Hổ dữ không ăn thịt con, lý do nào khiến Tôn Quyền vẫn nhẫn tâm bức tử cả con trai ruột?

24/08/2020 21:16 PM | Sống

Dù rất mực yêu thương người con trai này, thế nhưng Tôn Quyền vẫn "cắn răng" đẩy con vào cửa tử vì nhiều lý do sâu xa dưới đây.

Tương truyền rằng, năm xưa Hoàng đế khai quốc của Đông Ngô là Tôn Quyền từng có sở thích săn thú, đặc biệt là săn hổ. Cũng bởi vậy mà hai cô con gái của ông đều lần lượt được đặt tên là Tôn Đại Hổ và Tôn Tiểu Hổ.

Cổ nhân có câu: "Hổ dữ không ăn thịt con". Thế nhưng có nhiều người cho rằng, một người coi chúa sơn lâm là con mồi của mình như Tôn Quyền lại có lúc còn tàn nhẫn hơn cả loài vật ấy. Bằng chứng là ông năm xưa từng không nể tình phụ tử mà bức chết chính con trai ruột của mình.

Nhìn lại cuộc đời của vị Hoàng đế Đông Ngô ấy, ông không bị người đời đánh giá là một bạo chúa. Vậy vì sao Tôn Quyền vẫn làm ra một hành động bị coi là máu lạnh, vô tình như vậy? Liệu rằng phía sau cái chết tức tưởi của con trai ông có ẩn chứa huyền cơ gì hay không?

Thân thế của người con bị Tôn Quyền bức tử: Từng được sủng ái ngang Thái tử

 Hổ dữ không ăn thịt con, lý do nào khiến Tôn Quyền vẫn nhẫn tâm bức tử cả con trai ruột? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Nhân vật từng bị Tôn Quyền bức tử năm xưa chính là người con trai thứ tư của ông tên Tôn Bá, do Tạ Cơ sinh ra.

Tháng 8 năm 242, người này được vua cha phong làm Lỗ Vương. Lúc đó Tôn Quyền chỉ còn lại 4 người con trai còn tại thế, và người được yêu quý hơn cả không ai khác ngoài Tôn Bá.

Trước đó, vào cuối năm 241, Thái tử Tôn Đăng qua đời khi mới 33 tuổi. Một năm sau, ông lập con trai thứ ba là Tôn Hòa do Vương thị sinh hạ làm Hoàng Thái tử.

Mặc dù bấy giờ chức vị trữ quân đã định, thế nhưng Lỗ vương Tôn Bá vẫn được vua cha rất mực sủng ái. Tôn Quyền khi ấy thậm chí còn để cho người con này hưởng những đãi ngộ ngang hàng với Thái tử đương triều.

Thái độ này của nhà vua vấp phải sự phản đối của không ít các triều thần, đặc biệt là những đại thần ở phe của Thái tử Tôn Hòa.

Kết quả là tới năm 245, Hoàng đế cho phép Tôn Hòa và Tôn Bá mở phủ đệ riêng. Mối quan hệ của hai huynh đệ này cũng bắt đầu nảy sinh nhiều mâu thuẫn từ đó.

Điểm đáng nói nằm ở chỗ, lúc bấy giờ Lỗ vương Tôn Bá vẫn một mực được vua cha sủng ái, mà Thái tử Tôn Hòa ngược lại càng lúc càng mất đi sự tín nhiệm từ phụ hoàng vì nhiều lý do.

Điều này khiến cho mẹ ruột của Thái tử u buồn mà qua đời, còn Tôn Hòa thì ngày đêm lo sợ người em Tôn Bá sẽ tranh đoạt chức vị người thừa kế với mình.

Tranh ngôi vị kế thừa, hậu duệ của Tôn Quyền rơi vào cảnh huynh đệ tương tàn

 Hổ dữ không ăn thịt con, lý do nào khiến Tôn Quyền vẫn nhẫn tâm bức tử cả con trai ruột? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Về phần Tôn Bá, vị Lỗ vương ấy biết rằng nếu muốn trở thành người thừa kế thì nhất định phải được các đại thần trong triều ủng hộ. Vì vậy, ông bắt đầu tích cực qua lại với triều thần, lôi kéo được một nhóm người ủng hộ mình.

