"Hộ chiếu vaccine": Cuộc tranh luận chưa có hồi kết

02/03/2021 20:39 PM | Xã hội

Ý tưởng về "chứng chỉ" tiêm chủng ngừa Covid-19 vẫn còn nhiều tranh luận và chưa đến hồi kết...

Khi tiến trình triển khai vaccine ngừa Covid-19 được đẩy nhanh trên toàn cầu, các chính phủ bắt đầu nghĩ đến việc áp dụng "hộ chiếu vaccine" - phương thức để chứng minh một người đã được tiêm chủng phòng Covid. 

Tuy nhiên, "hộ chiếu" đặc biệt này đang đặt ra không ít mối lo, nhất là việc những người không sở hữu có thể phải đứng ngoài nhiều hoạt động của cuộc sống thường ngày.

LO NGẠI PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ

Mới đây, Chính phủ Anh tuyên bố sẽ xem xét liệu người dân nước này có cần chứng thực đã tiêm vaccine hoặc kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính để được vào quán bar, quay trở lại văn phòng làm việc, tới rạp hát hay sự kiện thể thao.

Tại Israel, một "hộ chiếu" vaccine đã được triển khai vào tuần trước, cho phép những ai đã tiêm phòng được vào khách sạn và phòng tập gym. Saudi Arabia mới phát hành một "hộ chiếu" sức khỏe trên ứng dụng dành cho những người đã tiêm phòng Covid, trong khi Chính phủ Iceland đang tiến hành cấp "hộ chiếu vaccine" để thúc đẩy du lịch. Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh điều hành yêu cầu các cơ quan hữu quan đánh giá tính khả thi của việc cấp chứng nhận điện tử cho những người đã tiêm vaccine Covid-19.

Phe ủng hộ những kế hoạch trên nói rằng "hộ chiếu vaccine" sẽ tạo điều kiện mở cửa trở lại các nền kinh tế đã "tơi tả" vì đại dịch, cho phép người dân tận hưởng hoạt động vui chơi giải trí và quay trở lại làm việc một cách an toàn. Ngoài ra, cách làm này sẽ giữ vai trò khuyến khích người dân đi tiêm phòng Covid.

Tuy nhiên, ý tưởng "hộ chiếu vaccine" cũng có những mặt trái. Trong đó, phải kể tới nguy cơ tạo ra sự phân biệt đối xử nhằm vào các cộng đồng thiểu số - những người có khuynh hướng chấp nhận vaccine Covid-19 thấp hơn, theo các cuộc thăm dò dư luận ở Mỹ; hoặc những người trẻ tuổi - đối tượng có mức độ ưu tiên thấp hơn khi tiêm phòng Covid-19.

Ngoài ra, còn có những câu hỏi khác về mặt đạo đức của việc cho phép các doanh nghiệp được truy cập vào hồ sơ y tế của người dân.

"HỘ CHIẾU VACCINE" ĐỂ LÀM GÌ?

"Câu hỏi mấu chốt là: thứ này dùng để làm gì?", bà Melinda Mills, Giám đốc Trung tâm Leverhulme về Khoa học dân số thuộc Đại học Oxford, nói với tờ Wall Street Journal. "Hộ chiếu vaccine để du lịch quốc tế? Để tìm việc làm? Hay để mua sữa?"...

Một số quan chức y tế lo ngại rằng "hộ chiếu vaccine" có thể tạo cho người dân cảm giác sai lệch về sự an toàn. Chẳng hạn, hiện còn chưa rõ vaccine giúp chống lại sự lây nhiễm và phát tán bệnh tới mức độ như thế nào, hay tiêm chủng có tác dụng đối với những biến chủng mới của virus corona. Đây là những câu hỏi mà các nhà khoa học đang chạy đua với thời gian để tìm câu trả lời.

Tại một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Liên minh châu Âu (EU) vào tuần trước, các nhà lãnh đạo khu vực nhất trí trong 3 tháng tới sẽ triển khai một chứng nhận điện tử dành cho người dân trong khối đã tiêm chủng ngừa Covid. Tuy nhiên, các bên vẫn còn tranh cãi về việc chứng nhận này sẽ dùng để làm gì. Một số nước như Áo và Hy Lạp muốn chứng nhận này là một dạng hộ chiếu cho phép những người đã tiêm chủng được đi du lịch. Một số nước khác, như Pháp, Bỉ và Hà Lan có quan điểm hoài nghi hơn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói ông không muốn những người trẻ - đối tượng hiện chưa được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 - bị phân biệt đối xử.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thành lập một nhóm công tác nhằm tìm ra phương thức tốt nhất để phát hành một chứng chỉ điện tử dành cho những người đã được tiêm chủng Covid.

Isarel và Anh, hai nước có chương trình tiêm chủng Covid-19 dẫn đầu thế giới tính đến thời điểm này, cũng là những nước đi đầu về ý tưởng "hộ chiếu vacccine". Anh đặt mục tiêu đến cuối tháng 7 sẽ tiêm phòng Covid-19 xong cho toàn bộ dân số là người trưởng thành. Thủ tướng Boris Johnson của nước này mới đây tuyên bố đến giữa tháng 6 sẽ hoàn tất việc rà soát cấp chứng chỉ miễn dịch Covid.

Cuối tuần trước, Israel bắt đầu cấp "hộ chiếu xanh" - một chứng chỉ đã tiêm phòng Covid-19, cho phép những người sở hữu chứng chỉ được đến phòng gym, xem hòa nhạc và tới khách sạn. Tiếp đó, "hộ chiếu xanh" sẽ được dùng để vào nhà hàng và quán bar, khi các cơ sở kinh doanh này mở cửa trở lại trong tuần này.

Giới chức Israel xem "hộ chiếu xanh" là công cụ quan trọng trong nỗ lực nhằm thuyết phục người dân đi tiêm phòng. Đến nay, 50% dân số Israel đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid-19. "Hộ chiếu" này có trên website của Bộ Y tế Israel hoặc trên một ứng dụng di động, có một mã vạch và số căn cước của người đã tiêm.

Chương trình "hộ chiếu vaccine" của Israel không phải không gây tranh cãi. Tiêm chủng ngừa Covid không phải là một việc bắt buộc ở Israel, nhưng Quốc hội nước này mới đây đã thông qua một đạo luật cho phép Bộ Y tế thông báo với chính quyền địa phương về những người chưa tiêm phòng Covid. Các biện pháp khác mà Israel dự kiến áp dụng có thể sẽ yêu cầu xét nghiệm thường xuyên đối với những người chưa tiêm. Bộ trưởng Bộ Y tế Israel Yuli Edelstein cho biết đang cân nhắc đề xuất một dự luật cho phép các chủ sử dụng lao động cấm những nhân viên chưa tiêm phòng Covid-19 đi làm.

Trong khi đó, công đoàn sức khỏe cộng đồng của Israel cảnh báo rằng việc chia sẻ tình trạng vaccine của người dân sẽ đặt ra những vấn đề về bảo mật. Các chuyên gia khác thì đặt ra câu hỏi liệu thông tin cá nhân của người dân có được sử dụng để phục vụ cho quảng cáo chính trị sau này.

Theo luật của Anh - quốc gia đến nay đã có hơn 1/3 dân số đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19, Chính phủ không được phép bất buộc tất cả người dân phải tiêm phòng Covid. Ban đầu, các bộ trưởng trong Chính phủ Anh phản đối "hộ chiếu vaccine". Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Chính phủ Anh đã thay đổi quan điểm.

HÀNH ĐỘNG CỦA KHU VỰC TƯ NHÂN 

Thủ tướng Johnson nói có thể người dân Anh sẽ phải có bằng chứng đã tiêm chủng Covid-19 mới được đi nước ngoài, giống như việc một số quốc gia yêu cầu chứng chỉ miễn dịch bệnh sốt vàng da.  Tuy nhiên, ông nói rằng Chính phủ còn chưa quyết việc yêu cầu chứng chỉ đã tiêm vaccine Covid khi người dân tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí.

"Chúng ta chưa từng có một thứ như thế bao giờ. Chúng tôi chưa nghĩ đến việc người dân phải xuất trình một thứ gì đó khi vào quán rượu hay rạp hát", ông Johnson nói mới đây. "Có những vấn đề sâu xa và phức tạp mà chúng tôi phải xem xét".

Để trấn an nỗi lo rằng "hộ chiếu vaccine" sẽ biến những người từ chối tiêm chủng ngừa Covid thành "công dân hạng hai", Chính phủ Anh đang xem xét về một chứng chỉ cấp cho những người có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Giới chức Anh cũng đang cân nhắc hiển thị "hộ chiếu vaccine" hoặc chứng chỉ âm tính với Covid trên một ứng dụng do Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) phát triển. Việc này chắn sẽ mất nhiều thời gian, vì Chính phủ Anh đã phải dành 6 tháng để xây dựng một ứng dụng theo dõi và truy vết Covid-19.

Trong khi đó, khu vực tư nhân có thể tự mình hành động. Công ty cung cấp kỳ nghỉ Saga PLC của Anh nói rằng, khách hàng phải cung cấp bằng chứng đã tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19 trước khi lên du thuyền của hãng. Tập đoàn công nghệ IBM đã phát triển một thẻ y tế kỹ thuật số cho phép mọi người chia sẻ hồ sơ y tế với chủ sử dụng lao động hay các doanh nghiệp khác.

Tại Israel, một số lãnh đạo doanh nghiệp cho biết sẽ yêu cầu nhân viên phải tiêm vaccine. Ông Shai Wininger, nhà đồng sáng lập Công ty bảo hiểm Lemonade có trụ sở ở New York, viết trên Facebook rằng ông sẽ chỉ gặp trực tiếp những người đã tiêm phòng Covid-19. Big Shopping Centers, một công ty vận hành trung tâm thương mại ở Israel, mới đây tuyên bố sẽ không cho phép nhân viên, nhà cung cấp và khách chưa tiêm vaccine Covid được vào các văn phòng quản lý của công ty kể từ tháng 3 trở đi.

Nhưng một khi đa phần dân số tại một quốc gia đã được tiêm vaccine Covid-19, câu hỏi đặt ra là liệu chi phí về mặt xã hội và kinh tế của "hộ chiếu vaccine" có xứng đáng với mức giảm lây nhiễm rất ít mà tấm "hộ chiếu" này mang lại khi đó. Nếu tiêm phòng giúp kiểm soát được tỷ lệ lây nhiễm rồi, thì "hộ chiếu vaccine" có còn cần thiết nữa hay không?

Kiều Oanh

Cùng chuyên mục
XEM