"Hồi sinh" người đã khuất sau 100 năm: Tham vọng lớn của y tế TQ đằng sau nghiên cứu lạ

29/09/2020 10:33 AM | Khoa học

Không chỉ bảo quản thi thể người qua đời trong nhiệt độ thấp, các viện nghiên cứu ở Trung Quốc còn tìm cách bảo quản nội tạng trong thời gian dài để phục vụ cho các ca cấy ghép.

Trữ lạnh thi thể

Viện Nghiên cứu Khoa học Đời sống Yinfeng ở tỉnh Sơn Đông là trung tâm nghiên cứu trữ xác lạnh duy nhất ở Trung Quốc và cũng là 1 trong 4 viện trữ xác lạnh trên thế giới.

Tại đây, các nhà khoa học bảo quản thi thể người ở nhiệt độ thấp với hi vọng một ngày sẽ "hồi sinh" họ bằng các công nghệ tương lai. Tuy nhiên, không dừng ở đó, viện Yinfeng còn nghiên cứu cách cải tiến công nghệ cấy ghép nội tạng, thay thế các bộ phận cơ thể và các cách thức chữa trị bệnh mới.

Việc trữ lạnh thi thể là kĩ thuật bảo quản cơ thể người ở nhiệt độ cực thấp trong các thùng chứa bằng thép không gỉ chứa nitơ lỏng cực lạnh.

Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu trữ lạnh thi thể từ năm 2015. Du Hong, một nhà văn ở Trùng Khánh từng viết về kỹ thuật này, đã trở thành người Trung Quốc đầu tiên thực hiện trữ lạnh sau khi bà qua đời vì ung thư tụy vào năm đó.

Thi thể của bà Du được bảo quản tại Alcor Life Extension Foundation, một nhà cung cấp dịch vụ trữ lạnh thi thể có trụ sở tại Phoenix, Arizona. Cũng trong năm 2015, Viện Nghiên cứu Khoa học Đời sống Yinfeng đã được thành lập tại Tế Nam ở phía đông Trung Quốc. Hai viện nghiên cứu trữ lạnh thi thể khác trên thế giới là Viện nghiên cứu Đông xác ở bang Michigan (Mỹ), và viện KrioRus ở Nga.

Cả 4 trung tâm đều cung cấp dịch vụ trữ lạnh thi thể cho người qua đời và động vật đã chết, với hi vọng rằng một ngày có thể dùng công nghệ tiên tiến để "hồi sinh" các thi thể này. Yinfeng cũng hợp tác với một số bệnh viện và trường đại học ở Trung Quốc để nghiên cứu đông xác, ảnh hưởng của nhiệt độ thấp đối với sinh vật sống.

Aaron Drake, giám đốc trung tâm phản ứng lâm sàng tại Yinfeng, lí giải sự khác biệt giữa trung tâm ở Trung Quốc với các trung tâm khác trên thế giới.

"Tại Viện nghiên cứu Alcor, một khi thi thể được đặt vào nitơ lỏng, thì họ sẽ để nguyên như vậy. Giống như là mai táng trong băng giá. Nhưng chúng tôi không chỉ thực hiện việc trữ lạnh thi thể người khuất mà muốn dự án này sẽ mang lại ích lợi cho tất cả các ngành y khoa. Chúng tôi làm việc với các bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê và bác sĩ vận hành máy hỗ trợ tim-phổi."

Ứng dụng cho ngành y

Một trong những trở ngại lớn nhất của quy trình cấy ghép nội tạng là không có nhiều cơ hội để lấy nội tạng còn dùng được từ người đã qua đời và đưa vào cơ thể người bệnh.

"Lấy tim người làm ví dụ, thời gian có thể dùng chỉ là khoảng 6 giờ đồng hồ. Các mô tế bào bắt đầu chết sau 6 giờ".

Điều đó đồng nghĩa với việc, trong vòng 6 giờ, nội tạng phải được đưa ra khỏi cơ thể người hiến, làm sạch, vận chuyển trong khi bác sĩ cũng phải xét nghiệm máu của cả người cho và người hiến để xác định độ tương thích. Đây là một thách thức lớn đối với người y tế ở Trung Quốc. Xét trên diện tích của những quốc gia lớn như Trung Quốc, việc ghép cặp người hiến - bệnh nhân không hề dễ dàng.

"Hãy thử nghĩ tới việc có thể kéo dài thời gian lưu trữ nội tạng từ 6 giờ thành 6 ngày, sau đó làm hồi phục nội tạng để ghép vào bệnh nhân. Khi đó, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên thực hiện nghiên cứu như vậy và Yinfeng đang dẫn đầu trong quá trình nghiên cứu. Chúng tôi có thể sẽ đạt được những kết quả lớn nhờ vào phương pháp tiếp cận mới."

Theo ông Drake, mỗi loại nội tạng cần những kĩ thuật khác biệt để bảo quản. "Nội tạng càng lớn, càng khó bảo quản. Các dụng cụ sử dụng kèm theo cũng phải lớn".

Hiện tại, Yinfeng có 10 bệnh nhân được đông xác trong khi Alcor có 181 người. Tuy nhiên Li Qingping, giám đốc truyền thông của viện, cho biết trong những năm qua, viện này đã thu hút được sự chú ý của nhiều người Trung Quốc.

"Hơn 100 người đã tới thăm trung tâm của chúng tôi vào năm ngoái, và 60 người đã cam kết họ muốn thực hiện đông xác," Li nói và cho biết một số khách đã đóng tiền "đặt cọc".

Mặc dù ý tưởng hồi sinh người chết có vẻ viễn tưởng, thậm chí là không thể thực hiện, nhưng ông Drake cho rằng đông xác vẫn là một kỹ thuật có tiềm năng lớn.

"Con người ngày nay không thể chữa được ung thư, Parkinson và các loại bệnh não. Nếu chúng ta tới tương lai 100 năm sau, có thể việc chữa các bệnh này không còn là điều phức tạp nữa. Đầu những năm 1900, nhiều người đã tử vong do đau tim, đột quỵ và cúm. Nhưng ngày nay, y học hiện đại đã có thể chữa hoặc giảm tỉ lệ tử vong từ các bệnh này. Vậy nếu chúng ta có thể cho bệnh nhân nhiều thời gian hơn, một ngày nào đó họ có thể chữa lành ung thư và có cơ hội sống thọ hơn".


Tất Đạt

Cùng chuyên mục
XEM