Hòa Phát sẽ làm gì để ứng phó với diễn biến tăng của tỷ giá USD/VND?

01/08/2022 16:43 PM | Kinh doanh

Không tính đến hiệu quả hoạt động kinh doanh chính thì tỷ giá USD tăng và chứng khoán giảm điểm là 2 nguyên nhân gây lỗ tài chính nhiều nhất cho các công ty trong quý II/2022.

Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGENCO 3, mã CK: PGV) vừa báo lợi nhuận ròng sụt giảm mạnh xuống còn hơn 407 tỷ đồng trong quý II/2022, tương ứng giảm 52% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 385 tỷ đồng theo giải trình từ PGV.

Chung cảnh ngộ, Sợi thế kỷ (mã CK: STK) đã ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 17,1 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022, trong khi năm ngoái là 209,6 triệu đồng khiến chi phí tài chính tăng 492% lên 20,1 tỷ đồng.

Hòa Phát, "ông vua" của ngành thép cũng "ngậm ngùi" lỗ tới hơn 1.000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá trong 2 quý đầu năm.

Tỷ giá USD tăng cao ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp vay bằng đồng USD và có hoạt động nhập khẩu

Các dữ liệu thống kê thị trường của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho thấy, trong tuần thứ 4 của tháng 6.2022, tỷ giá trung tâm tăng 16 đồng, từ 23.089 VND/USD lên mức 23.105 VND/USD. Trong khi đó, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại kết thúc tuần cũng tăng 21 đồng, từ mức 23.231 VND/USD lên mức 23.252 VND/USD.

Nguyên nhân được cho là do tác động từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất điều hành. Fed liên tiếp tăng lãi suất điều hành 3 lần chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022; mức tăng lãi suất ngày 15/6 (0,75 điểm %) lớn nhất trong vòng 28 năm qua và dự kiến tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới.

Trong báo cáo “Kinh tế vĩ mô 6 tháng năm 2022, triển vọng cuối năm” vừa được Công ty Chứng khoán Ngân hàng Quân đội (MBS) công bố, các chuyên gia của MBS cho biết, tỷ giá VND/USD tăng khoảng 2% trong 6 tháng năm 2022 khi áp lực từ yếu tố cung cầu USD tăng lên trong khi các nền kinh tế lớn như Mỹ và EU đã phát đi thông điệp thắt chặt tiền tệ mạnh tay, khiến áp lực bên ngoài lên VND khá lớn.

Đối với các doanh nghiệp có vay bằng ngoại tệ và nhập khẩu, diễn biến thị trường này không phải là một tin tức đáng mừng.

Hòa Phát lỗ hơn 1.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá hối đoái trong 6 tháng đầu năm

Theo BCTC hợp nhất quý II vừa được Hòa Phát công bố, lỗ chênh lệch tỷ giá trong 6 tháng đầu năm lên đến 1.270 tỷ đồng, trong khi ở chiều ngược lại lãi chênh lệch tỷ giá chỉ gần 180 tỷ đồng. Bù trừ chênh lệch, trong kỳ Hòa Phát đang âm gần 1.100 tỷ đồng vì tỷ giá USD/VND tăng mạnh.

Câu chuyện về việc tỷ giá USD tăng có lẽ chưa dừng lại ở quý II. Theo dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I/2022 của Ngân hàng United Overseas Bank (UOB), tỷ giá USD/VND sẽ ở mức 23.300 trong quý III/2022 và 23.400 trong quý IV/2022.

Do còn đang trong giai đoạn đầu tư mạnh cho dự án Hòa Phát - Dung Quất 2, toàn bộ máy móc, thiết bị quan trọng đều được nhập khẩu nên việc USD trở nên "đắt đỏ" hơn cũng có thể khiến chi phí đầu tư đội lên nếu doanh nghiệp không có sự chuẩn bị và tính toán kỹ lưỡng.

Một trong những phương hướng được doanh nghiệp đưa ra để chống chọi với diễn biến không thuận lợi này đó là tăng cường xuất khẩu.

Tỷ trọng sản lượng xuất khẩu của Hòa Phát trong quý II đã đạt 36%, tăng 8% so với quý I/2022.

Hòa Phát sẽ làm gì để ứng phó với diễn biến tăng của tỷ giá USD/VND? - Ảnh 1.

Nguồn: BC Hòa Phát

Hòa Phát cho biết, từ quý II/2022, công ty đã không ngừng mở rộng và đa dạng hơn các thị trường xuất khẩu như Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Thailand, Singapore), Châu Âu (Bỉ, Italia, Tây Ban Nha), Châu Mỹ (Mỹ, Mexico)... và sẽ tiếp tục trong những quý sau. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu một mặt làm tăng sản lượng tiêu thụ thép của Hòa Phát, mặt khác làm tăng nguồn doanh thu USD để cân bằng hơn về cán cân ngoại tệ, giảm bớt rủi ro tỷ giá.

Không ngừng tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Hòa Phát đã xuất khẩu 750.000 tấn thép xây dựng các loại (hơn 553.000 tấn thép thanh, còn lại là thép cuộn), tăng gấp 2 lần cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất chiếm phần lớn lượng thép xuất khẩu với 650.000 tấn sản phẩm.

Được biết, đến thời điểm này, thép xây dựng Hòa Phát đã được xuất khẩu đến 25 quốc gia như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia... Việc khai thác các thị trường mới giúp Hòa Phát đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, đồng thời góp phần thu ngoại tệ và cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam.

Hòa Phát sẽ làm gì để ứng phó với diễn biến tăng của tỷ giá USD/VND? - Ảnh 2.

Hình ảnh: Hòa Phát

Ngày 19/7 vừa qua tập đoàn Hòa Phát cho biết, doanh nghiệp vừa ký kết hợp đồng xuất khẩu lô hàng thép thanh vằn sang Mexico. Đây là đơn hàng đầu tiên xuất sang quốc gia khu vực Bắc Mỹ.

Cụ thể, lô hàng thép thanh vằn gồm 8.000 tấn, có mác thép ASTM, sản xuất theo tiêu chuẩn ASTM-Mỹ. Đây là loại thép cốt bê-tông thường dùng để xây dựng các công trình, được sản xuất từ Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Hải Dương, dự kiến thời gian giao hàng trong tháng 8 tới.

Cùng với việc gia tăng tỷ trọng xuất khẩu thu về ngoại tệ, chi phí vận chuyển và xuất khẩu của công ty trong 6 tháng đầu năm cũng tăng thêm 204,6 tỷ đồng, tương đương 61% so với cùng kỳ năm ngoái.

An Vũ

Cùng chuyên mục
XEM