H&M chuẩn bị chào sân Việt Nam với cửa hàng ở sát vách Zara tại Vincom Đồng Khởi

07/06/2017 14:13 PM | Kinh doanh

Việt Nam là 1 trong 5 thị trường mà H&M muốn "tấn công" trọng điểm trong năm 2017.

Theo thông tin từ H&M Việt Nam, thương hiệu thời trang này sẽ khai trương cửa hàng đầu tiên tại TPHCM vào mùa Thu 2017.

Địa điểm tọa lạc H&M là Trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi, một vị trí đắc địa trung tâm Sài Gòn. Cửa hàng đầu tiên này có diện tích khoảng 2.200m2, gồm 2 tầng và điều đáng chú ý là H&M nằm sát vách với thương hiệu thời trang Zara.

Tại cửa hàng đầu tiên này, khách hàng có thể tìm thấy đầy đủ các dòng sản phẩm của H&M bao gồm trang phục nữ, nam, trẻ em, giày dép, phụ kiện và đồ lót.


Hình ảnh tại Vincom Đồng Khởi hồi tháng 4 vừa qua.

Hình ảnh tại Vincom Đồng Khởi hồi tháng 4 vừa qua.

Hồi tháng 2, H&M Việt Nam đã rục rịch tuyển dụng nhân sự cho một số vị trí cấp cao như quản lý cửa hàng, phụ trách giao diện cửa hàng, phụ trách nguồn tiền. Được biết, các ứng viên được mời làm việc sẽ được H&M gửi sang nước ngoài đào tạo trong khoảng thời gian từ 3 – 5 tháng. Kết thúc khóa đào tạo, những ứng viên này sẽ về Việt Nam tham gia set-up store.

Trước đó, trong một thông cáo, H&M đã cho biết sẽ mở thêm 430 cửa hàng trên toàn thế giới trong năm 2017. Trong đó, Việt Nam nằm trong số 5 thị trường mà thương hiệu thời trang Thụy Điển muốn "tấn công" trọng điểm.

Một số thông tin cho rằng, sau khi khai trương cửa hàng đầu tiên tại Vincom Đồng Khởi, H&M sẽ mở tiếp các cửa hàng tại các trung tâm thương mại lớn trên đường Nguyễn Trãi và Minh Khai, Hà Nội.

Sự xuất hiện của Topshop, Zara và H&M thời gian gần đây cho thấy các hãng thời trang lớn trên thế giới đang rất quan tâm tới Việt Nam.


Một cửa hàng H&M tại nước ngoài

Một cửa hàng H&M tại nước ngoài

Đôi nét về H&M

H&M, hay Hennes & Mauritz, là hãng thời trang được thành lập tại Thụy Điển vào năm 1947, H&M sở hữu nhiều thương hiệu khác nhau, bao gồm Monki, Weekday, Cheap Monday, và COS.

Chiến lược của H&M là đưa ra những sản phẩm được quảng cáo là hợp tác thiết kế với những tên tuổi lớn của ngành thời trang thế giới, như Versace và Alexander Wang. Sự xuất hiện của những sản phẩm như vậy tại cửa hiệu của H&M giúp hãng gia tăng uy tín.

Việc kết hợp với các hãng danh tiếng cũng mang đến cho khách hàng của H&M những sản phẩm có sự khác biệt so với những thiết kế phổ thông của hãng.

Cũng giống như nhiều hãng bán lẻ thời trang khác, H&M đem các thiết kế đi thuê sản xuất ở các nước như Campuchia và Bangladesh, nơi có chi phí nhân công rẻ. H&M không trực tiếp sở hữu bất kỳ nhà máy nào, mà thay vào đó hợp tác với 900 nhà cung cấp trên toàn cầu, chủ yếu nằm ở khu vực châu Âu và châu Á.

Để vận chuyển hàng hóa từ nhà máy tới cửa hiệu, H&M dùng đường sắt hoặc đường biển, nhằm tăng cường tính hiệu quả của logistics nội bộ. Các nhà thiết kế của H&M cũng không làm việc tại văn phòng trụ sở của hãng ở Stockholm.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM