ewing khai thác tối đa nợ thẻ tín dụng.

"Các ngân hàng thường quảng cáo với hàng đống mẫu mở thẻ tín dụng. Tôi điền hết đống form đó rồi gửi đi, mỗi lần như vậy họ lại mở một thẻ tín dụng 5.000 USD cho tôi", Young kể lại. "Sau đó, tôi lại dùng 5.000 USD mới nhận được để trả nợ thẻ tín dụng đã mở trước đó. Rốt cuộc tôi gom được tới 50.000 USD từ thẻ tín dụng, là một khoản tiền rất lớn vào năm 1994". 

Chính nhờ vợ ông Nancy mà kế hoạch này thành công, vì bà có điểm tín dụng cao hơn Young: "Nếu không có điểm tín dụng của Nancy, tôi sẽ không thể gom được nhiều tiền đến thế, đủ đến chúng tôi tồn tại đến ngày sinh lời".

Vào năm 1995, khi công ty ra mắt một phiên bản phần mềm mã nguồn mở mới, Young và Ewing đã bắt đầu thu lợi nhuận và trả hết nợ thẻ tín dụng. Đến năm 1998, Red Hat đã có doanh số 5 triệu USD/năm, và một năm sau con số này tăng gấp đôi. Young tiếp tục làm CEO của Red Hat cho đến năm 1999 khi công ty IPO, lúc này giá trị của nó đã là nhiều tỷ USD.

IBM bỏ ra 34 tỷ USD để mua một công ty được lập ra bởi một người thất nghiệp - Ảnh 1.

"Thành công của thương vụ 34 tỷ USD không liên quan gì đến tôi lắm. Tôi chỉ nhận là mình đã nhìn ra cơ hội ban đầu. Việc theo đuổi cơ hội đó, tất cả đều do những người thông minh hơn tôi thực hiện". Young rời ban quan trị của Red Hat vào năm 2005 vì cho rằng ông thích hợp là một doanh nhân hơn là một giám đốc doanh nghiệp.

 Vì thế ông thành lập lulu.com vào năm 2002. Ngay năm sau đó, ông mua đội bóng bầu dục ở quê nhà mình là Hamilton Tiger-Cats. Ông cũng đầu tư vào các dự án như công ty công nghệ máy bay không người lái PrecisionHawk (ông làm CEO công ty này từ 2015 đến 2017) và công ty hàng thủ công của vợ ông Needlepoint.com.

Young bán hết cổ phần của mình ở Red Hat sau khi rời công ty, lúc mà giá trị của nó chỉ bằng một phần nhỏ so với số tiền mà IBM chi ra. Tuy nhiên ông không hề hối tiếc vì điều đó vì nhờ vậy mà ông có điều kiện để làm "rất nhiều việc mình thích", từ lập ra lulu.com đến ủng hộ đội bóng quê nhà.

"Nếu tôi giữ cổ phiếu của Red Hat lại, có thể tôi sẽ có nhiều tiền hơn so với bây giờ", ông nói. "Nhưng tôi không hề hối tiếc với quyết định đó của mình, vì quãng thời gian 15 năm qua của tôi có thể đã rất khác nếu tôi vẫn tiếp tục là quản lý ở Red Hat".

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM