Hoàng Sơn – doanh nghiệp kín tiếng tại Hòa Bình với tham vọng đầu tư vài chục nghìn tỷ đồng vào điện gió Tây Nguyên

07/01/2021 13:45 PM | Kinh doanh

Bên cạnh 2 dự án mới khởi công tại Gia Lai, Hoàng Sơn đã và đang nghiên cứu đầu tư nhiều dự án điện gió tại các tỉnh Sóc Trăng, Đăk Lăk tổng công suất hàng nghìn MW.

UBND tỉnh Đăk Lăk vừa đồng ý chủ trương cho CTCP Đầu tư Năng lượng Xây dựng Thương mại Hoàng Sơn (Hoàng Sơn) nghiên cứu, khảo sát đo gió lập dự án điện gió tại các huyện Ea H’leo, Krông Busk và Krông Năng.

Cụ thể, tại xã Ea Hiao (huyện Ea H’leo) và xã Cư Klông (huyện Krông Năng), doanh nghiệp khảo sát đo gió trên diện tích 2.735 ha, lập dự án điện gió quy mô công suất dự kiến 180 MW. Tại xã Ea Sol (huyện Ea H’leo), khảo sát đo gió diện tích 6.350 ha, quy mô nhà máy 500 MW. Tại xã Cư A Mung (huyện Ea H’leo) đo gió diện tích 4.794 ha, quy mô nhà máy 150 MW. Tại xã Cư Kbô (huyện Krông Búk) và xã Ea Hồ (huyện Krông Năng), đo gió trên diện tích 2.602 ha, quy mô nhà máy 100 MW.

Cuối năm 2019, Hoàng Sơn cũng được tỉnh Đăk Lăk duyệt chủ trương khảo sát đo gió trên diện tích trên 5.000 ha tại hai huyện Cư Kuin và Krông Bông. Tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng cho công suất phát 320 MW.

Việc nghiên cứu các dự án điện gió quy mô lớn phần nào cho thấy mức độ hứng thú của Hoàng Sơn đối với lĩnh vực điện tái tạo.

Cuối tháng 8/2020, tỉnh Gia Lai phê duyệt chủ trương đầu tư hai dự án điện gió gồm Chơ Long (155MW) và Yang Trung (145MW) cho Hoàng Sơn. Hai dự án với tổng mức đầu tư lần lượt 4.619 tỷ đồng và 4.403 tỷ đồng, đều sử dụng cơ cấu tài chính 1 vốn – 4 vay.

Theo kế hoạch tiến độ, cả hai sẽ được vận hành thương mại vào tháng 10 năm sau, trước thời điểm áp dụng giá bán FIT với điện gió.

 Hoàng Sơn – doanh nghiệp kín tiếng tại Hòa Bình với tham vọng đầu tư vài chục nghìn tỷ đồng vào điện gió Tây Nguyên  - Ảnh 1.

Trên dữ liệu mà chúng tôi thu thập, hệ sinh thái lĩnh vực năng lượng tái tạo nhà Hoàng Sơn với hạt nhân là ông Nguyễn Nam Chung (sinh năm 1972), Tổng giám đốc. Các dự án Phong điện Yang Trung và Chơ Long sẽ được triển khai thông qua dòng vốn đến từ các công ty STC Golden Land và Hoàng Sơn.

Một cá nhân khác, ông Lê Tùng Hoa cũng tham gia vào các dự án này thông qua công ty HB Grand Land.

Ông Nguyễn Nam Chung và ông Lê Tùng Hoa còn bắt tay nhau rót vốn vào CTCP Đầu tư Năng lượng Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME Energy), chính là chủ đầu tư hai dự án phong điện Lạc Hòa và Hòa Đông mới được khởi công cuối tháng 9/2020. Mỗi dự án có công suất 30 MW, tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, hai dự án này dự kiến đóng điện vào quý 3/2021.

Trên trang web của Điện gió Hòa Đông cho biết nhà đầu tư tham gia dự án gồm có Hoàng Sơn cùng UPC Renewables và AC Energy, điều này khẳng định rõ ràng hơn vai trò nhà phát triển điện gió mới nổi.

 Hoàng Sơn – doanh nghiệp kín tiếng tại Hòa Bình với tham vọng đầu tư vài chục nghìn tỷ đồng vào điện gió Tây Nguyên  - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Nam Trung (trái), Tổng giám đốc Hoàng Sơn

Đôi dòng về ông Lê Tùng Hoa, đối tác của ông Nguyễn Nam Chung tại các dự án điện tái tạo. Ông Hoa sinh năm 1969, từng có 16 năm làm công tác tài chính kế toán tại Tổng công ty Sông Đà. Từ năm 2007, ông làm Kế toán trưởng CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Sông Đà (ASD).

Quay trở lại với Hoàng Sơn, trong một bài viết vào tháng 9/2020, chúng tôi đã từng đề cập đến việc Hoàng Sơn đầu tư ban đầu vào hai dự án điện mặt trời Mỹ Sơn 1 và Mỹ Sơn 2, nhưng sau đó đã chuyển nhượng lại cho phía BB Power Holding - mảng đầu tư năng lượng của doanh nhân Vũ Quang Bảo.

Hoàng Sơn là một doanh nghiệp có trụ sở tại tỉnh Hòa Bình, vốn điều lệ 270 tỷ đồng. Công ty hoạt động đa ngành từ bất động sản, kinh doanh vật liệu xây dựng, BOT, môi trường, nhà thầu xây dựng, cho đến năng lượng mà ban đầu là đầu tư các dự án thủy điện (Đồng Chum 2 và Suối Nhạp A)...

Trong năm 2019, doanh thu của Hoàng Sơn gần 500 tỷ đồng, lợi nhuận khiêm tốn 2 tỷ đồng. Tổng tài sản của công ty hơn 1.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 270 tỷ đồng.

Đông A

Cùng chuyên mục
XEM