Hôm nay bắt đầu chất vấn tại Quốc hội: Nhiều thách thức đặt ra với tư lệnh ngành

06/06/2023 07:46 AM | Kinh tế vĩ mô

Dự kiến có 4 nhóm vấn đề được Quốc hội chất vấn tại kỳ họp này, bao gồm: Lao động, Thương binh & Xã hội; Dân tộc; Khoa học và Công nghệ; Giao thông Vận tải. Phiên chất vấn kéo dài trong 2,5 ngày, kể từ hôm nay, ngày 6/6.

Căng thẳng việc làm, lo an sinh

Dự kiến, sáng 6/6, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung sẽ là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Hàng loạt vấn đề đang đặt ra với ngành lao động (LĐ), đặc biệt khi tình trạng mất việc làm có xu hướng gia tăng, đòi hỏi giải pháp hỗ trợ người LĐ và doanh nghiệp (DN), kèm theo đó là giải quyết các vấn đề về bảo vệ trẻ em, đào tạo nghề.

Hôm nay bắt đầu chất vấn tại Quốc hội: Nhiều thách thức đặt ra với tư lệnh ngành - Ảnh 1.

Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung.

Hôm nay bắt đầu chất vấn tại Quốc hội: Nhiều thách thức đặt ra với tư lệnh ngành - Ảnh 2.

Hôm nay bắt đầu chất vấn tại Quốc hội: Nhiều thách thức đặt ra với tư lệnh ngành - Ảnh 3.

Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt.

Hôm nay bắt đầu chất vấn tại Quốc hội: Nhiều thách thức đặt ra với tư lệnh ngành - Ảnh 4.

Dự báo của các tổ chức trong nước lẫn quốc tế đều đánh giá kém khả quan về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023. Hiện hầu hết các quốc gia đều thắt chặt chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát tăng cao, khủng hoảng kinh tế lan rộng, trong khi xung đột Nga - Ukraine vẫn khó dự đoán… dẫn tới người dân thắt chặt chi tiêu; giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thiếu đơn hàng, thiếu vốn… Rủi ro trước mắt với người LĐ là thiếu việc làm, thu nhập giảm.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong 5 tháng đầu năm, cả nước có hơn 8.600 DN phải cắt giảm LĐ (chiếm 1% tổng số DN đang hoạt động). Trong đó, hơn một nửa là các DN khu vực Đông Nam Bộ, tiếp đến tại vùng Đồng bằng sông Hồng, hoạt động chính trong ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử… Tổng số có gần 510.000 người bị ảnh hưởng việc làm. Trong đó, hơn một nửa (trên 279.000 người) bị mất việc làm, tập trung chủ yếu ở các địa phương phát triển công nghiệp, như Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội. Bên cạnh đó, còn hơn 195.000 người LĐ giảm giờ làm, còn lại bị nghỉ việc không lương, hoãn hợp đồng.

Một thách thức khác cũng đặt ra với ngành LĐ-TB&XH là phát triển đào tạo nghề.Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thấp, chưa gắn với nhu cầu thị trường… Thách thức khác chính là việc thời gian gần đây, cả nước liên tiếp xảy ra vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em trong gia đình, trường học và trên môi trường mạng, mới nhất là vụ việc bảo mẫu bạo hành cháu bé hơn 1 tháng tuổi ở Hoàng Mai (Hà Nội); hay việc trẻ tự tử vì bị bạo hành trong nhà trường; việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng vẫn còn những khoảng trống nhất định...đang là những thách thức chờ lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH sớm giải quyết.

Hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển

Cùng với đô thị hóa nhanh hiện nay ùn tắc tại các đô thị lớn đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM đang ở thực trạng “báo động”. Hằng ngày, người dân tại Hà Nội và TPHCM tham gia giao thông vào giờ cao điểm đang phải “chôn” chân nhiều giờ trên đường đang trở nên phổ biến. Nguyên nhân cơ bản được xác định là xe cá nhân gia tăng không có sự kiểm soát; hạ tầng đường sá không theo kịp sự phát triển của đô thị; công tác phân luồng, tổ chức giao thông và chấp hành luật lệ của người dân còn hạn chế…

Theo số liệu của Ủy ban ATGT Quốc gia, nếu năm 2011 số người chết do tai nạn giao thông là 11.400 người thì đến năm 2020 giảm xuống còn 6.700 người, trong khi đó số phương tiện giao thông cơ giới từ 35,8 triệu vào năm 2011 đã tăng lên 72 triệu năm 2020. Tuy nhiên, số vụ, số người chết và bị thương vì TNGT theo đánh giá của Chính phủ vẫn còn ở mức cao, phức tạp và có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến xe chở khách, xe tải vi phạm các lỗi chở quá tải, cơi nới thành thùng, lái xe không chấp hành quy định.

Gần 10 năm trước Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống đường cao tốc cả nước đến năm 2020 định hướng năm 2030, theo đó đặt mục tiêu đến năm 2020 hệ thống mạng cao tốc ở nước ta sẽ có tổng chiều dài 6.411 km, với 21 dự án - tuyến cao tốc được khai thác. Tuy nhiên, mặc dù trong 5 tháng đầu năm 2023 Bộ GTVT đã đưa vào khai thác thêm 312 km cao tốc nhưng theo thống kê mới nhất, tính đến tháng 6/2023 cả nước mới có 1.729 km, đạt 26% mục tiêu Chính phủ yêu cầu.

Theo đánh giá, hiện tiêu chuẩn kỹ thuật khai thác, hạ tầng vận hành đường sắt nước ta đang ở mức tiêu chuẩn thấp, chưa có đường sắt cao tốc và lạc hậu so với thế giới. “Thiếu cơ chế, chính sách rõ ràng cho đầu tư trên lĩnh vực đường sắt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ngành đường sắt chậm được cải thiện, chưa phát triển được đường sắt tốc độ cao...”, ông Nguyễn Xuân Thủy - Chuyên gia lĩnh vực đường sắt đô thị nói.

Phát hiện sai phạm tại nhiều cơ sở đăng kiểm, từ tháng 10/2022 đến tháng 5/2023, cơ quan công an đã khám xét và khởi tố bắt giam gần 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên của các trung tâm đăng kiểm theo quy định. Có 106 trong 281 (chiếm 38%) đơn vị đăng kiểm phải dừng hoạt động phục vụ công tác điều tra. Trong khi đó một loạt trung tâm sát hạch, cấp giấy phép lái xe cũng phải chấn chỉnh do có vi phạm. Những tồn tại trong hoạt động đăng kiểm và sát hạch lái xe đang đòi hỏi cuộc đại phẫu đối với 2 lĩnh vực này trong thời gian tới.

Nhiều rào cản đối với ngành khoa học công nghệ

Dù được xác định là quốc sách hàng đầu, những năm qua, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam đối mặt với rất nhiều rào cản, chưa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế xã hội. Nhiều nhà khoa học cho rằng, quy trình xét duyệt đề tài cấp Nhà nước hiện nay quá dài và phức tạp với nhiều thủ tục hành chính và yêu cầu về hồ sơ, giấy tờ. Thời gian từ khi đề xuất đến triển khai kéo dài không chỉ làm giảm tính thời sự của đề tài mà còn làm giảm nhiệt huyết của các nhà khoa học. Rào cản lớn nhất khiến các nhà khoa học mệt mỏi nhất trong nghiên cứu chính là cơ chế tài chính, vấn đề thanh quyết toán đề tài, dự án. Những năm qua, liên bộ KH&CN - Bộ Tài chính đã ban hành một số thông tư nhằm tháo gỡ khó khăn trong vấn đề này. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách tài chính cho hoạt động KH&CN là phần không tách rời trong cơ chế, chính sách tài chính nói chung nên việc đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN thực tế chưa có đột phá, nhà khoa học vẫn tốn rất nhiều thời gian, công sức để hoàn thành được đề cương nhiệm vụ.

Chế độ đãi ngộ với các nhà khoa học trong cơ quan nghiên cứu công lập là vấn đề nhức nhối nhiều năm qua. Tình trạng chảy máu chất xám và không thu hút được người giỏi khiến các nhà quản lý lo lắng, viện nghiên cứu công lập sẽ thiếu hụt nhà khoa học trong tương lai. Đáng lo hơn, cơ chế đãi ngộ và những khó khăn mà các nhà khoa học Việt Nam đang gặp phải khiến nhiều người giỏi, ngay từ đầu chọn trường, chọn ngành đã không chọn con đường nghiên cứu, tạo ra một lỗ hổng cho ngành KHCN Việt Nam trong tương lai. Giải quyết bài toán đãi ngộ và giữ chân các nhà khoa học tài năng sẽ là vấn đề cần được quan tâm và giải quyết.

Hữu Việt - Tuệ Minh - Trọng Đảng

Từ khóa:  quốc hội
Cùng chuyên mục
XEM