Lúc này, nội bộ Đông Ngô chia làm hai phe phái như sau:

Một phe phái ủng hộ Thái tử Tôn Hòa, chủ yếu có Thừa tướng Lục Tốn, Đại tướng quân Gia Cát Khác, Phiêu kỵ Tướng quân Chu Cứ…

Phe còn lại nâng đỡ Lỗ vương Tôn Bá, nhân vật cốt cán gồm Phiêu kỵ Tướng quân Bộ Chất, Trấn nam Tướng quân Lã Đại, Tả tướng Lã Cư, Trung sách lệnh Tôn Hoằng…

Hai phe cánh nói trên thực lực tương đương, liên tục công kích lẫn nhau, dẫn tới triều chính hỗn loạn, sử cũ gọi là "Nam Lỗ chi tranh".

Trong đó, "Nam" là chỉ Thái tử Tôn Hòa, bởi khi ấy ông ở tại Nam Cung, mà "Lỗ" chính là chỉ Lỗ vương Tôn Bá.

Cục diện hỗn loạn nói trên khiến Tôn Quyền không khỏi đau đầu. Vì vậy vào năm 244, ông đã hạ chiếu cấm các Hoàng tử qua lại với triều thần để chuyên tâm học tập.

Thế nhưng, người được vua cha một mực sủng ái là Lỗ vương Tôn Bá vẫn không cam lòng, ngày đêm khao khát vị trí Thái tử.

Quyết định bức tử con ruột và lựa chọn của Tôn Quyền cho cơ nghiệp Đông Ngô

Bấy giờ, Tôn Bá lợi dụng đồng đảng để liên tục công kích, chê bai Thái tử Tôn Hòa, khiến cục diện triều chính của Đông Ngô ngày càng trở nên hỗn loạn.

Tình thế ấy khiến cho Tôn Quyền ý thức được nguy cơ ngày càng lớn. Tương truyền rằng, ông từng nói với đại thần Tôn Tuấn hai câu:

"Con em không hòa thuận, thuộc hạ chia bè phái, chẳng mấy mà suy bại như họ Viên, rồi trở thành trò cười cho thiên hạ. Nếu chỉ lập một người, sao có thể không loạn cho nổi?".

Nói cách khác, Tôn Quyền hiểu rõ hơn ai hết, dù ông lựa chọn Tôn Hòa hay Tôn Bá làm người kế vị thì đều sẽ gieo xuống mầm mống nổi loạn. Vì vậy, vị Hoàng đế khai quốc của Đông Ngô đã đưa ra một quyết định vô cùng bất ngờ.

Năm 250, Tôn Quyền tuyên bố phế bỏ và lưu đày Thái tử Tôn Hòa, đồng thời ép buộc Lỗ vương Tôn Bá phải tự sát, sau đó nghiêm phạt quan viên ở cả hai phe cánh.

 Hổ dữ không ăn thịt con, lý do nào khiến Tôn Quyền vẫn nhẫn tâm bức tử cả con trai ruột? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Cái chết của người con từng được sủng ái là Tôn Bá cũng trở thành nguyên nhân khiến cuộc đời Tôn Quyền có một vết đen khó có thể gột rửa: Đó chính là hành động nhẫn tâm bức tử ruột thịt của chính mình.

Tuy nhiên theo quan điểm của Qulishi, việc làm của Tôn Quyền xuất phát từ 2 mục đích quan trọng.

Thứ nhất: Ổn định nội bộ Đông Ngô, chấm dứt cảnh nội đấu giữa các phe phái gây nhiễu loạn triều chính.

Thứ hai: Dọn đường cho người con út Tôn Lượng lên ngôi kế vị.

Sau khi phế bỏ Thái tử và bức tử Lỗ vương, Tôn Quyền hạ chiếu lập người con út mới 8 tuổi là Tôn Lượng làm Thái tử thay cho Tôn Hòa. Ông thậm chí còn đưa mẹ ruột của người con này là Phan thị lên ngôi Hoàng hậu.

Năm 252, Tôn Quyền qua đời, Tôn Lượng thuận lợi kế vị, trở thành Hoàng đế thứ hai của Đông Ngô.

Chỉ có điều ngay đến Tôn Quyền cũng không thể ngờ rằng việc đưa Tôn Lượng lên ngôi lại khiến đại cục của Đông Ngô sau này càng trở nên hỗn loạn với 4 lần xảy ra chính biến, 3 vị quyền thần bị sát hại, 1 Hoàng đế bị phế, kéo theo đó cái chết oan uổng của vô số các trọng thần…

*Dịch từ báo nước ngoài

Trần Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM