Hồi sinh dự án: Nói dễ, làm có khó?

27/05/2017 14:53 PM | Kinh doanh

Bên cạnh mua bán - sáp nhập, nhiều nhà phát triển bất động sản chọn cách "bắt tay" với các ngân hàng, đơn vị tư vấn, quản lý nhằm tái khởi động các dự án lớn sau nhiều năm "đóng băng".

Từ các dự án dang dở ở khu nam...

Sau khoảng 7 năm gần như không có động thái nào đáng kể trên thị trường bất động sản, mới đây, Công ty Xây dựng - Sản xuất - Thương mại Tài Nguyên (gọi tắt là Tài Nguyên) đã triển khai 2 dự án có giá trị đầu tư lên đến 1 tỷ USD tại khu nam TP.HCM. Đáng chú ý là việc tái khởi động Kenton Residences với tên gọi mới Kenton Node Hotel Complex.

Kenton Residences tọa lạc tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (huyện Nhà Bè), đã được Tài Nguyên khởi công xây dựng từ năm 2009. Theo quy hoạch ban đầu, Kenton Residences có diện tích 9,1ha, gồm 9 tòa tháp cao từ 15 - 35 tầng, 1.640 căn hộ cao cấp và trung tâm mua sắm 20.000m2. Sau khi hoàn thành phần thô một số tòa nhà, đến năm 2011, toàn bộ công trình đã ngừng thi công do khó khăn về tài chính và bán hàng. Ngày 21/5 vừa qua, dự án này "tái ra mắt" với tên gọi mới.

Ông Vũ Anh Tâm - Chủ tịch HĐQT Công ty Tài Nguyên cho biết, trong suốt thời gian thị trường trầm lắng, Công ty đã dùng nhiều giải pháp để gỡ khó, trong đó có việc thay đổi thiết kế, kết hợp giữa nhà ở với dịch vụ, đáng chú ý là hạng mục khách sạn hơn 500 phòng tại dự án Kenton Residences.

Tài Nguyên cũng từng tìm được đối tác lớn từ nước ngoài để triển khai dự án theo hướng này nhưng sau đó không thành. Hiện nay, theo quy hoạch đã được điều chỉnh và phê duyệt, dự án sẽ bao gồm nhiều hạng mục, cụ thể như khách sạn 5 sao 288 phòng, 586 căn condotel, hơn 1.500 căn hộ, công viên dọc bờ sông. Điều đáng nói, thay vì các căn hộ có diện tích lớn như thời điểm năm 2009, lần điều chỉnh này sẽ có những căn hộ diện tích từ 47m2.

Trước đó không lâu, cũng ở khu nam TP.HCM, Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt đã tái cấu trúc dự án River City (quận 7). Theo đó, doanh nghiệp đã thông báo về việc thanh lý hợp đồng ở River City cho khách hàng đã mua sản phẩm, nhằm điều chỉnh lại thiết kế. Với tên gọi ban đầu là The EverRich 2, dự án gồm 12 block chung cư, cung ứng hơn 3.000 căn hộ nhưng trong suốt thời gian thị trường bất động sản trầm lắng (khi đó do Phát Đạt làm chủ đầu tư) gặp khó khăn về đầu ra, một phần do thiết kế diện tích căn hộ lớn.

Đến năm 2016, The EverRich 2 được đổi tên thành River City khi có sự tham gia của An Gia Investment và quỹ đầu tư Nhật Bản Creed Group. Song song đó, River City cũng thay đổi về mặt thiết kế, đáng chú ý là đã xuất hiện căn hộ với diện tích 47m2. Việc tạm dừng mua bán đối với River City mới đây được xem là bước chuẩn bị để khu chung cư có tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng này ra mắt với diện mạo mới.

Cùng với việc cơ cấu lại sản phẩm, thay đổi thiết kế, những khu nhà ở trong quá trình tái khởi động cũng đã tiến hành các giải pháp để đảm bảo nguồn tài chính.

Tại buổi lễ ra mắt 2 dự án, Công ty Tài Nguyên đã nhận bổ sung hơn 1.060 tỷ đồng từ BIDV, Maritime Bank dành cho Kenton Node, đồng thời EverGreen (quận 7) cũng nhận gói tín dụng bổ sung 500 tỷ đồng từ SHB.

"Việc các ngân hàng bổ sung tín dụng không chỉ giúp chủ đầu tư có thêm nguồn vốn hỗ trợ tiếp tục triển khai dự án và quan trọng hơn là bảo lãnh tín dụng cho người mua nhà, giúp thị trường có thêm một nguồn cung bất động sản, tránh gây lãng phí cho doanh nghiệp và nguồn lực xã hội", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận xét.

...Đến cởi nút thắt cho 500 dự án

Cũng theo đại diện HoREA, hiện nay dự án nào, doanh nghiệp nào có ngân hàng bảo lãnh, cung cấp tín dụng được xem như được bảo chứng về mặt uy tín với khách hàng. Điều này cho thấy, tín dụng ngân hàng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường bất động sản. Theo HoREA, trong 1.200 dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM, hiện có khoảng 500 dự án bị ngừng triển khai.

Theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư dự án phải có 15 - 20% vốn chủ sở hữu, như vậy, 80 - 85% vốn đầu tư dự án phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng, mà trước hết là nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Do đó, để khuyến khích thị trường tăng trưởng, phải áp dụng chính sách tín dụng nới lỏng, lãi suất thấp, điều kiện thẩm định cho vay dễ dàng.

HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xây dựng quy chế hoạt động nội bộ ngân hàng theo hướng khuyến khích chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn, nhà cung cấp vật tư, thiết bị, khách hàng mở tài khoản giao dịch tại cùng ngân hàng. Mục tiêu là để tạo điều kiện cho ngân hàng giám sát dòng tiền được sử dụng đúng mục đích, giúp cho chủ đầu tư và các bên liên quan sử dụng vốn tín dụng hiệu quả, tiết kiệm, giảm thiểu rủi ro cho khách hàng.

HoREA cũng kiến nghị thực hiện cơ chế phối hợp "chuỗi 5 nhà" (nhà đầu tư phát triển dự án, nhà thầu thi công, nhà cung ứng vật tư, trang thiết bị, nhà băng và Nhà nước). Các chủ thể này cùng nhau hợp tác sẽ tạo được sức mạnh để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững, không để dự án "trùm mền" quá lâu, gây lãng phí vốn, đất đai.

Theo KHÁNH ĐINH

Cùng chuyên mục
XEM