Hỏi đáp từ A đến Z về vụ đảo chính gây chấn động ở Thổ Nhĩ Kỳ

16/07/2016 13:27 PM | Xã hội

Ở trong thế giằng co giữa châu Âu và châu Á, giữa đông đảo dân số theo đạo Hồi và một Chính phủ giáo sĩ, đất nước Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với muôn vàn áp lực về chính trị, kinh tế và xã hội.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã có ít nhất 3 lần lật đổ chính quyền kể từ năm 1960 đến nay và tầm ảnh hưởng chỉ giảm sút sau khi Tổng thống Tayyip Erdogan và đảng của ông lên nắm chính quyền vào năm 2002.

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Đêm 15/6 theo giờ địa phương, một cuộc đảo chính đã nổ ra ở hai thành phố Ankara và Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc đảo chính được lãnh đạo bởi một nhóm trong quân đội đã khiến hai thành phố này chìm trong tiếng súng, hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Trong thông báo phát đi, nhóm đảo chính nói rằng họ đấu tranh vì dân chủ.

Đến nay Tổng thống Erdogan đã trở về Thổ Nhĩ Kỳ (ông đang đi nghỉ) và tuyên bố cuộc đảo chính thất bại. Tình hình đã được kiểm soát khi chính phủ tuyên bố nắm quyền trở lại dù các cuộc đụng độ và bạo lực vẫn tiếp tục diễn ra ở Istanbul và thủ đô Ankara.

Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, 336 người đã bị bắt vì liên quan tới vụ đảo chính.

2. Erdogan là ai?

Erdogan là một thành viên của đảng Hồi giáo khi ông là thị trưởng của thành phố Istanbul trong những năm 1990. Sau thời gian bị cấm hoạt động chính trị và phải ngồi tù, ông lại nổi lên trở thành lãnh đạo của phong trào tìm kiếm sự cân bằng giữa đạo Hồi và những tư tưởng hiện đại. Ông là Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2003 đến 2014, giúp nền kinh tế này tăng trưởng nhanh chóng. Sau đó ông trở thành Tổng thống.

3. Tại sao quân đội lại đảo chính?

Cho đến nay những nguyên nhân vẫn chưa rõ ràng. Ông Erdogan đã khiến tầm ảnh hưởng của quân đội giảm sút. Thậm chí năm 2013 một số nhân vật trong quân đội còn bị xử tử vì được cho là có âm mưu đảo chính. Erdogan cũng khiến quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tích cực hoạt động trong cuộc nội chiến đầy nguy hiểm ở Syria và dẫn đầu những chiến dịch chống lại người Kurd (nhóm thiểu số lớn nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ). Bản thân ông cho rằng người đứng sau âm mưu đảo chính chính là Fethullah Gulen, một học giả tôn giáo Thổ Nhĩ Kỳ sống tại Mỹ cũng là kẻ thù chính trị của ông.

4. Tại sao quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lại muốn nắm quyền?

“Cha đẻ” của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại - Mustafa Kemal Ataturk – là một sĩ quan quân đội và đã trao cho quân đội vai trò trung tâm trong việc duy trì xã hội giống phương Tây mà ông hướng tới. Ataturk dẫn dắt Thổ Nhĩ Kỳ suốt từ thời hậu Ottoman (năm 1923) đến khi ông qua đời năm 1938.

5. Tại sao vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ có tầm ảnh hưởng lan ra toàn thế giới?

Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ năm 1952 và là một thành viên liên kết của EU từ những năm 1960. Có chung biên giới với Syria, Iraq và Iran, nước này lâm vào cuộc chiến đa quốc gia với lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) và cho phép các máy bay của Mỹ sử dụng căn cứ không quân. Kết quả là Thổ Nhĩ Kỳ cũng trở thành mục tiêu ném bom của bọn khủng bố.

“Có lẽ Thổ Nhĩ Kỳ là đất nước duy nhất trên thế giới mà 4 bên bao quanh đều toàn những rắc rối”, Thomas Pickering – cựu đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc – từng nói hồi tháng 4.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM